Địa điểm du lịch Kênh gym
Hue

Làng cổ Phước Tích kích cầu du lịch

08/04/2018 - 4441 view
Làng cổ Phước Tích kích cầu du lịch

Thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, làng cổ Phước Tích Huế cách Trung tâm thành phố khoảng 45km về phía tây bắc, có 117 hộ với trên 300 nhân khẩu sinh sống. Ngôi làng đã tồn tại hơn 500 năm, được tỉnh chọn làm điểm tổ chức Lễ hội “Hương xưa làng cổ” trong các kỳ Festival Huế.

Người dân hưởng lợi

Làng còn lưu giữ 26 ngôi nhà rường cổ có niên đại hơn 100 năm tuổi gắn với các di tích lịch sử văn hóa, như: Miếu Cây Thị, miếu Đôi, miếu Quảng Tế. Ông Lê Trọng Đào, chủ nhân một ngôi nhà rường cổ cho biết, ngôi nhà của gia đình ông được xây dựng theo kiến trúc nhà rường Huế cách đây trên 100 năm. Trước đây, du khách ít biết đến ngôi nhà rường của gia đình ông cũng như các hộ khác. Sau mỗi mùa lễ hội “Hương xưa làng cổ”, lượng du khách biết đến và về tham quan làng cổ Phước Tích ngày càng nhiều hơn. Năm 2013, được sự tài trợ của huyện cũng như Ban quản lý làng cổ, gia đình ông xây dựng phòng đón khách lưu trú với mỗi đêm là 120.000 đồng/khách (nay tăng lên 160.000 đồng/khách). Ngoài việc đón khách lưu trú, gia đình ông còn mở cửa đón khách tham quan nhà vườn với mức phí đã được quy định. Nhờ đó, gia đình tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trong số 26 ngôi nhà rường, hiện 5 nhà rường có dịch vụ “Homestay” được đưa vào sử dụng năm 2009 và năm 2013. Trung bình hàng tháng, có khoảng 100 lượt khách du lịch ghé thăm làng cổ Phước Tích. Trong đó, có nhiều đoàn khách lưu trú tại đây. Để phục vụ du khách ăn uống, Ban Quản lý làng cổ đã thành lập tổ ẩm thực, gồm 16 chị em của làng, chia làm 4 nhóm phục vụ. Mỗi khi khách có nhu cầu, tùy số lượng, kinh phí sẽ được mỗi tổ ẩm thực chế biến bữa ăn đón khách. Món ăn là những đặc sản của quê hương làng cổ; qua đó, giúp cho chị em trong tổ ẩm thực có thêm thu nhập.

Du khách còn có thể trải nghiệm các công đoạn làm gốm và mua các sản phẩm gốm làm quà. Anh Lương Thanh Hiền cho biết, từ năm 2006, anh cùng 2 người khác đã mở lại xưởng làm gốm. Sau khi được tập huấn, nâng cao tay nghề theo công nghệ mới, anh cùng những bạn đồng môn đã phát triển nghề làm gốm. Đến nay, sản phẩm của xưởng gốm anh làm ra được nhiều người ưa thích và thị trường đã chấp nhận. Mỗi mùa Festival Huế, Festival làng nghề, xưởng của anh bán được 60 - 70 triệu đồng. Anh tâm sự: nghề gốm có thể sống tốt nếu mình tận tâm. Tuy nhiên, do thiếu nguồn kinh phí, nhân lực, không có nhà trưng bày, sản phẩm vẫn còn ít nên chưa thể phát huy được thế mạnh của nghề gốm làng cổ Phước Tích.

Kích cầu cho du lịch

Qua 7 mùa tổ chức Lễ hội “Hương xưa làng cổ” nhân dịp Festival Huế, làng cổ Phước Tích được nhiều người biết đến hơn. Theo thống kê, hàng năm có hàng ngàn lượt người đến với làng cổ. Riêng năm 2017, có khoảng 3.000 khách tham quan thông qua Ban quản lý làng cổ (chưa kể khách tự do). Tuy nhiên, số lượng khách lưu trú trung bình chỉ khoảng 100 người/năm.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc BQL Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết, để bảo tồn, phát huy những giá trị làng cổ, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và huyện đã sửa chữa 1 nhà rường cổ vào năm 2013 và 3 nhà rường cổ vào năm 2017. Năm 2018, Ban quản lý đang làm hồ sơ trình các cấp thẩm quyền thẩm tra, xem xét để tiếp tục sửa chữa thêm 8 ngôi nhà rường cổ nữa. Ban quản lý cũng đã lập đề án để đẩy mạnh phát huy giá trị của làng cổ tại khu vực 2, như: làm hồ câu cá, đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí... Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Trường đại học Nông Lâm Huế trồng hoa, phục hồi các cây bản địa, tạo cảnh quan sạch đẹp dọc bờ sông nhằm phát huy hơn nữa giá trị làng cổ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: Để kích cầu du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, huyện sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, quảng bá về làng cổ thông qua nhiều kênh với nội dung, hình ảnh phong phú. Ngoài ra, xúc tiến để kết nối các tuyến, tour làng cổ Phước Tích với các điểm du lịch trên địa bàn, như: suối nước nóng Thanh Tân (Phong Sơn), Chiến trường xưa Hòa Mỹ, thác A Đon (Phong Mỹ), nghề rèn Hiền Lương (Phong Hiền), mộc Mỹ Xuyên (Phong Hòa), biển Điền Lộc, nhà chồ đầm phá Tam Giang, các trằm phía phía đông bắc huyện...

Huyện Phong Điền đã quy hoạch tổng thể cho làng để kêu gọi đầu tư; tiếp tục trùng tu, sửa chữa lại các ngôi nhà rường cổ; nâng cao chất lượng các dịch vụ về du lịch và các sản phẩm hiện có; kêu gọi một số nhà đầu tư đến để vực dậy làng nghề, tạo đầu ra cho sản phẩm gốm, bánh tiến vua, phu thê...; đồng thời, phát triển thêm một số dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống và một số sản phẩm khác... hướng đến bảo tồn và phát huy những giá trị của làng cổ Phước Tích trong tương lai.

TTXT du lịch Huế

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích