Địa điểm du lịch Kênh gym
Hue

Lăng Khải Định, nghệ thuật khảm sành sứ

13/04/2018 - 6310 view
Lăng Khải Định, nghệ thuật khảm sành sứ

Nghệ thuật khảm sành sứ ở lăng Khải Định Huế đã đạt đến mức điêu luyện khiến cho khách du lịch trong và ngoài nước phải trầm trồ thán phục. Huế trong thời gian dài là Kinh đô nên đã trưng tập được các nghệ nhân khảm sành sứ giỏi nhất nước về sinh sống và truyền nghề. Nhờ đó, con em người Huế học được các ngón nghề tinh vi, khéo léo mà hiện các truyền nhân vẫn còn ở các vùng Địa Linh, Bao Vinh, Nam Phổ...

Nghề khảm sành sứ có từ thế kỷ XVII, ban đầu lưu truyền dân gian, về sau mới trở thành nghệ thuật phục vụ trong chốn cung đình. Các loại vật liệu khảm sành sứ được lựa chọn từ mảnh vỡ của những loại gốm cổ xưa, vì vậy nguồn nguyên liệu luôn khan hiếm; song dưới lòng sông Hương lại cung cấp đủ bởi thuở đó, lượng tàu thuyền chở các vật phẩm đi lại trên sông Hương nhiều vô kể do Huế là Kinh đô vương triều. Chính nhờ lượng lớn gốm sứ đó mà nghệ thuật trong lăng tẩm, đền, chùa và nơi thờ cúng ở Huế đã phát triển cực thịnh, trở thành nét văn hóa không thể thiếu ở vùng đất Cố đô.

Trong sách “Phủ Biên tạp lục”, Lê Quý Đôn mô tả Phú Xuân vào đầu thế kỷ XVIII như sau: “...Nơi đây cung điện, lầu gác, mái lớn nguy nga, đài cao sặc sỡ, tường bao quanh, cửa bốn bề chạm khắc, vẽ vời khéo léo vô cùng... Tường trong, tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi mật và mảnh sứ đắp thành hình rồng, phượng, lân, hổ, cỏ hoa...”. Thời Minh Mạng, Thiệu Trị cũng đã sử dụng loại hình trang trí này, đến thời Tự Đức, khảm sành sứ đã mang tính trang trí. Thời điểm muộn hơn ở lăng Kiên Thái vương được trang trí phong phú nội dung đề tài “Nhị thập tứ hiếu”, sử dụng hình tượng con người khá phong phú.

Phải đến thời Khải Định, trang trí khảm sành sứ kết hợp thủy tinh màu mới phát triển rực rỡ. Trang trí khảm sành sứ vôi nề đã xuất hiện ở hàng loạt kiến trúc, như: Cung An Định, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, Thái Bình lâu ngự lãm, điện Kiến Trung... nhưng tiêu biểu độc đáo nhất phải kể đến nội thất lăng Khải Định.

Giá trị nghệ thuật lớn của lăng Khải Định là ở phần trang trí nội thất cung Thiên Định, trang trí dày đặc bởi nghệ thuật khảm sành sứ và thủy tinh màu. Những nghệ nhân tài ba đã thể hiện các đề tài từ dân gian cho đến cung đình như: tứ linh, bát bửu, nhật nguyệt, mười hai con giáp... Những con vật, cây trồng gần gũi trong đời sống và những đồ dùng mang tính thời đại mới như đồng hồ, đèn Hoa Kỳ, kính lúp... cũng được sử dụng trang trí trong lăng Khải Định. Tất cả đã dung hợp từ những mảnh sứ tốt được nhập cảng từ Trung Hoa, Nhật Bản nhiều màu sắc quý đẹp như màu cam, màu ngọc, một chất liệu mới là kính thủy tinh màu nhập từ Pháp.

Những mảnh sành sứ, thủy tinh ở lăng Khải Định bản chất là những vật liệu cứng, nhưng sự khéo léo trong tạo hình đã không cho thấy sự khô cứng, nặng nề. Những bàn tay nghệ nhân tài hoa đã khảm thành những hoa văn tinh tế. Các họa tiết không bị giới hạn bởi nét tô vẽ hay vôi vữa, tạo nên những tác phẩm có hồn, sinh động vô cùng. Tất cả đã tạo nên nghệ thuật độc đáo mang bản sắc Huế trong nền nghệ thuật dân tộc Việt Nam.

TTXT du lịch Huế

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích