Địa điểm du lịch Kênh gym
Hue

Phá Tam Giang, món ngon nhớ lâu

15/11/2015 - 5825 view
Phá Tam Giang, món ngon nhớ lâu

Phá Tam Giang nổi tiếng với không gian sóng nước lãng mạn cùng bao món ngon được đánh bắt từ đầm phá này. Người ta bảo cá tôm ở đây là “vàng sống” vì nó phong phú, tạo sinh kế cho bao gia đình từ xưa đến nay. Nhờ nguồn nước lợ (hòa lẫn giữa nước sông và nước biển) và thảm rong tảo dày đặc dưới đáy, nên cá kình, dầy, đối, hanh, hồng, bống, vược, chim, mú, nâu, cá dìa, và tôm, cua, ghẹ, ếch, nghêu sò ốc hến... đều đặc biệt thơm ngon.

Ở Sài Gòn, bạn tôi vẫn hay hỏi về phá Tam Giang bởi từng nghe đồn món ngon vật lạ nơi đầm phá này. Nếu khách phương xa đến Huế, chỉ cần gọi taxi hay xe ôm, bảo chở về Tam Giang ăn hải sản, thì đảm bảo không có ai chạy lạc đường. Ven đầm phá có nhiều hàng quán bán đặc sản. Sau một hồi khám phá, không gì thú vị bằng ghé lại một quán ăn nào đó nằm cạnh những bến đò hay giữa đầm phá thưởng thức sản vật địa phương. Bây giờ nhiều người thích “ăn sang”, nhưng tôi thấy ở Huế người ta không chỉ “ăn sang”, mà còn thích “ăn đẹp” nữa. Cái đẹp bao gồm cả sự ngon (vị giác) và cả sự tươi mới bắt mắt (thị giác) của các món ăn.

Nếu tận mắt chứng kiến cảnh đánh bắt, hay tự mình kéo lưới để chọn nguyên liệu chế biến bữa ăn cho mình quả là thích thú. Vẻ tươi rói của tôm, cá, cua ghẹ vừa mới mang lên từ con nước phá Tam Giang khiến người ta nhìn thấy đã phát thèm nên khi thưởng thức món ăn qua chế biến quả là sướng cái miệng. Cách trình bày, “lên màu” món ăn từ rau củ, gia vị chế biến cũng làm thực khách xuýt xoa bởi sự tinh tế, khéo léo của người Huế. Còn có cả sự bổ trợ tuyệt vời của phong cảnh thiên nhiên khiến cái sự ăn thêm ngon, thêm giá trị. Ngắm ráng chiều trên phá Tam Giang, hưởng gió mát trong thanh bình, săn những bức ảnh đẹp thì cách thưởng thức những món ăn càng thêm “đẹp”. Hay sáng mai thức dậy đón bình minh, đi xem mua bán ở chợ sớm xong về được ăn món bánh xèo cá, tôm, mực tươi ngon. Cái đẹp của cuộc sống pha lẫn với vị ngon, lạ ẩm thực đầm phá... hẳn là bữa ăn khó quên.

Món ngon đặc sản phá Tam Giang thì nhiều, mùa nào lại thức ấy, thôi thì kể tạm vài dư vị đang “nhảy múa” trong tâm trí. Nhớ cá kình (lúc nhỏ hơn một ngón tay thì gọi là cá rò, cho ra món mắm rò Huế nức tiếng) với đủ vị, đủ món thơm tho, mềm mại. Con cá nhỏ bằng hai ba ngón tay vậy mà có thể làm nhiều món khác nhau, mỗi món cho một vị ngon riêng, nhưng nhắc đến cá kình, tuổi thơ của tôi nghĩ ngay đến món mắm, bánh khoái và canh măng chua nấu cá kình để nguyên con, ngon đến “nhức răng”.

Ở đầm phá Tam Giang, rau câu là món ăn thân thuộc và rất rẻ. Bày rau câu trộn rau sống các thứ ra đĩa, cho thêm vài trái ớt đỏ lên trên là sẽ thấy một đĩa rau đủ màu xanh, trắng, đỏ ngon lành cùng chén nước chấm tôm kho đánh bên cạnh, cũng mỡ màng trắng vàng đỏ ngon mắt. Bấy giờ dùng đũa gắp một gắp rau, chấm vào chén nước chấm rồi lấy chén hứng đưa lên miệng. Vị giòn bùi thoảng hương bùn đất của rau câu, giòn cứng của giá, mùi thơm của rau thơm, rau ngò, diếp cá; bấy nhiêu thứ hòa vào nhau cùng với cái béo của mỡ, dai của da, cay của ớt, tỏi... Nhai càng kỹ càng có cảm giác mình đang đi vào ngọn nguồn lạch nước đầm phá.

Hay bữa cơm dân dã với món cá sơn kho ớt, có thêm ít lát gừng ngon chi lạ, nhất là trong tiết trời mưa Huế. Tên là sơn nhưng nó sống ở phá Tam Giang chứ không phải ở núi như cá lúi hay chình. Cá sơn được đánh bắt nhiều khi mùa mưa tới vì dòng nước lạ từ nguồn đổ về khiến cá sơn phản ứng di chuyển lên mặt nước và đi vào nò, sáo... của ngư dân. Đây cũng là món ăn đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ nơi đầm phá.

Từ lâu, thực khách vẫn thầm nhắc “cá đối, không đâu ngon bằng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai”. Cá thường đẻ trứng vào cuối mùa thu, đầu mùa đông, vì vậy vào đầu tháng 10 ta, tức tháng 11 tây, là mùa cá đối ngon, còn gọi là “cá đối thu đông”. Dân có kinh nghiệm du lịch phá Tam Giang mùa này không thể bỏ qua món cá đối trứng còn nhảy đành đạch, bỏ lên bếp than nướng mộc rồi chấm muối ớt, thơm ngon... điếc mũi. Cá đối có thể chế biến hàng chục món: cá đối nấu giấm, kho măng, kho tiêu, kho cà chua, kho thơm, kho dưa chua, kho cải chua, kho mía gừng... Các món canh riêu cá đối, chiên xù, hấp cách thủy cuốn bánh tráng, cháo cá đối... cũng khó bỏ qua. Nhưng dù nấu món chi đi nữa, thì cũng phải nhớ ăn bộ lòng vì cá đối chỉ ăn rong rêu, nên bộ lòng cá đối “chấp” bộ lòng cá lóc là chuyện đương nhiên. Nó vừa béo, vừa thơm, vừa giòn. Lại phải nhớ là “nhăm” cả đầu vì xưa có câu: “Bán ruộng đầu cầu, ăn đầu cá đối”. Ý là khoan khoái như bán được miếng ruộng khó bán nhất (ở đầu cầu thường đầy sỏi đá), thì ăn cái đầu cá đối cũng không kém như thế chút nào...

Bạn tôi có chuyến ghé thăm đầm phá cùng gia đình để thưởng thức cách “ăn đẹp” như tôi đã kể. Về Sài Gòn anh bảo: “Đáng giá! Bữa ăn trôi qua đã lâu nhưng khi nhìn lại những bức ảnh đẹp, dư vị như ùa về. Đến Huế mà không ghé về phá Tam Giang thiệt uổng phí!”.

Phá Tam Giang, món ngon nhớ lâu 2

Phá Tam Giang, món ngon nhớ lâu 3

Phá Tam Giang, món ngon nhớ lâu 4

Phá Tam Giang, món ngon nhớ lâu 5

Phá Tam Giang, món ngon nhớ lâu 6


TTXT du lịch Huế

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích