Địa điểm du lịch Kênh gym
Hue

Phá Tam Giang với chợ nổi độc đáo

09/03/2015 - 4392 view
Phá Tam Giang với chợ nổi độc đáo

Quảng Điền từng có nhiều ngôi chợ rất nổi tiếng như: chợ Đan Lương (chợ Cầu, ở làng Phú Lương, xã Quảng Thành), chợ Bái Đáp (làng Phú Lễ, xã Quảng Phú) và giai đoạn sau này là chợ Ngũ xã (chợ Sịa). Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và quá trình đô thị hóa, nhiều khu chợ khác cũng mọc lên. Bên cạnh những chợ làng truyền thống, tụ họp tại một địa điểm thuận lợi cho việc trao đổi buôn bán (thường là trên mặt đất), thì ở Quảng Điền còn có một khu chợ rất đặc trưng, đó là chợ nổi trên phá Tam Giang, ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi.

Chợ nổi là loại hình chợ thường xuất hiện tại vùng sông nước, nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe thuyền làm phương tiện vận tải và di chuyển. Ở nước ta, chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của miền Tây Nam Bộ, nơi có hệ thống sông ngòi và kênh rạch dày đặc. Nếu các khu chợ nổi ở miền Tây bán các sản vật chủ yếu là nông sản, các loại trái cây, rau củ, thức ăn... thì chợ nổi trên phá Tam Giang là nơi mua bán các loại thủy sản như: cá, tôm, cua, lươn... được ngư dân đánh bắt trên vùng đầm phá rộng lớn này.

Chợ nổi thủy sản được hình thành cùng với quá trình tụ cư của người dân thủy diện. Cách đây vài trăm năm, một số hộ ngư dân vốn có nguồn gốc từ Hòa Duân, Phú Thuận, Cầu Hai theo đuôi con tôm con cá về quần cư ở vùng rìa phá Tam Giang (khu vực thôn Ngư Mỹ Thanh ngày nay), đây là vùng có nguồn lợi thủy sản phong phú nên ngày càng có nhiều thuyền chài tập trung về neo đậu, một “vạn chài” được hình thành với hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ. Thuyền cũng chính là nhà, mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra trên thuyền, và lẽ tất yếu, những sản phẩm mà họ đánh bắt được cũng bán ngay trên thuyền, chính từ thời điểm đó, chợ nổi thủy sản bắt đầu nhộn nhịp.

Chợ nổi phá Tam Giang thường bắt đầu từ 4 đến 7 giờ hàng ngày, khi trời còn tờ mờ sáng, trên một vũng đầm hàng trăm thuyền chài của ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh, thôn Cư Lạc và một số vùng lân cận sau khi đánh bắt về tập trung ở đây, làm nhộn nhịp cả một khu đầm yên ả. Thành quả sau một đêm quăng chài, thả lưới, đặt nò sáo của người dân là các loại thủy sản như: cá Bống, các Dìa, cá Tràng, cá Ong; tôm Rằng, tôm Gân, cua, lươn... được người dân đem bán cho các “ruổi” - những lái buôn chuyên thu mua tôm cá của ngư dân. Với phương tiện là một cái cân xách, vài chiếc rổ tre và một chiếc xuồng nhỏ, thấy thuyền nào là vào là các “ruổi” ghé tới, cảnh mua bán diễn ra nhanh chóng và thanh bình. Gọi là chợ nhưng không ồn ả, đông đúc chen lấn, không có cảnh “kỳ kèo bớt một thêm hai”, thay vào đó là những câu nói vui, niềm phấn khởi khi bắt được nhiều tôm cá, cả người mua và người bán đều vui vẻ nói cười, sau khi mua xong, các “ruổi” trả tiền cho chủ đò và chuyển sang đò khác, cứ như thế cho đến khi hừng đông, cảnh buôn bán cũng thưa dần, các “ruổi” bắt đầu gom tôm, cá chuẩn bị cho buổi chợ sớm, từ đây, các đặc sản tôm cá của phá Tam Giang tỏa đi khắp các chợ lân cận và cả thành phố Huế. Khi mặt trời ló dạng thì cũng là lúc chợ nổi kết thúc, những thuyền chài tập trung tại một bãi đậu trước làng, ngư dân sắp xếp lại ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt tối hôm sau.

Ngày nay, chợ nổi phá Tam Giang ở thôn Ngư Mỹ Thạnh là một trong những điểm thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan, tận mắt chứng kiến cảnh họp chợ thật đặc biệt và mới lạ. Không đông đúc, nhộn nhịp, nhiều màu sắc như chợ nổi miền Tây Nam Bộ, chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh có gì đó đầm ấm, gần gũi. Gọi là chợ nhưng dường như cả người mua và người bán đều biết tên nhau, họ như những người bạn, đúng là “buôn có bạn, bán có phường”... Phá Tam Giang rộng lớn đã che chở, nuôi sống hàng trăm hộ dân vạn chài Ngư Mỹ Thạnh. Trong khoảng không bao la đó, chợ nổi như một điểm sáng, một hoạt động vừa mang tính kinh tế vừa mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng sông nước, chính vì vậy mà suốt năm, dù ngày nắng hay mưa, được mùa hay thất bát người dân đều tập trung họp chợ, đó là công việc mưu sinh nhưng cũng là hoạt động góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của quê hương mình.

Ông Nguyễn Tường - Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh đã có tuổi đời hàng trăm năm và được đưa vào khai thác du lịch để tăng thêm thu nhập cho người dân. “Những trải nghiệm về cuộc sống thường nhật chân chất của người dân vùng đầm phá Tam Giang khiến du khách rất thích thú nên tìm về ngày càng nhiều”.

Phá Tam Giang với chợ nổi độc đáo 2

Phá Tam Giang với chợ nổi độc đáo 3


TTXT du lịch Huế

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích