Địa điểm du lịch Kênh gym
Hue

Lăng Cô 100 năm được vua Khải Định “chấm”

06/08/2016 - 5466 view
Lăng Cô 100 năm được vua Khải Định chấm

Cách đây tròn 100 năm (2016-1916), vua Khải Định đã phát hiện ra những giá trị về cảnh quan và khí hậu tuyệt vời của Lăng Cô. Vị vua thứ 12 của triều Nguyễn này là người đầu tiên cho xây dựng hành cung bên bãi biển Lăng Cô để hưởng những giá trị trời cho ở khu vực cực nam của tỉnh Thừa Thiên Huế. Suốt chiều dài lịch sử, hiếm có một nơi nào trên đất nước Việt Nam được những người đứng đầu nhà nước thời quân chủ chọn làm nơi thừa lương của họ như vua Khải Định đã chọn Lăng Cô.

Theo Hoàng Việt Giáp Tý Niên biểu và ông Nguyễn Đắc Vọng - ngũ đẳng Thị vệ hầu cận của vua Khải Định, vào trung tuần tháng 4/1916, vua Khải Định lên ngôi. Bốn tháng sau, vua ngự giá đi Quảng Nam xem xét phong tục, tập quán (8/1916). Trên đường đi và về, nhà vua đã nghỉ lại bãi biển Lăng Cô một thời gian. Những phát hiện, đánh giá về cảnh quan và khí hậu tuyệt vời ở Lăng Cô được ông ghi lại rõ trong tấm bia Hành cung Tịnh Viêm (dựng bên đường vào làng An Cư Đông thuộc Thị trấn Lăng Cô ngày nay) và được học giả Phan Thuận An dịch nguyên văn từ chữ Hán sang chữ Việt như sau:

“Bài văn bia Hành cung Tịnh Viêm do vua Khải Định ngự chế. Vào tháng sáu mùa hè năm đầu (tức tháng 8/1916) Trẫm mới lên ngôi, nhân dịp đi tuần du trong tỉnh để xem xét phong tục, xe loan hướng về phía nam, vượt qua sông núi, không đâu không nhìn ngắm kỹ, bỗng gặp được chốn này. Ở đây đất liền với núi Phú Gia, bãi cát giăng ngang, nước tiếp đại dương, sông chảy quanh quất. Núi non cao ngất ôm phía sau, đầm nước trải dài về phía trước. Phía nam giáp với Hải Vân Quan, phía bắc liền với cửa biển Cảnh Dương. Thôn yên, đảo vắng, nơi nơi cây biếc ráng hồng; bãi hạc đầm le, thỉnh thoảng vọng tiếng tiều phu và nhịp chèo ngư phủ. Trông về núi thì thấy mây lạ bay lên từ hang hốc, như những nàng tiên múa ở non bồng; nhìn xuống nước thì gió trong xua sóng biển, như muôn ngựa chầu về. Bấy giờ mới dừng xe trông ra bốn phía, vui mắt nhìn xem, thấy nào là khí lành, nào là gió dịu, nào là cảnh vui, nào là vật đẹp. Đắm nhìn một hồi lâu, bất giác cả người mát rượi, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở hẳn ra, và xúc cảnh sinh tình. Đến ngày quay xe trở về, liền ban sắc bảo Bộ Công đến đó xây dựng hành cung, đặt tên là Hành cung Tịnh Viêm, để làm nơi hóng mát giữa mùa hè, thỉnh thoảng rước lưỡng cung về tránh nóng và ngắm xem phong cảnh. May mà được hai ngài ưa thích. Vậy thì hành cung này chẳng phải để riêng Trẫm vui thú lúc rảnh rang mà còn ghi chép để lưu lại về sau một nơi nghỉ mát và một thắng cảnh. Vì thế cho nên làm bài văn này để khắc vào bia đá. Ngày 24 tháng 2 năm Khải Định thứ 4 (tức là ngày 25/3/1919)”.

Hành cung Tịnh Viêm được xem như dinh thất của Hoàng gia ở phía nam Huế. Vua từng mời hai bà mẹ (vợ vua Đồng Khánh) vào nghỉ mát ở Lăng Cô và hai bà rất thích bãi biển Lăng Cô. Vào mùa viêm nhiệt, có “ngài ngự” hay không, các bà phi (vợ vua Khải Định) vẫn đem nhau vào đó nghỉ mát. Vua Bảo Đại lúc còn là Hoàng tử Vĩnh Thụy mới năm sáu tuổi cũng thường theo Đức Từ Cung vào đây. Người vào đây nổi tiếng nhất là bà Đệ nhị Giai phi Hồ Thị Chỉ (vợ thứ hai của vua Khải Định, thường gọi là bà Ân Phi). Bà Ân Phi họ Hồ, con gái quan Đại thần Hồ Đắc Trung, trẻ đẹp, biết tiếng Pháp, không có con nên bà có nhiều thời gian ở Hành cung Tịnh Viêm hơn. Thỉnh thoảng, nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Bảo hộ Pháp như Khâm sứ Trung Kỳ, Công sứ Thừa Thiên vào Lăng Cô hầu chuyện với bà.

Đến thời Bảo Đại (1926-1945), trong khuôn viên Hành cung Tịnh Viêm xây dựng thêm nhiều kiến trúc mới theo kiểu Tây phương để làm khu nghỉ mát cho gia đình vị vua cuối cùng triều Nguyễn sống theo phong cách Tây phương. Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và các hoàng tử công chúa cuối cùng của triều Nguyễn đã đến nghỉ mát ở Lăng Cô. Cho mãi đến đầu năm 1947, khu vực Hành cung Tịnh Viêm bên bãi biển Lăng Cô mới bị triệt hạ trong cao trào “Tiêu thổ kháng chiến chống Pháp”.

Các vị bô lão ở làng chài Lăng Cô từng kể cho con cháu nghe ngày xưa vua Khải Định và sau đó là vua Bảo Đại hay về nghỉ mát ở bãi biển Lăng Cô, họ thường ra câu cá ở đầm An Cư. Các vua không dùng nước ở các giếng trong làng. Giếng nước dành cho vua - “Giếng ngự”, ở mãi dưới chân đèo Hải Vân phía bên kia đầm An Cư (nay vẫn còn). Hằng ngày, những người phục vụ vua phải chèo đò sang bên ấy chở nước về cho Hoàng gia dùng.

Có thể nói, khu Hành cung Tịnh Viêm xưa bên bãi biển Lăng Cô là cung điện mùa hè của các vua cuối triều Nguyễn, họ như những vị khách quốc gia và quốc tế đã đến du lịch biển Lăng Cô từ đầu thế kỷ trước. Đây là cơ sở lịch sử cho khu du lịch Lăng Cô mang tầm quốc gia sau này.

TTXT du lịch Huế

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích