Địa điểm du lịch Kênh gym
Hue

Chợ Đông Ba thấp thoáng áo dài Huế

16/04/2012 - 5130 view
Chợ Đông Ba thấp thoáng áo dài Huế

Lễ hội Festival Huế 2012 tuy đã qua nhưng những dư âm đẹp của nó vẫn còn lại. Bên cạnh nhiều hoạt động nổi trội là hình ảnh thầm lặng, tự tạo cái đẹp của chị em chợ Đông Ba khi mặc áo dài đến chợ.

Đây là nét văn hóa đã có từ xưa, khi chợ mới hình thành vào cuối những năm 90 thế kỷ 19. Hồi đó, toàn bộ người dân Huế ra đường đàn ông thì áo dài đen, quần trắng, đi guốc, đàn bà thì có diện hơn khi mặc áo dài nhiều màu, quần đen và đội nón lá. Những ai đi bán tại chợ Đông Ba - khu chợ lâu đời nhất đất cố đô cũng không nằm ngoài những “mốt” thời trang ấy. Bẵng qua trăm năm, phục trang của người dân Huế cũng dần thay đổi. Tà áo dài được thay thế bằng những bộ đồ vải áo quần may bó hay đồ bộ tiện dụng. Hiếm khi nào trong thời gian gần đây, ra chợ Đông Ba mà còn gặp được người mặc áo dài.

Trong kỳ Festival Huế 2012, nhằm khôi phục hình ảnh xưa một thời đã như nét văn hóa đặc sắc giới thiệu về chợ Đông Ba, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vận động, khuyến khích Ban quản lý chợ kêu gọi chị em hãy mặc áo dài cho duyên dáng, làm đẹp thêm khu chợ vốn có truyền thống nhất Huế, nhằm cho khách du lịch thấy được vẻ đẹp Huế trong đời thường. Quả thật, lời động viên khích lệ đã có kết quả, nhiều chị em ở chợ đã dần dần mặc áo dài Huế. Từ trong tâm thức sâu thẳm do có nhiều mối liên hệ gắn bó các thế hệ trước, nghe chợ nói có phong trào mặc lại tà áo dài truyền thống, các bà, các mẹ, các o không ngần ngại kêu gọi con cháu mặc để giữ cái hồn quê hương xứ Huế. Thậm chí nhiều mẹ còn bỏ tiền ra sắm luôn một lúc chục bộ áo dài để vừa đi làm vừa “khoe” áo đẹp với bạn bè.

Chị Hồng Ngọc bán nước giải khát ở cổng số 6 vừa vận lên người tà áo dài cách điệu pha màu đỏ đen với họa tiết đồng tiền cười nói: “Chị mặc áo dài ni là lần đầu ở chợ, vui lắm. Mọi người đều nhìn mình với ánh mắt thân thiện. Khách đến uống nước và hỏi thêm áo dài chị may ở chỗ mô mà đẹp rứa để họ đi may. Ở nhà chị có đến 50 bộ áo dài, trong cả mùa Festival và sau đó là các ngày cuối tuần, chị sẽ mặc để đi bán ở chợ Đông Ba cho đẹp”. Gần đó là hàng trái cây của chị Châu Thị Thuận. Bà chủ Thuận mấy hôm diễn ra Festival cũng xúng xa xúng xính với tà áo dài tím làm cho khách thấy lạ, vô mua hàng nhiều hơn. “Từ lúc 25 tuổi chị đã mặc áo dài, sau một thời gian thấy người ta mặc đồ bộ nên mình cũng theo. Chừ có chợ phát động mặc áo dài thấy thích lắm như được trở về hồi còn con gái”, chị Thuận cho hay.

Đặc biệt, ở các hàng bán đồ lưu niệm Huế của chị Đặng Thị Đông, chủ cửa hàng tôm chua, mè xửng, trà cung đình cho biết nhờ mặc áo dài nên khách tò mò vào xem và mua hàng cũng nhiều hơn. Anh Trần Long Truyền (ở Tiên Nghĩa, Quảng Ngãi) đang dẫn vợ và con đi tham quan du lịch chợ Đông Ba, mua sắm mè xửng Huế làm quà ở hàng chị Đông cũng cảm nhận rằng tà áo dài của chị em xứ Huế rất đẹp và có duyên với người ngoại tỉnh như anh.

Nhiều cửa hàng khác như hàng vàng Núi Vàng, mỹ phẩm Trang, chị Mai bán vải ở lầu chuông chợ Đông Ba với tà áo dài thướt tha đã “quyến rũ” nhiều du khách đến với gian hàng của mình, chủ yếu là để xem bà chủ mặc áo đẹp để về bắt chước may. Sau một hồi tán chuyện vui vẻ, thế là đa số khách cũng không đành mà mua một hay vài món hàng tại đó luôn. Riêng chị chủ hàng vàng Núi Vàng kể với chúng tôi vừa may đúng 7 bộ áo dài để mặc thay phiên trong tuần cho khách thiện cảm hơn khi đi qua lô hàng mình.

Một buổi sáng đi theo chị Nguyễn Khoa Hoài Hương - Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba (cũng mặc trên người bộ áo dài xanh lơ rất dễ thương) tới thăm các gian hàng có chị em mặc áo dài, chúng tôi bắt gặp một tiểu thương “lão thành” là mệ Trần Thị Châu (77 tuổi, bán thịt bò đã hơn 50 năm nay). Mệ đã gây cho chúng tôi ấn tượng mạnh về cách mặc áo dài “chung thủy”. Đã hơn 50 năm qua, kể từ lần đầu đi bán thịt bò cùng mẹ cho đến nay, mệ Châu không có buổi nào là không mặc áo dài. “Hồi xưa ai cũng mặc áo dài hết con ơi. Mệ và các mệ đi trước ngày nào cũng áo dài, đi bộ gánh một gánh hàng ra chợ bán. Toàn bộ phụ nữ Huế đều như rứa hết. Đến nay, trong chợ chỉ còn lại chắc mình mệ mặc áo dài. Chừ mặc quen rồi, không mặc áo khác được. Mệ có 3 màu để thay phiên nhau cho đẹp là màu xanh, đen và nâu” , mệ Châu vừa cắt thịt cho khách và cười nói với chúng tôi.

Qua đợt vận động, hơn 50 chị em tiểu thương chợ Đông Ba đã mặc áo dài đi bán. Chị Hoài Hương tâm sự: “Vì tôi cũng là người gốc Huế rặt nên trong lòng rất muốn lưu giữ hình ảnh truyền thống của Huế với phụ nữ là tà áo dài khi ra chợ. Đây là cầu nối giữa người mua và người bán, làm sản phẩm thu hút hơn với các chợ và siêu thị hiện nay. Khi ra chợ, ngoài việc mua hàng, người mua còn được ngắm tà áo dài xưa nay bỗng xuất hiện trở lại, và có thể hỏi han, chia sẻ cùng người bán hay chỗ may áo dài đâu nếu thấy áo đẹp. Đó là nét văn hóa chợ Huế mà ban quản lý chợ muốn hướng tới. Hiện nhiều chị em cũng đã cách điệu chiếc áo dài cho hợp với việc kinh doanh như áo khổ rộng, tay ngắn, quần nhỏ. Có ai đã từng nói, nếu bạn muốn hiểu văn hóa vùng đất bạn đến, thì hãy ra chợ. Ở chợ Đông Ba, tà áo dài Huế sắp tới sẽ là một “đặc sản” gắn với tiểu thương mà không nơi nào có được”.

Trong những ngày diễn ra Festival Huế, thỉnh thoảng tôi cũng ra chợ Đông Ba để mua đồ dùng, thức ăn cho gia đình, như một thói quen, tôi lại ghé những hàng đã tâm sự, chụp ảnh cho bài viết để xem và thăm các chị. Thật đáng mừng, các chị em đã mặc áo dài lúc trước vẫn duy trì thói quen đó dù cho thời tiết nóng bức. Chị em chia sẻ, được làm đẹp cho chợ, cho Huế và nhất là cho mình khi được mặc áo dài thì nóng đến mấy cũng mặc. Dưới đây là hình ảnh chị em tiểu thương chợ Đông Ba mặc áo dài đi bán hàng nhân dịp Festival Huế 2012:

Chợ Đông Ba thấp thoáng áo dài Huế 2

Chợ Đông Ba thấp thoáng áo dài Huế 3

Chợ Đông Ba thấp thoáng áo dài Huế 4

Chợ Đông Ba thấp thoáng áo dài Huế 5


TTXT du lịch Huế

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích