Địa điểm du lịch Kênh gym
Hue

Lăng Khải Định với thuật phong thủy

15/07/2015 - 5898 view
Lăng Khải Định với thuật phong thủy

Mặc dù đã sẵn sàng tiếp nhận phong cách kiến trúc mỹ thuật mới mẻ đến từ phương Tây nhưng vua Khải Định vẫn giữ và tuân thủ truyền thống, ứng dụng dịch lý và phong thủy vào việc xây lăng Khải Định, như các đời vua trước đã làm.

Điều đó thể hiện rất rõ qua việc vua Khải Định sai các thầy địa lý cùng các quan chuyên trách đương thời khảo sát kỹ lưỡng địa thế và đặc điểm sơn thủy ở nhiều nơi trong vùng Nam sông Hương (hữu ngạn). Và họ đã tìm được một thế đất nằm cách kinh thành Huế khoảng 10km về phía tây nam, trên một sườn núi có độ dốc vừa phải để xây dựng lăng Khải Định, mà theo cách mô tả bấy giờ là “sinh ra để làm nơi ngả lưng cho một linh hồn quyền quý”.

Theo Đại Nam nhất thống chí, núi dựng lăng Khải Định có tên Châu Chữ nằm về phía tây bắc của huyện Hương Thủy, có một con suối kề cận từ phía nam chảy về, đó là suối Châu Ê. Núi không cao lắm song nằm giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, có dòng nước uốn mình qua chân núi, có các dãy đồi nhấp nhô xa xa dưới tầm nhìn và một rừng cây xanh bao bọc.

Như vậy, yếu tố nước (thủy) và núi (sơn) kết hợp cùng các chi tiết cát tường về mặt phong thủy khiến nhà vua hài lòng, chấp thuận và ra lệnh huy động hàng ngàn nhân công lên vùng núi Châu Chữ vào mùa thu năm 1920 để phát quang mở đường, làm lộ ra dưới ánh nắng một cuộc đất nằm nghiêng theo sườn núi, mà sau này vị trí lăng Khải Định tọa lạc ở đó với diện tích khoảng 117m bề dài và 49m bề ngang. Diện tích tuy nhỏ so với lăng của các vua tiền nhiệm song lại phải tốn thời gian xây dựng lâu nhất, liên tục trong 11 năm ròng rã.

Đi từ hướng suối Châu Ê chảy trước mặt lăng vào núi Châu Chữ sẽ thấy lăng Khải Định hiện ra với các bậc cấp đầu tiên dẫn lên điện thờ (tả hữu tùng tự) và một sân chầu có đặt nhiều tượng quan văn võ và tượng ngựa voi (bái đình), nhà bia (bia đình) với trụ biểu rất cao thuộc dạng Stupa dựng hai bên. Tiếp đến là nhiều bậc cấp khác nối lên chỗ cao nhất (cung Thiên Định) có nơi đặt án thờ vua (điện Khải Thành) và nơi đặt thi hài vua (điện Chính Tâm) cùng Tả hữu trực phòng xây ở hai bên các điện trên. Từ dưới lên đến chỗ cao nhất của lăng có tất cả 127 bậc cấp với 5 tầng sân.

Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao về nghệ thuật trang trí nội thất, tạo hình mỹ thuật tại công trình kiến trúc chính của lăng Khải Định là cung Thiên Định. Ở đây, các nghệ sĩ ngày trước đã thể hiện qua các họa phẩm vẽ trên trần cũng như trên tường bằng những nét sinh động về cảnh trí thiên nhiên với hoa lá, chim muông, mai trúc, hạc rùa, cửu long... Những bức họa chiếm hàng chục mét vuông có giá trị mỹ thuật cao.

Nghệ nhân thời ấy cũng đã sử dụng hàng vạn mẫu sành sứ và thủy tinh nhiều màu để đắp nổi hàng ngàn hình ảnh về cảnh vật trong cung đình lẫn ngoài dân gian Việt Nam, cùng những bức tranh tứ thời, bát bửu...

Điều đặc biệt khiến nhiều tác giả nhắc tới là lăng Khải Định có một pho tượng bằng đồng tạc hình vua đang ngồi trên ngai vàng tạo tác tại Paris năm 1920 bởi hai người Pháp là P. Ducuing và F. Barbedienne. Tượng được vận chuyển về Việt Nam và được mạ vàng tại kinh đô Huế, đặt giữa cung Thiên Định (ở điện Chính Tâm).

Phía trên ngai vàng vua đang ngồi có che một bửu tán bằng xi măng “nặng cả nghìn cân” được gia công kỹ thuật khéo léo đến nỗi trông y hệt một chiếc lọng lớn bằng lụa gấm vậy. Sau lưng tượng có chạm hình “mặt trời lặn”, bên dưới ngai vàng là nơi đặt thi hài vua Khải Định - qua đời năm 1925 sau 9 năm ở ngôi, thọ 40 tuổi. Lúc ấy lăng Khải Định xây đã 5 năm nhưng chưa xong và phải tốn thêm 6 năm nữa mới hoàn thành dưới thời vua Bảo Đại (vào 1931).

Nhìn tổng quát, kiến trúc lăng Khải Định có dạng như một lâu đài cổ châu Âu được xây bằng nhiều vật liệu mới lúc ấy như ngói ardois, gạch vuông, cùng những hình ảnh lạ mắt đối với thời bấy giờ như chiếc đèn dầu hỏa, cột thu lôi, cửa sắt... Qua đó cho thấy vua Khải Định muốn có những kiểu cách đa dạng trong bày trí mỹ thuật, trang trí lăng tẩm. Nhà vua đã “đặt làm đồ sứ phục vụ yến tiệc kiểu Pháp tại lò sứ Sèvres ngày 14/8/1922, toàn bộ gồm 694 món phủ men xanh thẩm giống men pháp lam Huế (Prussian blue) nổi bật hoa văn màu vàng rực rỡ” (Trần Đình Sơn). Đến nay nhiều nhà sưu tập cổ vật vẫn nhắc đến đồ sứ ký kiểu có nền sứ men tím thẫm sang trọng thời đó.

Trở lại với lăng Khải Định, điều đáng ghi nhận là các nghệ nhân Huế xưa đã kết hợp tài tình giữa chất liệu mới từ Pháp đưa sang với mỹ nghệ truyền thống Việt Nam trong các công trình, họ dùng màu xanh sẫm “vẽ lên mặt xi măng láng làm cho các bức tường trông giống như xây bằng đá cẩm thạch” (Trần Ngọc Bảo).

Nhiều nhà nghiên cứu kết luận, kiến trúc và phong thủy lăng Khải Định là bằng chứng sống động về giai đoạn đầu của sự tiếp nhận kiến trúc Tây phương trên nền tảng của truyền thống tâm linh phương Đông vì “tất cả núi đồi khe suối của một vùng rộng lớn quanh lăng đều đã được dùng làm các yếu tố phong thủy gồm tiền án, hậu chẫm, hổ phục, rồng chầu, minh đường, thủy tụ - tạo cho lăng Khải Định một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ” (Phan Thuận An).

Lăng Khải Định với thuật phong thủy 2

Lăng Khải Định với thuật phong thủy 3


TTXT du lịch Huế

Mục lục

Du lịch Huế
   (I) Quần thể di tích Cố đô Huế
         (1) Kinh thành Huế
                  - Đại Nội Huế
                  - Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
                  - Quốc Tử Giám Huế
         (2) Lăng tẩm Huế
                  - Lăng Gia Long
                  - Lăng Minh Mạng
                  - Lăng Thiệu Trị
                  - Lăng Tự Đức
                  - Lăng Khải Định
         (3) Di tích khác
                  - Cung An Định
                  - Chùa Thiên Mụ
                  - Đàn Nam Giao
                  - Điện Hòn Chén
   (II) Quanh Huế
            - Chợ Đông Ba
            - Cầu Trường Tiền
            - Bãi biển Thuận An
            - Phá Tam Giang
            - Bãi biển Lăng Cô
            - Vườn quốc gia Bạch Mã
            - Làng cổ Phước Tích