Không chỉ là một hiện vật quý về các vị vua nhà Nguyễn, tượng đồng của vua Khải Định đặt tại lăng Khải Định ở Huế còn giúp hậu thế có được một hình dung sống động về diện mạo của vị vua này lúc sinh thời.
Được tạc theo phong cách tả thực hiện đại, pho tượng đặt trong lăng Khải Định cao bằng kích thước người thực. Trang phục của vua với đầu đội mũ kiểu khăn xếp truyền thống, áo khoác ngoài kiểu Tây, hai vai đeo ngù võ quan.
Trước ngực vua Khải Định đeo thẻ bài với những chữ “Thụ thiên vĩnh mạng” và “Đại Nam thiên tử”.
Ngực áo vua Khải Định đeo đầy “mề đay” (ngực phải đeo 3 chiếc và ngực trái đeo 4 chiếc).
Áo kiểu Tây nhưng lại thêu rồng, mây và sóng, những họa tiết đặc trưng trên hoàng bào nhà Nguyễn.
Tay trái của vua Khải Định nắm chặt chuôi gươm. Ba ngón tay đều đeo nhẫn mặt hoa nổi cao.
Chân tượng vua Khải Định thì đi giày da kiểu Tây nhưng trang trí hình mây - rồng hoàng gia.
Là một hoàng đế nước Nam, nhưng tượng vua Khải Định được tạo dáng giống như một võ quan Pháp.
Bức tượng này được các nhà điêu khắc Pháp tạc vào khoảng năm 1918, sau đó được thợ đúc đồng người Việt tổ chức đúc tại Huế. Ban đầu tượng được đặt ở lầu bát giác trước cung An Định, sau này mới chuyển về lăng Khải Định.
Bên trong lăng Khải Định còn một bức tượng khác thể hiện nhà vua trong tư thế ngồi ngai vàng, phía trên mộ phần, được đúc năm 1920. Đây là phần không thể thiếu trong các bài thuyết minh về lăng Khải Định. Ở bức tượng này, trang phục của vua Khải Định truyền thống hơn so với pho tượng trước đó.
TTXT du lịch Huế