Khi nghiên cứu cách sắp xếp những câu thơ tứ tuyệt trên những ô trang trí ở lăng Minh Mạng, nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng trong cuốn “Lăng của hoàng đế Minh Mạng” đã tâm sự rằng ông đã “tỉ mẩn tìm ghép những câu thơ được khắc lẻ trong các ô trang trí lại thành từng bài thất ngôn hay ngũ ngôn tứ tuyệt”. Chính sự kỳ công đó mà hôm nay chúng ta mới có dịp thưởng lãm những bài thơ toàn vẹn và biết được nhiều loài hoa đẹp đã đi vào thơ ca Minh Mạng.
Trang trí ô chữ bằng thơ là một nét độc đáo của lăng Minh Mạng nói riêng và lăng tẩm Huế nói chung, ngoài vẻ uy nghiêm trầm mặc, lối trang trí này còn mang lại sự uyển chuyển mềm mại cho các kiến trúc cổ, tăng thêm nét thẩm mỹ cho công trình, thể hiện sự khéo tay của người thợ cung đình ngày trước. Với hình ảnh lăng Minh Mạng, sự khoáng đãng của không gian, sự hài hòa của cảnh vật khiến cho bất cứ ai bước tới đây đều có cảm giác tựa hồ như đó là sự sáng tạo của tự nhiên hơn là của con người. Những bài thơ được khắc trên những ô vuông nhỏ, chạm khắc tinh xảo, nội dung phong phú phần nhiều thể hiện cảnh đẹp của thiên nhiên, phù hợp với ý nghĩa của việc tạo dựng một ngôi nhà vĩnh hằng của vua Minh Mạng, đồng thời tạo sự cân bằng, khiến cho khối kiến trúc càng thêm đặc sắc.
Đối chiếu những bài thơ trang trí trên lăng Minh Mạng cùng chủ đề miêu tả cảnh vật thiên nhiên, có thể thấy rằng, rất nhiều loài cây, loài hoa đã được khắc tên trên Cửu đỉnh ở Đại Nội Huế. Đã có khoảng gần 30 tên loài cây, hoa cỏ được nhắc đến trong các bài thơ trang trí này, có thể kể đến là: liễu, sen, tùng, quế, dâu, lựu, lúa, mai, tường vi, hòe, bàng, đồng tiền, thông, dương, chuối, lan, bách, dâm bụt, cúc, hồng, sa kê, đào lý, trúc, kỳ nam, quỳnh, nấm tuyết, hải đường, chiên đàn, chè... Những loài hoa này có loài tượng trưng cho bốn mùa, có loài thể hiện sự vương giả như lan, mai; lại có loài thể hiện sự dân dã gần gũi với quê hương ruộng đồng như hoa lúa, chuối, dâm bụt, đào lý... Điều đó cho thấy Minh Mạng, một vị vua ngoài tài thao lược, quyết đoán còn là người gần gũi thiên nhiên, có tâm hồn thi sĩ. Liễu là một trong số những loài được nhắc đến nhiều nhất, sau đó đến sen đều được bắt gặp trong lăng Minh Mạng.
Mỗi bài thơ trên ô trang trí ở lăng Minh Mạng đều gợi lên một cảnh sắc xinh đẹp. Nếu tả cảnh vật vào cuối xuân giáp hạ thì cỏ hoa lộ vẻ xinh tươi, cảnh quang tịch tĩnh lạ thường:“Nộn liễu sổ hàng phi khứ lục/ Tân liên kỷ đóa tống lai hương” (Hàng liễu non phất phơ màu xanh biếc/ mấy đóa sen mới nở thoảng hương qua). Giữa hạ, xung quanh càng đầy màu sắc: “Thượng liên tước dược đầu triều nhật/ xuất thủy ngư du bối phụ huyên/ nhất hướng tường vi phương lục mậu/ cận lai mai hòe dạnh hồng phồn” (Trên rèm chim sẻ bay về hướng mặt trời/ dưới nước cá nhảy vượt lao xao/ một lối tường vi mới khoe sắc biếc/ gần bên mai, hòe đua nhau phô vẻ hồng). Cảnh cuối thu đầu đông lại gợi lên vẻ nhàn nhã: “Sơ mai hàm bội lỗi/ vãn cúc thổ phương phân/ đường trung sinh thục khí/ hộ ngoại tịch dương huân” (mai đầu mùa còn ướm nụ/ cúc cuối mùa đương nhả hương/ trong nhà phả ra khi tốt/ ngoài cửa bóng chiều rọi). Hương hoa trong đêm càng không kém phần quyến rũ dưới ánh trăng: “Phiếm chu thừa lãng nguyệt/ huy trạo đãng thanh phong/ dạ lý hà hương đạm/ tường âm thụ ảnh nùng” (thả thuyền nương theo ánh trăng sáng/ khua mái chèo lay động gió mát/ trong đêm hương sen nhạt/ bóng cây in đậm trên tường). Và sau mưa dáng hoa đầy yểu điệu: “Niểu na hải đường sơ tước vũ/ phân phương đan quế tống lai hương” (Mới ngậm mưa hoa hải đường yểu điệu/ tỏa mùi thơm đan quế gió đưa hương). Mỗi cây mỗi dáng điệu, mỗi vẻ đẹp khác nhau tạo nên hồn cảnh vật khắc họa trên lăng Minh Mạng và thể hiện tâm hồn yêu mến, biết thưởng ngoạn thiên nhiên của nhà vua.
Lăng Minh Mạng là một kiến trúc đẹp, thêm những bài thơ về cây về hoa trang trí trên các ô, đường diềm tạo thành nét đặc trưng trong trang trí cung đình đồng thời phản ảnh thi tài và tâm hồn nghệ sĩ của người cầm quyền xã tắc.
TTXT du lịch Huế