Địa điểm du lịch Kênh gym

Ký sự Vườn quốc gia Xuân Thủy dưới tán rừng sú vẹt

23/05/2014 - 1898 view
Ký sự Vườn quốc gia Xuân Thủy dưới tán rừng sú vẹt

Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) bảo tồn 7.100ha, trong đó 3.100ha đất nổi có rừng, 4.000ha đất rừng ngập nước. Vùng đệm 8.000ha, bao gồm diện tích của 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản các xã vùng đệm phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng đã và đang mở ra cho cộng đồng dân cư sinh kế bền vững, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn thiên nhiên với phát triển kinh tế.

Người dân ở 5 xã thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy đã gắn bó với cây trang, cây sú vẹt. Phù sa màu mỡ của sông Hồng và vùng biển bồi đã tạo dựng nên khu đất ngập nước với nhiều loài động - thực vật cư trú. Rừng ở đây góp phần cố định phù sa để tạo nên các bãi bồi mới, làm vườn ươm và cung cấp thức ăn cho các loài thủy sinh, đồng thời đóng vai trò cân bằng sinh thái của khu vực.

Đối với chị Nguyễn Thị Hải, 46 tuổi, xóm 5, xã Giao Thiện, những ngày nông nhàn, cuộc sống mưu sinh thường nhật gắn liền với những giờ cào ngao dưới tán rừng ngập mặn của Vườn quốc gia Xuân Thủy. Là người “ăn sóng nói gió”, chị Hải thuộc vanh vách “lịch” lên xuống của từng con nước. Theo từng ngày, những người khai thác hải sản thủ công có lúc phải thức dậy từ 3 giờ sáng; nhưng có ngày “nước chậm”, thủy triều rút vào lúc “mặt trời đứng ngọn tre”, họ mới bắt đầu một ngày lao động khai thác, cào ngao, bắt cá, tôm, cua cho đến khi những thân cây sú, vẹt chìm trong biển nước. Chị Hải cho biết, ngày may mắn, chị bắt được khoảng 15-20kg ngao tự nhiên; còn ngày “trái nước”, ngày công chỉ đủ mua cân gạo, mớ rau. Khai thác ngao tự nhiên theo dạng thủ công rất vất vả, phải đằm mình nhiều giờ trong nước. Từ tháng 3 đến tháng 8, vào những ngày nông nhàn, chị và hàng trăm phụ nữ tuổi đời từ 18-55 đi cào ngao cho các chủ đầm; tiền công phụ thuộc vào thị trường ngao, bình quân thu nhập từ 120-200 nghìn đồng/ngày.

Còn đối với vợ chồng ông Trần Văn Nam, xã Giao An, đã nhiều năm “ăn ngủ” với thuyền trên dòng sông Vọp, chảy từ cửa Ba Lạt ra biển Giao Hải, dài 12km, là ranh giới giữa Cồn Ngạn và Bãi Trong. Hằng ngày, công việc của ông là thả đó, đánh bắt các loài thủy hải sản tự nhiên mà Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy cho phép. Nói về “kỹ năng” nhận biết con nước, ông Nam cho biết: Thủy triều ở khu vực ven biển cửa Ba Lạt có chế độ nhật triều khá thuần nhất. Biên độ dao động tối đa 3,0-3,5m, trung bình 1,7-1,9m và tối thiểu 0,3-0,5m. Mực nước triều lớn nhất khoảng 4,0m và thấp nhất khoảng 0,8m. Hằng tháng trung bình có 2 kỳ nước lớn, mỗi kỳ kéo dài từ 11 đến 13 ngày với biên độ ngày đêm từ 1,5-3,0m và giữa chúng là các kỳ nước kém, mỗi kỳ kéo dài 2-3 ngày, với biên độ giao động nhỏ từ 0,5-0,8m. Độ mặn nước biển của khu vực biến thiên nhiều, phụ thuộc vào pha của thủy văn và chế độ lũ của sông Hồng. Vào mùa đông, độ mặn trung bình của nước biển tương đối đồng nhất trong khoảng 28-30%. Nhờ kinh nghiệm làm nghề lâu năm, đời sống của vợ chồng ông dần ổn định từ nghề khai thác, đánh bắt thủy sản tự nhiên tại vùng rừng ngập mặn. Ông Nam chia sẻ: “Ngoài mục đích làm nghề để có thu nhập, ổn định cuộc sống, ông và những người khai thác thủy sản tự nhiên nơi tán rừng sú vẹt còn ý thức sâu sắc bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, phát hiện và ngăn chặn những hành vi tàn phá thiên nhiên vùng lõi, góp phần giữ gìn, bảo tồn khu Ramsar”.

Dẫn chúng tôi đi thăm các cánh rừng ngập mặn thuộc vùng đệm, những dòng lạch vùng sông Vọp, sông Hóp, đồng chí Nguyễn Văn Cách, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy cho biết: Nơi đây có tới 500 loài động vật nổi và động vật đáy. Mật độ và sinh khối các loài động vật đáy trong rừng ngập mặn khá phong phú và có giá trị kinh tế cao. Thành phần động vật đáy phong phú nhất với 161 loài, trong đó giáp xác là nhóm có số lượng loài nhiều nhất. Đây chính là nguồn lợi, mang lại nguồn thu nhập lớn nhất cho cộng đồng vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ngoài ra còn có khoảng 17 loài thú, 24 loài bò sát, 161 loài cá; nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá sủ song, cá bớp, cá nhệch... Nằm trong vùng đệm, xã Giao Hải có 1,8km bờ biển và vùng bãi triều rộng gần 600ha, trong đó có hơn 200ha bãi bồi. Hiện nay, vùng bãi bồi nuôi ngao, vạng của xã rộng 135ha, thu hút 75 hộ tham gia, thu nhập thực tế đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Xã Giao Thiện có gần 1.000 hộ dân nuôi trồng thủy hải sản với tổng diện tích 2.000ha, tập trung chủ yếu ở khu vực Cồn Ngạn. 3 năm qua, hơn 100 hộ dân trong xã còn tận dụng diện tích mương dẫn nước vùng nước lợ để trồng rau câu kết hợp nuôi cua, tôm cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài giá trị kinh tế, rau câu có khoáng chất và các sinh vật phù du có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cua biển, cá vược, cá rô phi đơn tính. Nhiều hộ dân đã đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền 5 xã vùng đệm và Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước, các loài động - thực vật gắn với phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương. Từ năm 2012 đến nay, vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy cũng cho phép bà con được khai thác có giới hạn. Cụ thể, chỉ được bắt tôm, cua, cá (như cá bớp, cá nhệch), chỉ được khai thác ngao giống từ tháng 4 đến tháng 7; không được lấy củi, chặt phá rừng. Các quy chế quản lý như khai thác nguồn lợi ngao giống tại cửa sông Hồng; cộng đồng tham gia quản lý rừng ngập mặn; chia sẻ lợi ích thủy sản dưới tán rừng ngập mặn và tạo những sinh kế bền vững mới thay thế cho cộng đồng như trồng nấm, phát triển du lịch sinh thái, nuôi ong... đã góp phần thực hiện chiến lược sử dụng khôn khéo và bền vững tài nguyên vùng bãi bồi khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy. Dự án nuôi ong đã đem lại nhiều tỷ đồng mỗi năm cho cộng đồng dân cư địa phương, còn quy chế quản lý khai thác nguồn lợi ngao giống tự nhiên tại cửa sông Hồng mang lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Thời gian qua, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã triển khai nhiều chương trình, dự án như Chương trình liên minh đất ngập nước (WAP); dự án phát triển cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tại Việt Nam; dự án tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích..., góp phần bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng. Ban quản lý cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường cho cộng đồng địa phương, góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích của công tác phục hồi, bảo vệ rừng ngập mặn nói riêng và bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung, từ đó hình thành ý thức trân trọng rừng ngập mặn và thiên hướng sử dụng khôn khéo một cách bền vững nguồn tài nguyên đất ngập nước quý giá của cư dân vùng cửa sông ven biển.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy đã phối hợp với xã Giao An và Giao Thiện triển khai Đề án “Khai thác sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn ngao giống tự nhiên trên vùng đất ngập nước ở cửa sông Hồng” với mục tiêu kết hợp hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, đồng thời thực hiện tốt khuyến cáo của Công ước Ramsar và tiêu chí của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là tạo môi trường lành mạnh có sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Theo đề án, người dân địa phương chỉ khai thác ngao giống tự nhiên trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 trên vùng đất ngập nước ở khu vực cửa sông Hồng thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy. Vùng này là phần đất nổi khi triều kiệt của Cồn Ngạn, Cồn Lu và Cồn Xanh, có diện tích 700ha. Các hộ thuê khoán mặt nước để khai thác ngao giống phải nộp phí và các khoản đóng góp khác. Người dân vào khai thác ngao giống chỉ được dùng những phương tiện và công cụ thủ công, có thể dựng lều lán để cư ngụ trong mùa khai thác, hết mùa phải dỡ bỏ để bàn giao nguyên trạng mặt bằng khu vực đất ngập nước cho Ban quản lý.

Tại xã Giao Xuân, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã triển khai mô hình du lịch sinh thái cộng đồng với lực lượng nòng cốt là các hộ dân địa phương. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, hiện có hơn 30 hộ gia đình tham gia HTX với phương thức xã hội hóa, liên kết hợp tác. Các hộ dân tham gia mô hình được vay vốn để sửa chữa nhà ở, mua sắm trang thiết bị phục vụ du khách, tham gia các lớp đào tạo ngoại ngữ, tin học, tập huấn kỹ năng hướng dẫn du lịch, biểu diễn văn nghệ cộng đồng, chế biến món ăn, tổ chức đón và phục vụ khách lưu trú. Du khách được nhóm hướng dẫn viên giới thiệu sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn và được xem các hoạt động khai thác hải sản bằng các phương tiện đánh bắt thủ công truyền thống của ngư dân. Thành công ban đầu của mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Giao Xuân đã mở ra sinh kế phát triển bền vững cho người dân nơi đây.

TTXT du lịch Nam Định

Mục lục

Du lịch Nam Định
          - Vườn quốc gia Xuân Thủy
          - Làng cây cảnh Vị Khê
          - Chợ Viềng
          - Phủ Dầy
          - Đền Trần Nam Định
          - Chùa tháp Phổ Minh