Từ tháng 12/2011, tiếp nhận sự tài trợ của Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổng cục Môi trường đã lựa chọn Vườn quốc gia Xuân Thủy là khu vực thí điểm triển khai dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia” nhằm hỗ trợ tỉnh Nam Định phát triển và cập nhật vào hệ thống dữ liệu về đa dạng sinh học, giúp ngành chuyên môn nhân rộng phương thức xây dựng, vận hành, hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.
Kết quả điều tra đã khẳng định, Vườn quốc gia Xuân Thủy có 14 kiểu sinh cảnh, bao gồm các sinh cảnh tự nhiên và nhân tạo. Trong đó, sinh cảnh có giá trị đa dạng sinh học cao nhất là các bãi bồi và rừng ngập mặn tự nhiên. Ghi nhận 8 loài chim bị đe dọa và sắp bị đe dọa ở mức toàn cầu, đó là: Cò thìa, Cò trắng Trung Quốc, Choắt lớn mỏ vàng, Mòng bể mỏ ngắn, Bồ nông chân xám, Rẽ mỏ thìa, Giang sen, Choắt chân màng lớn. Vườn quốc gia Xuân Thủy còn là nơi trú chân quan trọng của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa đông như: Choắt mỏ thẳng đuôi đen, Choắt chân đỏ và Choắt mỏ cong lớn...
Để bảo vệ Vườn quốc gia Xuân Thủy phát triển bền vững, Dự án đã tập trung giải quyết 3 vấn đề gồm: tìm kiếm nguồn hỗ trợ và thực hiện chương trình đào tạo cho cán bộ của Vườn; xây dựng kế hoạch quản lý hài hòa giữa các giá trị kinh tế, đa dạng sinh học và phòng hộ bờ biển của các sinh cảnh khác nhau, đồng thời tăng cường các hoạt động quản lý sử dụng đất bền vững về phương diện bảo vệ môi trường; giải quyết các vấn đề tài chính, hạn chế việc trồng rừng ngập mặn trên các bãi bồi vốn là sinh cảnh quan trọng của các loài chim đang bị đe dọa.
Đồng thời vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản ven bờ, đặc biệt là nghề khai thác ngao, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm. Và để tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng, các địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học.
Lồng ghép giữa hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thực hiện quy hoạch phát triển theo hướng bảo tồn hệ sinh thái, quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy theo hướng tôn tạo cảnh quan và bảo tồn đa dạng sinh học. Thực hiện các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất rừng hiện có, phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, tăng cường phục hồi, tái tạo quần thể đàn đối với các loài thủy sản ở các vùng nước tự nhiên.
TTXT du lịch Nam Định