Địa điểm du lịch Kênh gym

Phủ Dầy, đặc sắc nghi lễ hầu đồng

30/03/2017 - 2299 view
Phủ Dầy, đặc sắc nghi lễ hầu đồng

Khu di tích Phủ Dầy (Nam Định) có gần 20 đền, phủ, chùa, lăng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Về tham quan Phủ Dầy những ngày đầu tháng 3 âm lịch, khách du lịch thập phương được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh đầy sắc màu của lễ hội và nghi lễ hầu đồng, một thành tố quan trọng của Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Vào dịp cuối tuần, lượng du khách về chiêm bái tại Phủ Tiên Hương thuộc quần thể di tích Phủ Dầy khá đông. Phía trong Phủ Tiên Hương nghi thức hầu đồng được thực hành ở 3 ban chính gồm: Ban Công đồng (cung Đệ tứ), Ban Ngũ vị Vương quan (cung Đệ tam), Ban Tứ Vị Chầu bà (cung Đệ nhị). Khi có giá hầu, những người vào lễ bình thường không chen nhau mà tự giác tản đều ra 2 bên ban thờ để hành lễ. Tại cung Đệ tam, vấn hầu theo lối cổ truyền do thanh đồng Nguyễn Thị Duyên (82 tuổi) quê ở Hà Nội đã thu hút nhiều du khách nán lại theo dõi. Trong âm nhạc rộn rã, giọng hát văn ngọt ngào cùng khói hương huyền ảo, những bước chân, động tác múa của thanh đồng cao tuổi vẫn thoăn thoắt nhịp nhàng.

Ấn tượng đầu tiên đối với người xem là các trang phục được sử dụng trong mỗi giá đồng. Trang phục trong giá Chầu Đệ tam với khăn áo màu trắng cầm quạt trắng lấp lánh tượng trưng cho miền Thoải Phủ. Trang phục của các giá Quan Lớn, Quan Hoàng Mười, Hoàng Bảy toát lên vẻ uy nghi, quyền lực như trang phục các vị quan trong các triều đại phong kiến xưa... Ngoài trang phục thì trang sức và các vật đi kèm như quạt, khăn đội đầu, mũ, hài trong buổi lễ hầu đồng cũng được gia công theo truyền thống. Ngoài ra, nghệ thuật trang điểm tinh tế, sự khéo léo phối hợp nhịp nhàng của hầu dâng phụ giúp cho thanh đồng chuẩn bị, thay đổi khăn áo cũng góp phần vào sự thành công của giá đồng.

Nếu các trang phục trong hầu đồng thu hút ánh nhìn đầu tiên thì âm nhạc và lời hát văn mượt mà lại cuốn hút, tạo cảm xúc rộn ràng với các con nhang đệ tử. Dàn nhạc trong hát văn gồm: đàn nguyệt, sáo, trống ban, thanh la... trong đó đàn nguyệt có vai trò quan trọng khi căn cứ vào nghi thức hành lễ để quyết định việc chuyển điệu, chuyển lối, chuyển dây để phù hợp với điệu hát. Các bộ gõ vừa là nhạc cụ giữ nhịp, vừa tạo âm hưởng. Hát, đàn nguyệt, các nhạc cụ gõ trong một vấn hầu luôn cân đối nhau. Các nhạc cụ khác chỉ làm nền phụ họa cho hát, có nhiệm vụ đệm và phải bám sát giai điệu để làm nổi bật cho hát và đàn nguyệt.

Hát văn ở Phủ Dầy bao gồm nhiều kỹ thuật khó, trong khi vừa hát, vừa sử dụng nhạc cụ, cung văn phải tập trung cao độ, tôn nghiêm để thỉnh mời các bóng, các giá, các tòa. Vì vậy, cung văn chính là người “nhạc trưởng” tổng hòa các lời hát, làn điệu, nhịp điệu và động tác của thanh đồng thành một thể thống nhất, mang lại hơi thở, sức sống cho giá đồng. Các điệu hát khi hào sảng với các chiến tích lẫy lừng của các Quan Lớn, Quan Hoàng Mười, khi lại ríu rít, quấn quýt như tiếng chim rừng trong giá hàng Cô (Nhạc Phủ).

Bên cạnh đó, các điệu múa của thanh đồng được thay đổi đa dạng theo các giá hầu; lúc hóa thân thành một vị Quan Lớn oai vệ uy nghiêm, khi lại hóa thân thành cô Bé nhí nhảnh, yêu kiều tung tăng nhảy múa. Giá Quan Lớn thường có các điệu múa cờ, múa kiếm, long đao, kích... Giá của các Chầu Bà thì múa quạt, múa mồi, múa tay không. Giá Ông Hoàng có múa khăn tấu, múa tay không, múa cờ. Đẹp mắt và được yêu thích nhất là giá các Cô múa quạt, múa hoa, múa chèo đò, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn... Nghi lễ hầu đồng ở Phủ Dầy diễn ra theo thứ tự Thánh giáng từ cao đến thấp nên các điệu múa cũng đi từ sự uy nghi tới uyển chuyển sang tươi vui nhí nhảnh, càng về cuối càng thu hút người xem.

Sau khi múa, thanh đồng được “thánh nhập” thường ngồi nghe cung văn hát, kể sự tích vị thánh đang “giáng”. Với các giá Ông Hoàng thì cung văn ngâm các bài thơ cổ. “Thánh” biểu hiện sự hài lòng bằng động tác về gối và thưởng tiền cho cung văn. Lúc này cũng là lúc “Thánh” dùng những thứ người hầu đồng dâng như: rượu, trầu, nước... những người ngồi dự chung quanh đến gần để xin hoặc nghe thánh phán truyền. Đây cũng là lúc “thánh” phát lộc như: hoa quả, bánh trái, gương lược, tiền bạc...

Tất cả những yếu tố trong nghi lễ hầu đồng, hát văn tại Phủ Dầy mang tới nét độc đáo từ sự tinh tế của nghệ thuật âm nhạc, trang phục và diễn xướng sân khấu dân gian đến nét huyền bí tâm linh được coi là nghi thức tiêu biểu nhất của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Thanh đồng Nguyễn Thị Duyên cho biết: “Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, biết ơn những người có công với dân với nước, thờ phụng tổ tiên ông bà, làm những việc có ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Việc tôi thờ Mẫu, đi lễ Mẫu đều xuất phát từ tâm với niềm tin Mẫu...”.

Không chỉ ở Phủ Tiên Hương mà ở các đền, phủ trong Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy như: Phủ Vân Cát, Phủ Bóng (Đền Cây Đa Bóng), Phủ Công Đồng, Phủ Tổ... vào dịp trước và trong lễ hội cũng rộn ràng diễn ra các nghi lễ hầu đồng. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, các buổi hầu đều được các thanh đồng chọn ngày lành tháng tốt để đặt lịch trước với thủ nhang. Đa số những người hầu đồng được hỏi đều có lý do là mắc bệnh “tâm linh”, mệnh có “căn đồng”... Sau mỗi vấn đồng, họ đều cảm thấy thoải mái về tinh thần, khỏe mạnh về thể chất, nhiều khúc mắc trong đời sống được giải tỏa. Hiện nay, điều lo lắng nhất của những thanh đồng chân chính là nghi lễ hầu đồng đang có nguy cơ bị biến tướng, thương mại hóa làm méo mó trái ngược ý nghĩa tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đặc biệt, nhu cầu hầu đồng của người dân ngày một tăng, dẫn đến hiện tượng quá tải trong việc tổ chức hầu đồng ở một số đền, phủ; đặc biệt là các đền, phủ lớn.

Vui mừng trước việc “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thanh đồng Trần Thị Huệ, con gái thủ nhang Phủ Tiên Hương cho rằng: “Quan trọng nhất là người thực hành tín ngưỡng phải có một nhận thức đúng khi mình hầu Mẫu, hầu Thánh, không được mang tính phô trương, lợi dụng về tín ngưỡng để trục lợi. Hiện nay, riêng ở Phủ Tiên Hương, thủ nhang luôn chuẩn bị sẵn trang phục một số giá hầu đồng để giúp các thanh đồng có hoàn cảnh khó khăn sử dụng miễn phí... Trước mỗi buổi hầu đồng, thủ nhang thường nhắc nhở những thanh đồng trẻ cần hiểu chính xác về tín ngưỡng thờ Mẫu để thực hành một cách đúng đắn”. Để tránh việc các bài hát văn cổ bị thất truyền, nghệ nhân Trần Viết Trường có thâm niên 21 năm gắn bó với hát văn ở Phủ Dầy đã tham gia dạy các lớp hát văn ngay tại Phủ Tiên Hương và đến nay anh đã đào tạo được hơn 20 nghệ nhân hát văn trẻ. Anh Trường cho biết: Trong các cuộc thi hát văn ở Phủ Dầy, có tới 60% thí sinh là những người tuổi trẻ và được đào tạo bài bản về hát văn. Như vậy, hát văn vẫn có nguồn kế cận khá dồi dào để tiếp tục gìn giữ giá trị chuẩn mực trong các buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Hình ảnh những giá hầu đồng theo lối cổ được thực hành bởi những thanh đồng có tâm tôn kính những vị anh hùng đã “Thánh hóa” ở các đền, phủ trong Khu di tích Phủ Dầy (Nam Định) đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng những người đến chiêm bái. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - đó là niềm vinh dự song cũng đòi hỏi trách nhiệm của cả cộng đồng để gìn giữ, phát huy giá trị của di sản ở các di tích đền, phủ trong tỉnh, để Nam Định xứng đáng là Trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

TTXT du lịch Nam Định

Mục lục

Du lịch Nam Định
          - Vườn quốc gia Xuân Thủy
          - Làng cây cảnh Vị Khê
          - Chợ Viềng
          - Phủ Dầy
          - Đền Trần Nam Định
          - Chùa tháp Phổ Minh