Địa điểm du lịch Kênh gym

Giếng Bá Lễ, nguồn nước quý với người Hội An

08/11/2015 - 4735 view
Giếng Bá Lễ, nguồn nước quý với người Hội An

Giếng cổ Bá Lễ (Hội An) nằm sâu trong con hẻm nhỏ, nhưng đã thu hút không ít du khách đến chụp ảnh lưu niệm vì những câu chuyện về giếng đã được lan truyền không chỉ trong dân phố cổ mà cả trên mạng, ra nước ngoài...

Giếng của mọi nhà

Thoạt trông, giếng Bá Lễ không khác gì các giếng xưa khác, dù được sử dụng chung nhưng rất sạch sẽ. Giếng sâu hun hút, rêu phong phủ xanh rì trên thành. Hơi nước tỏa lên mát dịu. Nhấp thử ngụm nước giếng cho vị ngọt lành.

Giếng nhỏ, lại nằm sâu trong hẻm nhưng hằng ngày lượng người đến giếng để lấy nước rất nhiều, hết lượt này đến lượt khác. Họ là những người sống bằng nghề gánh, chở nước thuê. Nước giếng Bá Lễ được cung cấp cho những hộ dân sống trong phố cổ Hội An.  Anh Thành, một người chở nước thuê, chia sẻ: “Những người dân sinh sống lâu năm ở đây thích uống nước giếng cổ Bá Lễ, thậm chí nhiều người nhất định chỉ uống nước giếng Bá Lễ dù bây giờ nhà nào cũng có nước máy. Nhờ vậy mà những người chở nước thuê như chúng tôi sống được với nghề hàng chục năm nay”.

Nghề gánh nước giếng thuê ở phố cổ Hội An cũng làm nên “danh tiếng” cho vợ chồng ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ, nay đã ở tuổi xưa nay hiếm. Không biết bao nhiêu đoàn làm phim, nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước đã chọn ông bà thành nhân vật chính cho phim tư liệu, tấm ảnh nghệ thuật của họ... Cuối năm 2014, cụ Nguyễn Đường đã được Tổ chức Kỷ lục VN trao bằng xác lập kỷ lục “Người gánh nước giếng thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam”. Gánh nước giếng Bá Lễ cho những người cần nước để uống, nấu ăn, cho nhà hàng, khách sạn, quán cà phê... là cách cụ kiếm tiền nuôi sống cả gia đình suốt hơn 50 năm qua.

Không chỉ là nguồn nước quý đối với người dân Hội An, nước giếng Bá Lễ còn được coi là “bí quyết” làm nên những món đặc sản địa phương với hương vị thơm ngon hấp dẫn du khách. Ví như món chí mà phủ (chè mè đen) quá nổi tiếng của cụ ông Ngô Thiểu (97 tuổi, ở Hội An), một trong những bí quyết của ông là nấu bằng nước giếng Bá Lễ. Hay như món cao lầu Hội An vang danh, thì chỉ có thể nấu ngon khi luộc những sợi cao lầu bằng nước giếng cổ Bá Lễ. Ngay cả món phở Hội An ngon đặc biệt, nước dùng cũng được nấu bằng nước giếng Bá Lễ...

Nguồn nước vô tận

Cụ Lê Thị Hiểu (93 tuổi), người sinh ra và lớn lên ở nơi gần với giếng Bá Lễ cho biết, thân sinh cụ nói rằng giếng này đã có từ trước khi họ sinh ra. “Thời xưa ngày nào giếng cũng đông đặc người đến lấy nước. Cả Hội An lúc trước đều uống nước giếng cổ Bá Lễ. Mà lạ kỳ là mưa hay nắng, nước đều không cạn, cứ dồi dào tuôn chảy thứ nước ngọt hảo hạng nhất cho người dân. Nước giếng ni đặc biệt chỉ dùng để uống, tuyệt nhiên không được tắm giặt. Tại giếng này ai mà giặt giũ là lập tức bị phạt”, cụ Hiểu kể.

Có rất nhiều nghiên cứu với những kết quả không giống nhau về sự ra đời và lý do giếng nước Bá Lễ không bao giờ cạn. Những bậc cao niên ở Hội An cho rằng cái tên giếng Bá Lễ ra đời vào khoảng thế kỷ 20 do có người phụ nữ tên Bá Lễ bỏ ra hơn 100 đồng bạc Đông Dương để trùng tu giếng cổ đã có từ trước đó, nên mọi người lấy tên bà đặt cho giếng cổ. Còn thời điểm ra đời của giếng thì không xác định được.

Theo thông tin từ Trung tâm bảo tồn quản lý di sản văn hóa Hội An, giếng Bá Lễ có từ khoảng thế kỷ thứ 8 - 9. Sở dĩ giếng cổ không bao giờ cạn vì người xưa đã chọn đúng nơi có mạnh nước ngầm dồi dào tuôn chảy, cộng thêm kết cấu đặc biệt của giếng (xây bằng gạch, nhưng không dùng vôi vữa để kết dính; phía dưới là khung gỗ lim rộng bản cực kỳ vững chắc) nên giếng cổ luôn cung cấp một lượng nước gần như vô tận.

Cách mặt giếng cổ Bá Lễ chừng nửa mét có một bàn thờ thần giếng. Người dân địa phương cho biết từ xưa đến nay, đã thành nếp, mỗi ngày rằm, mùng 1 âm lịch người dân đều mang hoa quả, hương đèn đến giếng cúng rất trang trọng, để cảm tạ giếng đã mang lại cho Hội An nguồn nước ngọt lành quý giá.

TTXT du lịch Hội An

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn