Địa điểm du lịch Kênh gym

Giếng cổ Bá Lễ - Hội An

Giếng cổ Bá Lễ

Giếng cổ Bá Lễ nhuộm màu rêu phong, nằm bên hẻm nhỏ hút sâu trong lòng phố cổ, trải qua bao thăng trầm mà vẫn trường tồn theo năm tháng, ẩn chứa một chiều sâu văn hóa của vùng đất Hội An cổ kính.

Theo thông tin giới thiệu, giếng cổ Bá Lễ có từ thời của người Chăm xưa, khoảng thế kỷ thứ 8 - 9. Và không như giếng bình thường ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, giếng cổ Bá Lễ được đánh giá là một di tích văn hóa vật thể, phản ánh đời sống sinh hoạt của cộng đồng cư dân Chămpa tại Hội An từ hơn 10 thế kỷ trước.

Nhiều nguồn tư liệu thể hiện, người Chăm xưa đào giếng, ngoài việc phục vụ nhu cầu hàng ngày, họ còn trao đổi nước ngọt với các thuyền buôn nước ngoài đến cảng thị Hội An giao thương. Qua khảo sát, có 80 giếng cổ còn tồn tại ở Hội An, trong đó giếng cổ Bá Lễ được xếp hàng bậc nhất bởi bề dày lịch sử và chất lượng nguồn nước.

Giếng Bá Lễ có dạng hình vuông, diện tích khoảng 10m2, sâu khoảng 12m, được xây bằng gạch mà không cần dùng vôi vữa kết dính. Dưới chân là khung gỗ lim rộng bản, tồn tại cả ngàn năm nay. Đặc biệt, giếng cổ Bá Lễ không bao giờ cạn, nguồn nước lại rất trong, sạch và ngọt lành. Hầu như gia đình nào ở phố cổ Hội An cũng thuê hoặc tự chở vài thùng nước từ giếng này về sử dụng cho nhu cầu ăn uống.

Không chỉ thế, nước giếng Bá Lễ là nguồn sống cho những gia đình gánh nước thuê, những gánh hàng rong, cho đến những nhà hàng sang trọng ở phố cổ. Bởi người ta cho rằng những món đặc sản Hội An như cao lầu, mì quảng, xí mà... đều không thể ngon, đúng vị đặc trưng nếu dùng nguồn nước khác để chế biến. Và khi dạo bước quanh đây, du khách còn thấy những điểm ăn uống được gọi luôn tên theo giếng cổ như quán giếng Bá Lễ Hội An, nhà hàng giếng Bá Lễ Hội An..., hay các món nem lụi, bánh xèo giếng Bá Lễ Hội An... rất thu hút thực khách.

Qua thời gian gắn bó chặt chẽ với cuộc sống người dân phố Hội, giếng cổ Bá Lễ đã trở thành một giá trị thiêng liêng. Những hộ dân ở Hội An vững tin rằng nước giếng Bá Lễ chỉ để nấu ăn, pha trà, uống thường ngày; chứ không dùng để tắm gội, giặt giũ vì sợ phí phạm và ô nhiễm nguồn nước trong lành của giếng. Vào những ngày lễ, tết, rằm, mùng một…người dân vẫn đến giếng cổ Bá Lễ cúng tạ ơn như một nét văn hóa của người Hội An.

Đến khi du lịch Hội An khởi sắc, giếng cổ Bá Lễ còn đáp ứng sự hiếu kỳ của du khách thập phương, bởi họ mong muốn được uống thử một ngụm nước giếng xem hương vị thế nào, ví như một “món đặc sản” rất riêng của phố cổ Hội An.

Có thể nói, giếng cổ Bá Lễ đã tạo thêm một nét độc đáo trong văn hóa Hội An, góp phần tô đậm cái hồn xưa cũ. Vào sáng sớm hay chiều tối, những đôi quang gánh, xe ba gác vẫn chở nước giếng tỏa đi khắp các ngả đường phố Hội.


* Địa chỉ giếng Bá Lễ ở đâu : nằm trong ngõ nhỏ mà người dân quen gọi là hẻm Bá Lễ, vị trí ở khoảng giữa đường Phan Châu Trinh, gần rạp phim Hội An. Trước hẻm có tấm bảng nhỏ đề lối vào giếng cổ Bá Lễ, hoặc bạn chỉ cần hỏi người dân địa phương thì ai cũng biết và sẽ hướng dẫn cho bạn tận tình.

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn