Địa điểm du lịch Kênh gym

Chùa Cầu Hội An, một góc nhìn về lịch sử

13/08/2016 - 4743 view
Chùa Cầu Hội An, một góc nhìn về lịch sử

Ở góc nhìn lịch sử, Chùa Cầu Hội An (hay còn gọi Chùa Cầu Nhật Bản) luôn có nhiều chuyện thú vị. Cặp tượng khỉ - chó và ranh giới giữa phố người Nhật - người Hoa khởi đi từ Chùa Cầu là một ví dụ. Ngày nay, có thể thấy còn hiện tồn các kiến trúc phía đông cầu hầu như là kiến trúc của người Hoa với những hội quán, chùa chiền... Và dường như, muốn vào phố của người Nhật phải qua cái cổng hay là đầu cầu phía tây có cặp tượng khỉ canh giữ.

Đâu là ranh giới ?

Các hoạt động thương mại ở cảng thị Hội An, theo ghi chép của giáo sĩ C.Borri thì người Trung Quốc và người Nhật Bản làm thương mại chính và chúa Đàng Trong trước đây đã cho người Hoa và người Nhật chọn địa điểm ở những nơi thuận lợi để lập thành phố cho tiện việc buôn bán. Vậy phố của người Nhật và phố của người Hoa là phố nào ở Hội An ngày nay? Nhiều nhận định, suy đoán của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thậm chí chính các chuyên gia Nhật Bản cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Theo ý kiến của người viết bài này thì chính cây cầu Nhật Bản sau này thường gọi là Chùa Cầu Hội An là ranh giới của khu buôn bán của người Hoa và người Nhật.

Theo Viện Nghiên cứu văn hóa quốc tế, Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản): “Đặc trưng lớn nhất của cầu Nhật Bản chính là tên gọi của nó. Trước kia ở Hội An đã từng có phố người Nhật, nhưng những dấu tích còn lại để minh chứng cho điều này lại rất ít ỏi. Ngoài Chùa Cầu Nhật Bản ở Hội An chỉ còn có 4 ngôi mộ của người Nhật và một ít dòng khắc trên bia đá ở gần khu vực Ngũ Hành Sơn. Với ý nghĩa như vậy cầu Nhật Bản là một trong ít ỏi những công trình tượng trưng cho giao lưu Nhật - Việt trong lịch sử. Công trình Chùa Cầu Hội An đã thu hút rất nhiều khách tham quan và trở thành một biểu tượng của phố cổ cho dù nó không mang tên “cầu Nhật Bản” đi nữa thì đây vẫn là một công trình rất có giá trị. Năm 1719 khi chúa Nguyễn Phúc Chu tưởng nhớ đến những người bạn Nhật đã đặt cho chiếc cầu này cái tên Lai Viễn Kiều với ý nghĩa là chiếc cầu của những người phương xa đến.

Theo sự tích kể lại thì cầu được xây dựng vào năm 1593, nhưng không có cơ sở chính xác nào để khẳng định. Trong “Thiên Nam Chí Lộ Đồ” năm 1630 có ghi chữ “Hội An Kiều” ở trên mái. Ngoài ra niên đại ghi trên thượng lương của Chùa Cầu Hội An là 1763. Nhiều khả năng đây là thời gian người ta tiến hành trùng tu cây cầu lần đầu tiên. Sau thời gian này cầu cũng đã được sửa chữa lại, những trang trí bằng mảnh sứ tráng men hay đĩa sứ là biểu hiện đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn (1802-1945).

Cho dù mang tên là Chùa Cầu Nhật Bản Hội An nhưng khó có thể tìm thấy một dấu tích nào của kiến trúc Nhật Bản. Hai bên lối vào từ phía tây có hai tượng khỉ bằng đá và phía đông đặt hai tượng chó. Người ta truyền lại rằng, điều này nói lên cây cầu bắt đầu được xây dựng vào năm Thân và hoàn thành vào năm Tuất.

Có chi tiết mà tôi đã nghe nhiều người kể cả những hướng dẫn viên thuyết minh về Chùa Cầu Hội An, việc thờ cặp tượng khỉ - chó ở hai đầu cầu cũng được giải thích giống như trên. Năm 1995, khi thăm bảo tàng Fukuoka tôi thấy có hiện vật là hình tượng con khỉ làm hình thức lá bùa trước ngực trẻ em như lá bùa hộ mệnh - là các em nhỏ của các ngư nhân. Điều này cho tôi liên tưởng đến con khỉ đặt ở phía tây Chùa Cầu Hội An. Trao đổi với kiến trúc sư Nhật khi về tu bổ phố cổ Hội An vào những năm 1996 (Đại học Nữ Chiêu Hòa), thì họ cũng cho rằng con khỉ là thú thiêng mang ý nghĩa như vật trấn yểm, lá bùa. Còn về con chó, thì dễ hiểu vì người Hoa xem là biểu tượng mang đến tài lộc, may mắn. Nhiều ngôi nhà người Việt xưa cũng đã thờ.

Tôi cho rằng việc giải thích, thuyết minh về Chùa Cầu Nhật Bản đã làm từ năm Thân (con khỉ) đến năm Tuất (con chó) mới hoàn thành nên có vật thờ là con khỉ và con chó nghe có vẻ cảm tính. Tạm thời tôi nhận định vùng đất mà chúa Nguyễn cấp cho người Nhật là nơi đầu cầu có cặp khỉ, nằm phía tây Chùa Cầu Hội An, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai. Và ngược lại phía đầu cầu bên kia - phía đông, nay là đường Trần Phú là khu phố của người Hoa với vật thờ là con chó mang đến nhiều tài lộc.

Căn cứ từ khảo cổ

Những điều nhận định trên khó thuyết phục và phải nhờ đến những tư liệu, những bài viết chuyên ngành khảo cổ học của các nhà khảo cổ Nhật Bản vào năm 1993 - 1995. GS-TS. khoa khảo cổ Nhật Bản Kikuchi Seiichi, trong bài viết chi tiết về thành phần gốm sứ Hội An thế kỷ XVII đã nói kỹ điều này.

Bài viết mở đầu về đồ gốm sứ tìm thấy tại di chỉ hình rãnh ở hố đào số 1, số 2 và di chỉ hình sông ở hố đào số 2 tại đình Cẩm Phô (cách Chùa Cầu Hội An 250m về hướng tây). Căn cứ vào sự chuyển giao giữa các triều đại Minh - Thanh và chính sách ngoại thương, TS. Kikuchi Seiichi chia thành 4 thời kỳ về gốm sứ khác nhau. Tại địa điểm đình Cẩm Phô với di chỉ hình rãnh có niên đại thuộc thế kỷ XVII đã tìm thấy ngoài đồ gốm Việt, có đồ gốm sứ Trung Hoa và đồ sứ Hizen (Nhật Bản). Về sự phân bố của mặt cắt ngang của hố đào số 1,2 thì gốm Trung Quốc nằm ở tầng dưới cùng và tầng giữa, còn đồ sứ Hizen ở phía trên. Đồ sứ Trung Quốc thuộc dòng lò gốm Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến - Quảng Đông và Đức Hóa. Niên đại xếp vào thời kỳ I. Về chủng loại gồm chậu, bát, đĩa, bình, nắp và siêu nước.

Gốm Hizen có niên đại vào thời kỳ thứ II, từ khoảng năm 1650 đến 1680 gồm các chủng loại chậu, bát đĩa, nắp và bình được tráng men hoa lam. Ở di chỉ hình sông cũng có đồ gốm Hizen nhưng hình như đồ đã hỏng phải vất đi và bị vùi lấp. Khi tiến hành đong đếm số lượng đồ gốm sứ cho ta biết tỷ lệ gốm sứ Trung Hoa chiếm đến 41%, đồ sứ Hizen chỉ 11% (hố số 1). Nhưng ở di chỉ hình sông gốm sứ Hizen tăng lên 19% và gốm sứ Trung Hoa là 32%. TS. Kikuchi nhận xét vào cuối thế kỷ XVII, xu hướng sử dụng đồ sứ tại Hội An đã chuyển sang từ đồ sứ Trung Hoa sang đồ sứ Hizen.

Cũng nên nhớ rằng dẫu chính sách bế quan tỏa cảng của Mạc Phủ vào năm 1635 nhưng một số người Nhật vẫn dong thuyền để qua lại buôn bán và dần dần người Hoa thay thế người Nhật trong việc buôn bán. Và sau khi bỏ chính sách bế quan, người Hoa và Hà Lan tiếp tục chở gốm sứ Hizen (sản xuất tại lò Imari) từ Nhật Bản đến Việt Nam.

Từ những thông tin quý giá, xác thực của những nhà khảo cổ học Nhật Bản kết hợp với kiến trúc của ngôi nhà cổ số 7 trong phố Nguyễn Thị Minh Khai - hiệu Sanh Hiên, với cấu kiện cột nhỏ, xuyên trính lớn và cong tự nhiên, tôi tạm có câu trả lời cùng chung với ý nhận xét của các chuyên gia Nhật Bản: “Như vậy, qua điều tra sơ bộ được tiến hành đến thời điểm hiện tại thì khu phố Nhật nằm phía tây của Chùa Cầu Hội An, xung quanh khu vực đình Cẩm Phô (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai) và đình Thổ Lễ”. Và chuyên gia Nhật Bản cũng đưa thêm nhận định cần xác minh là phần phía bắc của đường Trần Phú, nhất là khu vực lân cận đường Phan Châu Trinh có khả năng là khu phố cư trú của Nhật vào thế kỷ XVII.

TTXT du lịch Hội An

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn