Địa điểm du lịch Kênh gym

Chùa Cầu Hội An, chuyện quanh văn bia cổ

07/11/2015 - 4418 view
Chùa Cầu Hội An, chuyện quanh văn bia cổ

Chùa Cầu Hội An trở thành biểu tượng của phố cổ và được nhiều người trên thế giới biết đến. Cây cầu này vốn do người Nhật Bản xây dựng muộn nhất cũng từ đầu thế kỉ thứ XVII và trải qua nhiều lần trùng tu. Mỗi lần trùng tu như vậy đều có văn tự kỷ niệm lưu trên xà nóc hoặc bia đá tại di tích. Trong số văn bia này có một văn bia dựng năm 1817 là văn bia tiêu biểu nhất và thường hay gọi là bia Chùa Cầu Hội An mà tiêu đề chữ Hán của nó là Trùng tu Lai Viễn kiều kí do Đốc học dinh trực lệ Quảng Nam là Khê Đình Bá Đinh Tường soạn.

Tôi đọc Bài kí trùng tu “Lai Viễn kiều”” trong sách Quảng Nam và những vấn đề sử học (2006) của nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, thấy ông phân vân “tại sao cụ Hồ Ngận lại ghi là “nhất khê” thay vì “tiểu khê” như Dương Đức Nhự đã chép?” [tr.182] và đi đến đồng ý 2 chữ “nhất khê” của cụ Hồ Ngận có thể là thích đáng. Rốt cuộc trên nguyên bản văn bia Chùa Cầu Hội An có phải là “nhất khê” hay “tiểu khê” hay là không phải cả 2 từ này?

Nguyên nhân của sự không thống nhất về văn bản là do tấm bia Chùa Cầu Hội An đã cùng người dân địa phương hứng chịu chiến tranh nên phải mang những thương tích trên mình, làm cho vài chỗ bị mất chữ không thể đọc được mà phải dựa vào suy đoán. Nguyễn Sinh Duy viết: rà soát lại hiện trạng văn khắc ngày nay, chỗ chữ “tiểu” ấy đã bị một lỗ đạn thời chiến tranh xoi thủng và được ai đó dùng xi măng thô trám vào. Nghĩa là, trước khi bị mũi đạn, chữ “tiểu” ấy vẫn còn hiện diện, do đó Dương Đức Nhự mới chép là “tiểu khê”. Thế nhưng bản chép của Hồ Ngận lại ghi chỗ lỗ đạn ấy là “nhất khê” [tr.182].

Thực ra, trên nguyên bản văn bia Chùa Cầu Hội An không phải là “nhất khê 一溪” cũng không phải là “tiểu khê 小溪” mà chính là “khê yên 溪焉”. Mở đầu tập thủ bút của Trương Đồng Hiệp (1857 - 1926), cử nhân khoa Giáp Ngọ (Thành Thái thứ 6 - 1894), là bài Trùng tu Lai Viễn kiều kí. Trong văn bản này, ông đã chép rõ ràng 2 chữ “khê yên”.

Sau đó, vào thập niên 40 của thế kỉ XX, E.F.E.O tiến hành in rập văn bia Chùa Cầu Hội An với 3 kí hiệu thác bản: N0 259, N0 8360, N0 19323, hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và được in thác bản trong các tập 1, 9, 20 của bộ Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm (gồm 22 tập xuất bản từ năm 2006 đến năm 2010) kèm theo tập 1, 5 của bộ Thư mục thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam (đã xuất bản 8 tập từ năm 2007 đến năm 2011)... Cả 3 thác bản văn bia này đều thể hiện nét chữ rõ ràng, chỉ hơi mờ một số chữ ở phía bên dưới gần chân bia, và hiển hiện 2 chữ “khê yên”.

Đến năm 1989, Ngô Thế Long đã phiên âm, dịch nghĩa trọn vẹn bài văn bia Chùa Cầu Hội An trong bài viết “Hai tấm bia cổ nói về người Nhật trên đất Quảng Nam Đà Nẵng” đăng trên Tạp chí Hán Nôm (số 2.1989). Theo như bài viết, ông sử dụng thác bản N0 19323 để phiên âm, dịch nghĩa. Và, trong phần phiên âm cũng thể hiện đúng 2 chữ “khê yên” từ thác bản.

Yên 焉 là trợ từ. Theo Văn pháp chữ Hán của Phạm Tất Đắc, trợ từ “yên” ở đây có chức năng “làm hộ đậu, đặt ở vế trên của câu nói chỉ ý giả thiết, còn ý kết luận thì đặt ở vế câu dưới” [tr.1018]. Nội dung câu đầu tiên trong văn bia Chùa Cầu Hội An là: “明 香 會 安 庯 界 於 錦 鋪 有 溪 焉 溪 有 橋 古 也 Minh Hương Hội An phố, giới ư Cẩm Phô hữu khê yên, khê hữu kiều, cổ dã = Làng Minh Hương phố Hội An, giáp giới xã Cẩm Phô có dòng khe, khe có cầu, [cầu ấy] đã lâu”.

TTXT du lịch Hội An

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn