Chén Khổng Tử mới nhìn cũng đơn giản như những chiếc chén uống trà, uống rượu thông thường khác, chỉ lạ hơn chút ở bức tượng hình ông tiên nhô lên giữa lòng chén, và hễ rót quá 8 phần chén là nước tự khắc chảy hết ra ngoài. Nhiều người cho rằng đây là cổ vật duy nhất của kiểu chén này còn lại ở Việt Nam, hiện trưng bày tại nhà cổ Tấn Ký (101 - Nguyễn Thái Học, TP Hội An, Quảng Nam).
Nhà cổ Tấn Ký là một địa chỉ tham quan nổi tiếng, được du khách yêu thích tại Hội An, không chỉ bởi lối kiến trúc cổ được bảo tồn nguyên vẹn hơn 200 năm qua, mà còn bởi rất nhiều bộ sưu tập chén bát, đĩa, bình cổ, gụ, sạp... phong phú, đa dạng được gia đình nhà họ Lê - chủ nhà cổ Tấn Ký trưng bày, giới thiệu. Bên cạnh hàng trăm món cổ vật giá trị, nếu không chú ý, khó ai nhận ra chiếc chén Khổng Tử là một bảo vật quý của dòng họ. Hình thức của nó không quá đặc biệt, niên đại cũng không hẳn cao hơn những cổ vật khác. Tuy nhiên, theo lời bà Tân Xuân, dâu đời thứ 6 của chủ nhà cổ Tấn Ký, sau khi tìm hiểu lai lịch và tính năng của chiếc chén nhỏ, khách tham quan ai cũng muốn tận mắt chứng kiến sự độc đáo ẩn chứa trong cổ vật. Chén có kích cỡ nhỏ, đặt lọt trong lòng bàn tay, bằng đất nung, men trắng trang trí hoa văn giản dị, nhô lên giữa lòng chén là một tượng hình người nhỉnh hơn ngón tay. Đáy chén ở phần đế bên ngoài có một lỗ nhỏ bằng que diêm. Khi đổ nước vào đến 8 phần chén, nước không chảy ra ngoài nhưng nếu rót đến gần vành chén, từ đáy chén, nước chảy xuống thành dòng đến khi cạn khô. Bà Tân Xuân giải thích: “Chén còn có tên gọi là chén “tám phần” bởi nó chỉ chấp nhận... 8 phần nước, rót nhiều hơn chút là nó “đổ” đi hết”.
Nhiều người thắc mắc tại sao cũng cái lỗ đấy mà khi đổ 8 phần nước vào thì nước không chảy ra, nhưng chỉ thêm một chút là nước chảy đi bằng hết chứ không phải chỉ chảy phần nước thêm vào? Theo tài liệu còn lưu lại của nhà cổ Tấn Ký, chiếc chén quý của gia đình do cụ tổ mua lại từ những thương nhân Trung Hoa sang buôn bán. Đây là món đồ gắn liền với vị triết gia nổi tiếng Khổng Tử. Tương truyền, một lần Khổng Tử đi qua hoang mạc, giữa cơn đói khát, ông được một lão tiền bối dẫn đến ao nước cạn và cho một cái chén. Khổng Tử múc nước uống song cứ múc đầy chén nước đưa lên miệng thì không còn giọt nào. Hóa ra đáy chén có một cái lỗ, khi nước trong chén quá đầy thì theo đó ra ngoài. Sau nhiều lần tìm cách, Khổng Tử đã hiểu, muốn giữ nước trong chén thì không được múc đầy. Quả đúng như vậy khi ông chỉ múc 8 phần chén thì nước không đủ áp lực chảy qua lỗ nữa. Từ sự việc này, Không Tử nảy ra thuyết Trung Dung, chủ trương con người cần phải biết kềm chế hành vi và giữ cho ý nghĩ luôn ở trạng thái trung hòa. Sống thuận theo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín để thành người quân tử. Cái chén đã cứu Khổng Tử qua cơn khát và thành một triết thuyết của ông, về sau được gọi là chén Khổng Tử và trở thành một huyền thoại.
Theo nhà sưu tập người Pháp gốc Việt Gérard Chapuis, chiếc chén Khổng Tử ở nhà cổ Tấn Ký mang ý nghĩa một bài học thâm thúy, sâu sắc, để con người biết sống tiết độ, không nên tham lam. Tuy nhiên, về nguyên lý cấu tạo của nó cũng không có gì bí ẩn ghê gớm. Cụ thể, Pythagoras được biết đến với định lý a2 + b2 = c2. Từ thuở xa xưa, để giải thích cho các môn đệ đức tín của sự điều độ, ông đã phát minh ra một chén tương tự. Khi chiếc chén chứa đầy rượu hoặc nước lên đến một giới hạn nhất định, chất lỏng sẽ được giữ lại trong ly. Nhưng nếu chất lỏng được đổ vượt quá giới hạn đó, sẽ thoát hết ra ngoài bằng một lỗ ở phía dưới ly. Bí ẩn là 1 xifông được che giấu trong cột ở trung tâm chiếc chén.
TTXT du lịch Hội An