Địa điểm du lịch Kênh gym

Nhà cổ Tấn Ký với kiến trúc độc đáo và “kho” cổ vật

20/01/2014 - 4508 view
Nhà cổ Tấn Ký với kiến trúc độc đáo và kho cổ vật

Nhà cổ Tấn Ký (101 đường Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất khu phố cổ Hội An, và lưu giữ nhiều câu chuyện thú vị về những cổ vật quý giá.


Kiến trúc độc đáo

Kiến trúc Nhà cổ Tấn Ký là sự kết hợp tài tình giữa ba phong cách kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa. Ông Lê Dũng (62 tuổi, hậu duệ đời thứ 6 của họ Lê), người tiếp quản ngôi nhà chậm rãi: “Phải mất 10 năm trữ gỗ, 3 năm đục đẽo, ngôi nhà mới được dựng xong vào một năm cuối thế kỷ 18. Đến đời thứ 2, các cụ lấy tên hiệu là Tấn Ký để kinh doanh, buôn bán nông sản. Tên nhà cũng ra đời từ đó”. Theo ông Dũng, đây là ngôi nhà đầu tiên tại phố cổ Hội An cùng hai kiến trúc khác là Chùa Cầu và Hội quán Phước Kiến được công nhận di tích lịch sử văn hóa vào năm 1985. Mặc dù trải qua nhiều biến động nhưng nhà cổ Tấn Ký vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn những giá trị về kiến trúc và văn hóa.

Khi dựng nhà cổ Tấn Ký, người thợ mộc Kim Bồng xưa đã phối hợp ba phong cách Việt - Nhật - Hoa rất điêu luyện. Căn đầu tiên được thiết kế theo nhà ba gian đúng kiểu thức truyền thống của người Việt, trần nhà lợp ngói âm dương. Căn này cũng là điểm nhấn của nhà cổ Tấn Ký với hàng loạt vi kèo, xuyên, trính (thanh gỗ dọc nối các cột) được chạm trổ tinh xảo với những hình thù như: quả bí, hòm thư, con dơi, dải lụa. Phong cách Nhật Bản thể hiện rõ trong cách kết cấu trính “chồng rường giả thủ” ngay vị trí dưới giao điểm hai chiếc kèo. Lối kiến trúc này là sự kết hợp 3 thanh ngang trính biểu trưng cho thiên, địa, nhân và 5 cột đội dọc biểu trưng cho ngũ hành với mong ước an lành. “Trong ngôi nhà này, lối kiến trúc người Hoa lại nằm trên vì kèo “vỏ cua”. Những thanh vì vòm có dáng cong này còn được gọi là “thanh ngọc như ý” với hình chạm trổ dải lụa vấn quanh hai thanh kiếm đặc trưng của người Hoa xưa!”, ông Dũng cho biết. Điểm đặc biệt của nhà cổ Tấn Ký là được dựng nên mà không sử dụng đến một chiếc đinh. Các tấm và thanh gỗ được khớp với nhau hoàn toàn bằng mộng mà vẫn “tự đứng” vững.

Cổ vật quý giá

Hàng ngày, nhà cổ Tấn Ký mở cửa đón khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Bước vào trong nhà, khách sẽ có giác thân thiện, rất dễ chịu vì mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Đến đây, nhiều người còn được nghe kể về “kho” đồ gia bảo cực kỳ quý giá. Những cổ vật thuộc hàng “độc nhất vô nhị” cùng những câu chuyện khiến người nghe không khỏi ngạc nhiên. Cổ vật phải kể đến đầu tiên chính là chiếc chén Khổng Tử (hay còn gọi là chén không đầy). Khi đổ vào chén khoảng 80% thì nước vẫn được giữ, thế nhưng khi đổ đầy thì nước trong chén tự chảy hết qua một lỗ nhỏ nằm dưới đáy. Tương truyền, từ hiện tượng kỳ lạ này mà Khổng Tử đã hình thành thuyết Trung Dung với nội dung con người cần phải biết giữ cân bằng, kiềm chế.

Hiện nhà cổ Tấn Ký vẫn đang lưu giữ nhiều đồ cổ khác như: chén, đĩa, bình gốm cổ có niên đại hàng trăm năm. Nhiều đồ cổ bằng gỗ như bàn, ghế khảm xà cừ, hoành phi, tủ kệ... Một món cổ vật độc đáo nữa là bộ liễn “giấy” được làm bằng gỗ cực mỏng treo hai bên gian chính. Và cổ vật cuối cùng mà ông Lê Dũng say sưa kể với tôi là bộ liễn đối Bách Điểu. Hai câu liễn treo trên hai cột được khảm xà cừ rất công phu, có nội dung: Bích xích thùy dương thiên lý vũ/ Thập phân minh nguyệt nhất lầu thư (Tạm dịch: Một dãy dương liễu chỉ dài trăm thước đón được cơn mưa từ ngàn dặm/ Một mảnh trăng chỉ rộng mười phân rọi sáng cả một căn gác đầy sách).


Chính không gian kiến trúc và “kho” đồ cổ đầy ấn tượng đã “hút” các đoàn làm phim, truyền hình đến thực hiện các cảnh quay. Nhà cổ Tấn Ký cũng là ngôi nhà cổ duy nhất tại Hội An được các nhà lãnh đạo của Việt Nam và thế giới đến thăm như: Tổng bí thư Trường Chinh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân, Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra...

Nhà cổ Tấn Ký với kiến trúc độc đáo và kho cổ vật 2

Nhà cổ Tấn Ký với kiến trúc độc đáo và kho cổ vật 3

Nhà cổ Tấn Ký với kiến trúc độc đáo và kho cổ vật 4

Nhà cổ Tấn Ký với kiến trúc độc đáo và kho cổ vật 5


TTXT du lịch Hội An

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn