Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Hội An, chuyện đến và đi hay ở lại

15/05/2016 - 3893 view
Du lịch Hội An, đến và đi hay ở lại

Chúng tôi đến du lịch bụi phố cổ Hội An, lèn vào con hẻm nhỏ để uống cà phê. Quán nhỏ, vừa đủ sáng, tiếng Ta tiếng Tây xen lẫn nhưng ai cũng nói đủ nghe và cùng thưởng thức cà phê. Tôi từng có thời gian dài trải nghiệm văn hóa cà phê Sài Gòn. Ồn ào, phóng khoáng, một góc vỉa hè xếp dãy ghế dài đọc báo, uống ly cà phê to, nhiều đá. Cà phê là thứ mang đến năng lượng cho mọi người bắt đầu một ngày mới. Ở Hội An, cà phê đã được các chủ quán tiết chế, hòa quyện giữa phong cách cà phê Sài Gòn và cà phê kiểu “ông già” lâu đời của người miền Trung. Đó là cách gọi từ một người bạn của tôi - Uyên - theo chuyên ngành thời trang, gia đình có quán cà phê khá xưa tại Đà Nẵng. Uyên từng bảo, chỉ thích cà phê “ông già” vì đậm đà, không loãng và “xô bồ”. Chế phin trong tách trà loại trung, chỉ cần thêm sữa hoặc đường và một cục đá. Trở lại cà phê Hội An, tôi ngạc nhiên vì cà phê khá ngon, không quá nhiều, một lớp sữa, lớp cà phê và một ít đá vụn xếp trên cùng. Khuấy ly cà phê giữa buổi trưa phố Hội, không gian hơi tối khiến cho mọi thứ ngưng đọng. Chừng lâu lắm rồi tôi mới có cơ hội tĩnh tại giữa một không gian đẹp... Và có một đặc điểm chung ở các quán cà phê tại đây là đa số quán cũ nhưng nhà vệ sinh rất hiện đại, sạch sẽ, thơm mùi tinh dầu sả hoặc hoa. Có thể nói, điều này thể hiện người Hội An rất nhạy bén trong kinh doanh. Du lịch Hội An giờ đã là một trong những điểm đến của thế giới, nhưng người phố Hội không vội vã; họ thay đổi, hội nhập với du khách năm châu những yếu tố cần thiết và giữ lại giá trị vốn có của riêng mình.

Do lịch công tác nên chỉ du lịch Hội An 1 ngày, chúng tôi không đủ thời gian thưởng thức hết ẩm thực đường phố. Đến cơm gà bà Buội ăn cho biết tiếng, chạy qua bánh mỳ Phượng mua một ổ kẻo tiếc. Thật hiếm thấy tiệm bánh mỳ nào người bán đứng thành dãy khoảng mươi người liên tay xẻ bánh, xắt thịt, gắp rau mà không kịp phục vụ khách. Khách Tây, khách Ta xếp hàng, người ít vài ba ổ, nhiều thì vài chục ổ. Một chị bán bánh mỳ cho hay, mỗi ngày tiệm bán ra khoảng 2 ngàn ổ. Tôi không tin vào con số này, tròn mắt ngạc nhiên. Rồi nhẩm tính trong lúc đợi đến lượt mình mua bánh khoảng 5 phút, số bánh người mua tròm trèm bốn chục ổ, thì con số trên cũng không có gì quá. Pa-tê, thịt quay, thịt xíu, bơ, rau mùi, xà lách, dưa leo giòn rụm, thơm phức. Vừa ăn xong dĩa cơm gà, nhưng ổ bánh mỳ vẫn không làm tôi ngán, mới biết đúng là thương hiệu. Lần này, tôi có dịp gặp nhà văn Nguyên Ngọc. Ông kể về đời sống ẩm thực trước năm bốn lăm của thế kỷ trước vanh vách, từng quán ăn, địa điểm: “Hội An có một đời sống dân gian rất lạ, nhất là ẩm thực. Xưa, bánh ú bán từng xâu có bà Sở ở đường Lê Lợi. Bún bò bà Chỉ ngồi xổm trên vỉa hè ở nhà máy đèn. Bánh xèo có hiệu Tam Tam nước tương ngon vô cùng. Cao lầu có ông Cảnh. Tàu xá có ông Dần. Trong những năm tháng rời xa Hội An đi kháng chiến, tôi nhớ Hội An đến độ có thể vẽ lại bản đồ quê xứ từng ngõ ngách”. Có lẽ, tình yêu với Hội An quá sâu đậm mới có thể in khắc trong ký ức ông già ấy mỗi món ăn, góc phố chi tiết đến như vậy!

Chúng tôi cố tình tìm đến quán cà phê khác trong phố, để thưởng thức đầy hơn một Hội An. Sợ nhầm đường, dừng chân hỏi thăm địa chỉ người đàn ông trung niên, lại thêm một sự gật gù. Bởi khách thì vội vàng, nói to mà người phố Hội nhẹ nhàng, chậm rãi. Chợt nhận ra lâu nay cứ chạy theo mải miết lo toan mà không có độ lùi với chính mình. Cũng giống như đường về Hội An bây giờ đã khác xưa. Cầu Cửa Đại thông giao với phía nam, đường mấy làn xe êm ru, rút ngắn khoảng cách, thuận lợi khi muốn ghé thăm nhưng nếu để tâm, bạn sẽ tìm ra cung đường thưởng thức nét duyên dẫn về du lịch phố cổ Hội An. Sự phát triển của xã hội là lẽ tất nhiên, nhưng chính cách ứng xử của con người mới là nút thắt hay mở đối với giá trị truyền thống. “Du lịch Hội An có một đời sống dân gian lành mạnh, hiền hòa. Mối quan hệ giữa văn hóa tinh hoa với văn hóa quần chúng rất quan trọng. Làm thế nào để mối quan hệ ấy đừng xa cách mà ngày càng gần nhau cũng là chìa khóa để gìn giữ giá trị vốn có của Hội An” - nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ.

Mỗi ngày có biết bao người từ khắp nơi trên thế giới tìm đến du lịch Hội An; ngót 15 năm kể từ dấu mốc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Cũng có nhiều người đến và không thể rời đi, để rồi buộc họ phải “Hội An hóa” để gắn bó với mảnh đất này. Như cặp đôi vợ chồng Síu Phạm và Jean Luc Mello, đến và yêu nơi này như một duyên cớ. Chọn sống chậm ở Hội An, như một sự trở về với những vốn quý văn hóa cổ truyền, cặp vợ chồng nghệ sĩ này nói, Hội An là một mảnh đất lành dành cho nghệ thuật. Và “hạnh ngộ” với ý tưởng này, là rất nhiều người nước ngoài tìm đến du lịch Hội An để “thưởng thức” sự bình an và góp phần làm những bình an của vùng đất nhuốm thêm màu nghệ thuật. Jean Cabbane, một họa sĩ lãng tử Pháp, hay Neville Dean với “taste of Hoian”, khiến những bước chân của các du khách Tây về với phố Hội cứ dùng dằng ở đi nơi vùng đất nhỏ. Lùi về một độ sâu nhất định, những thập niên 90, khi du lịch Hội An mới chỉ đi những bước đầu tiên để dần định vị lại vị trí của mình, ít ra trong “bản đồ” của ngành văn hóa, thì những người bạn Nhật, lại “vơ” vào mình trách nhiệm với vùng đất. Những bạn trẻ của tổ chức JICA, ngày đêm thắc thỏm với từng viên ngói cổ, từng vì kèo, trính cột... như muốn giữ lại dấu xưa một thuở của cha ông họ. Từng lớp người đến và đi, để lại cho phố cổ Hội An những “tinh hoa” mới, mà nếu tinh ý, sẽ thấy được người Hội An đã giữ được một cách sâu bền những tinh hoa ngoại nhập ấy. Sẽ là thiếu sót lớn, nếu không nghĩ đến việc Hội An của hiện tại, là sự góp sức của rất nhiều bạn bè quốc tế và những cư dân của miền Bắc, miền Nam tìm về, bên cạnh nhiệt huyết của cư dân bản địa.

Có lẽ, với mỗi người khi đến du lịch Hội An hay ở lại, họ đều nhận ra rằng, không thể bổ bả với cái đẹp. Hoặc giả, chính cái đẹp khiến cho tất thảy đều lùi lại một bước trong hành trình đến và đi này!

TTXT du lịch Hội An

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn