Địa điểm du lịch Kênh gym

Thánh địa Mỹ Sơn với triển vọng tích cực

26/10/2015 - 4109 view
Thánh địa Mỹ Sơn với triển vọng tích cực

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn của tháng 10, hàng loạt câu chuyện liên quan đến Thánh địa Mỹ Sơn đã diễn ra, hứa hẹn những đổi thay tích cực trên các lĩnh vực du lịch cũng như bảo tồn di sản tại khu đền tháp này.

Dịch vụ du lịch mới và hấp dẫn

Ông Huỳnh Tấn Lập - Phó Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết, đầu tháng 10 vừa qua, Công ty Vietnam Travel Mart (Đà Nẵng) và các cơ quan chuyên môn đã tiến hành khảo sát khu vực đối diện nhà làm việc (phía ngoài suối Khe Thẻ) để chọn nơi xây bãi đỗ trực thăng đón khách du lịch Thánh địa Mỹ Sơn, kết quả các bên đều đã cơ bản hài lòng với vị trí lựa chọn. Sắp tới công ty sẽ tiến hành lắp đặt những thiết bị cần thiết nhằm đảm bảo cho việc đưa đón khách bằng máy bay trực thăng cũng như phục vụ dịch vụ tham quan đền tháp Mỹ Sơn từ trên cao một cách tốt nhất. “Máy bay sẽ đưa du khách xuất phát từ Đà Nẵng đến Mỹ Sơn, ngắm nhìn toàn cảnh khu đền tháp từ trên cao trước khi hạ cánh để xe điện tiếp tục đưa vào tham quan thực địa bên trong khu di tích” - ông Lập mô tả. Không phải đến bây giờ loại hình du lịch này mới được triển khai tại Thánh địa Mỹ Sơn mà ngay từ đầu tháng 4/2015, chuyến bay đầu tiên chở gia đình khách du lịch người Nga cũng đã thực hiện thành công hành trình tham quan Mỹ Sơn từ trên cao, tạo cơ sở để Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn mạnh dạn phối hợp triển khai loại hình du lịch hấp dẫn này, mở ra nhiều triển vọng giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong thời gian tới.

Ngoài ra, một sản phẩm dịch vụ mới lạ cũng vừa được triển khai lần đầu tại Quảng Nam là dạy múa Chăm và dạy tiếng Chăm cho du khách. Theo đó, du khách đến Thánh địa Mỹ Sơn ngoài chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc khu đền tháp Mỹ Sơn và cảnh quan di sản còn được thưởng thức những điệu múa Chăm truyền thống do các nghệ sĩ dân gian Chăm trình diễn như múa tượng Siva, Apsara hay múa quạt, múa đội nước, thổi kèn saranai... Nếu khách có yêu cầu cũng sẽ được diễn viên nơi đây dạy những vũ điệu đơn giản như múa Siva, Apsara, trống hội làng Chăm... với mức chi phí khoảng 1USD cho thời gian 5 - 10 phút. Ngoài ra, khách cũng có thể thuê trang phục Chăm để chụp ảnh lưu niệm hoặc học tiếng Chăm với những câu đơn giản như chào hỏi, tạm biệt, cảm ơn... “Dù đang trong quá trình thử nghiệm và sang năm 2016 mới triển khai rộng rãi nhưng hiện cũng đã có nhiều công ty lữ hành liên hệ đề nghị được phục vụ. Cách đây hơn một tuần chúng tôi đã tổ chức cho đoàn khách 100 người, chủ yếu là khách Việt Nam, tham gia các dịch vụ này, kết quả ai cũng vui vẻ và cho biết rất hài lòng” - ông Lập nói.

Nhiều dự án bảo tồn có giá trị

Không chỉ triển khai các sản phẩm dịch vụ mới lạ phục vụ khách du lịch, công tác bảo tồn di sản cũng đã có những tín hiệu, chuyển biến tích cực. Cũng trong tháng 10 này, bà Preeti Saran - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam đã đến thăm và làm việc với UBND huyện Duy Xuyên và Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn nhằm thông báo các bước chuẩn bị để dự án trùng tu tháp ở Thánh địa Mỹ Sơn sớm tiến hành như thỏa thuận được Thủ tướng Chính phủ 2 nước ký kết từ cuối năm 2014. Bên cạnh đó, việc vận động các tổ chức tại Ấn Độ thực hiện phim quảng bá về Mỹ Sơn để chiếu tại đất nước này nhằm thu hút khách đến Việt Nam nói chung và Mỹ Sơn nói riêng cũng đang được phía bạn triển khai, mở ra nhiều cơ hội không những trong công tác bảo tồn mà còn trên cả lĩnh vực du lịch thời gian tới.

Đặc biệt, với việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn văn hóa tại Quảng Nam” đã trở thành điểm nhấn mang tính sự kiện cho công tác bảo tồn di sản nói chung và bảo tồn đền tháp ở Thánh địa Mỹ Sơn nói riêng. Theo phê duyệt, dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2018 với mức vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Ý hơn 1,079 triệu euro và vốn không hoàn lại của Trường Đại học Bách khoa Milan (Ý) hơn 129 nghìn euro cùng vốn đối ứng 200 nghìn euro do UBND tỉnh bố trí theo Luật Ngân sách nhà nước. Mục tiêu dự án nhằm nâng cao năng lực quản lý, năng lực trùng tu và bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử cho cán bộ quản lý di sản văn hóa, chuyên gia, công nhân chuyên ngành trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa. Ngoài ra, việc xây dựng phòng thí nghiệm về trùng tu các hiện vật kiến trúc khảo cổ, nâng cao điều kiện bảo tồn, bảo vệ Di sản Văn hóa thế giới Thánh địa Mỹ Sơn cũng là mục tiêu dự án hướng đến.

Theo kiến trúc sư Đặng Khánh Ngọc, công tác tại Viện Bảo tồn di tích Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (một trong các đơn vị tham gia dự án), dù vẫn còn những vấn đề về nội dung giáo trình, đối tượng học viên... cần được làm việc, thỏa thuận với các bên liên quan của tỉnh như ngành văn hóa hay Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam, nhưng có thể khẳng định việc đào tạo sẽ tập trung vào công tác bảo tồn di sản, trong đó chủ yếu là trùng tu tháp Chăm với đối tượng là cán bộ kỹ thuật đã từng tham gia bảo tồn di sản thời gian qua. “Đây là dự án đã được ông Mauro Cucarzi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Lerici Foundation (Trường Đại học Milan) và các chuyên gia làm việc tại Thánh địa Mỹ Sơn ấp ủ xây dựng từ 3 năm trước nhằm đào tạo đội ngũ kỹ thuật lành nghề và chuyên nghiệp. Ý nghĩa của dự án là rất tích cực, không chỉ cho những di sản ở miền Trung mà còn có Quảng Nam đặc biệt là các kiến trúc đền tháp Chăm tại Mỹ Sơn” - ông Đặng Khánh Ngọc nói.

TTXT du lịch Quảng Nam

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn