Công viên Đất nung Thanh Hà (làng gốm Thanh Hà, Hội An) vừa phối hợp với Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức trại sáng tác nghệ thuật sắp đặt gốm Thanh Hà 2016 với sự tham gia của 12 nghệ sĩ.
Tại triển lãm, các nghệ sĩ bằng sự sáng tạo, tìm tòi của mình trên chất liệu ở làng gốm Thanh Hà đã đưa 11 tác phẩm gốm và 1 tranh vẽ độc đáo truyền đi thông điệp của cuộc sống: đất, nước, lửa... là sự dung hòa của loài người. Tất cả sự sinh sôi nảy nở cũng từ đất và nước.
Các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà, thông qua việc tham gia hỗ trợ các nghệ sĩ triển khai các ý tưởng sáng tạo, cũng không giấu được sự ngạc nhiên, thích thú khi nghiệm ra rằng từ những vốc đất thô ráp, tạo ra những cái bình, cái lu. Những hình thù giản dị, đơn sơ như hạt giống, cái bình vôi, thậm chí cả những mảnh gốm vỡ cũng có thể trở thành chất liệu để diễn đạt những ý tưởng sáng tạo trong nghệ thuật sắp đặt.
Và không chỉ dừng lại ở sự ngạc nhiên, thích thú, sự tương tác với tác phẩm, sự chia sẻ của các tác giả tham gia, trại sáng tác ở công viên đất nung làng gốm Thanh Hà còn khai mở những cách nhìn mới. Lấy cảm hứng từ hạt lúa giống như một ẩn dụ về mầm sống, về sự sinh sôi, tác giả Bùi Hải Sơn bày tác phẩm “Lúa trời” như những hạt giống được gieo từ trên trời xuống, gợi cho người xem nhiều liên tưởng đa nghĩa. Quá khứ, hiện tại và cả tương lai đều nằm trong hạt giống, nhưng hạt giống của sự sống có sinh sôi nảy nở hay không còn tùy thuộc vào môi trường, cách con người xử sự và tương tác với hạt giống...
“Phố” của Nguyễn Hoài Huyền Vũ là sự tiếp nối mạch suy tư về con người và không gian sống trên chất liệu ở làng gốm Thanh Hà. Qua hình ảnh con người như đang bị mắc kẹt trong những căn nhà hình hộp ngột ngạt, khép kín, tác giả như muốn nhắc nhở chúng ta hãy mở rộng lòng mình ra với thiên nhiên, với con người...
Đến với triển lãm nghệ thuật sắp đặt tại công viên đất nung làng gốm Thanh Hà, người xem còn có thể cảm nhận nhiều thông điệp phong phú và sâu sắc của các tác giả, tác phẩm khác như: “Di sản” của Hoàng Tường Minh, “Nhớ biển” của Uyên Huy, “Tỏa sáng” của Mai Quốc Khánh, “Di cư” của Phan Nhất Phương, “Giữ lửa” của Trần Việt Hưng, “Rượu và ly” của Vũ Hà Nam, “Của để dành” của Nguyễn Thành Tuệ, “Nguồn sống” của Nguyễn Chí Thanh, “Quê tôi” của Lê Nhật Thanh... Các nghệ sĩ đã, đang và sẽ tiếp tục giúp người xem nhìn ra những nét đẹp lấp lánh trong cuộc sống quanh ta. Điều đặc biệt là các tác giả đã sáng tạo ra những tác phẩm rất logic với quá khứ và thực tại. Giúp người xem dễ dàng cảm nhận.
TTXT du lịch Hội An