Địa điểm du lịch Kênh gym

Làng gốm Thanh Hà khởi sắc phát triển du lịch

27/08/2015 - 5473 view
Làng gốm Thanh Hà khởi sắc phát triển du lịch

Với bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống trên khắp cả nước đang dần đi vào ngõ vắng, đìu hiu trong phát triển du lịch cộng đồng thì bức tranh du lịch tại làng gốm Thanh Hà (Hội An) đã chuyển mình khởi sắc.

Nâng chất lượng điểm đến

Trước đây, làng gốm Thanh Hà vốn đan xen giữa hoạt động làm gốm và sản xuất gạch ngói. Từ năm 2012, làng nghề chỉ còn giữ lại nghề gốm, nhờ đó cảnh quan môi trường được cải thiện. Cùng với đó, nhiều hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề được xúc tiến như nâng cấp đường sá, xây kè bảo vệ làng, xây cống rãnh thoát nước, vỉa hè, cây xanh... đã tạo đà cho phát triển du lịch. Từ nguồn khuyến công, Phòng Kinh tế TP Hội An đã đầu tư cho hoạt động quảng bá làng nghề, xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm, đào tạo nghệ nhân trẻ, tổ chức mô hình trình diễn sản phẩm phục vụ khách... Một số lò nung gốm truyền thống quy mô nhỏ, lò nung cải tiến được hỗ trợ xây dựng giúp bà con yên tâm bám nghề. Ban quản lý du lịch cộng đồng tại làng gốm Thanh Hà cũng chính thức đi vào hoạt động, tổ chức bán vé tham quan phục vụ du khách.

Gốm Thanh Hà sở dĩ được du khách ưa chuộng bởi đây là nguồn gốm tự nhiên, không pha lẫn tạp chất, thân thiện với môi trường. Đến nay, làng nghề đã xuất hiện nhiều dòng sản phẩm như: dòng sản phẩm truyền thống (nồi niêu, ấm đun nước, bùng binh...), gốm mỹ nghệ (sử dụng cho trang trí nội thất, công viên, resort) và gốm lưu niệm phục vụ du lịch. Thúc đẩy thị trường du lịch, nhiều cuộc thi về thiết kế, sáng tác mẫu mã sản phẩm lưu niệm đã được chính quyền Hội An phối hợp với doanh nghiệp lữ hành tổ chức đã góp phần cải thiện chất lượng, làm mới và đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại làng gốm Thanh Hà. Ông Nguyễn Hào - cán bộ phụ trách kinh tế phường Thanh Hà cho hay, bản thân sự ra đời của công viên văn hóa đất nung cũng chính là nét mới của làng nghề truyền thống 500 năm tuổi. Từ khi công viên chính thức mở cửa đón khách, lượng khách đến xem trình diễn, tham quan du lịch và mua sản phẩm lưu niệm tại Thanh Hà đã tăng lên đáng kể.

Theo ông Hào, làng gốm Thanh Hà nằm gần sông, bên cạnh không gian làng nghề, công viên văn hóa đất nung, cần hướng đến mở rộng không gian vùng sông nước, nâng chất lượng điểm đến cho du khách. Nếu kết hợp được sản phẩm du lịch làng nghề với tour tham quan và trải nghiệm ở xóm chài, kết hợp với làm ruộng thì sản phẩm du lịch sẽ phong phú hơn. Phương án du lịch cộng đồng, tạo nguồn thu kinh tế, giải quyết lao động địa phương đang được hướng tới. Cùng với đó, phường cũng đề nghị thành phố có cơ chế khuyến khích xây dựng một số điểm lưu trú cho khách. Tuy nhiên, muốn khách ở lại, phải có gì đặc sắc, phải có gì mới, nếu không khách sẽ chẳng ở lại. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, xây dựng tour tuyến cũng hết sức quan trọng.

Người dân được hưởng lợi

Những năm qua, tại Thanh Hà, ngoài 40% giá trị vé tham quan du lịch do Trung tâm VHTT TP. Hội An giữ lại để phục vụ khâu quản lý nhà nước về mặt du lịch, xúc tiến các hoạt động thương mại - du lịch, đầu tư cho con người... thì 60% còn lại sẽ do phường Thanh Hà quản lý. Nguồn này được chi vào khâu quảng bá, bảo vệ môi trường, chi trực tiếp cho nghệ nhân - người lao động phục vụ du lịch tại làng nghề. Chia sẻ về hoạt động du lịch cộng đồng ở làng gốm Thanh Hà, ông Nguyễn Hào cho rằng, đến thời điểm này, người dân làng nghề đã được hưởng lợi từ du lịch cộng đồng. Con số thống kê lượt khách nước ngoài đến với làng gốm Thanh Hà tăng lên rõ rệt những năm gần đây. Nếu ở thời điểm những năm 2001, làng gốm chỉ đón nhận được 700 du khách/năm với doanh thu chỉ đạt 10 triệu đồng, thì những năm sau đó, mỗi năm làng nghề mở cửa đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, phần lớn là khách quốc tế. Năm 2014, số lượt khách đến với làng nghề đạt kỷ lục 44.000 lượt và xu hướng khách Hàn Quốc bị thu hút bởi làng nghề thể hiện ngày càng rõ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, làng gốm Thanh Hà đã mở cửa đón 30.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tại đây đạt 700 triệu đồng, doanh thu từ bán sản phẩm đạt 1 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Xuân Vui - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Hội An xác nhận, trong nhiều làng nghề truyền thống ở Hội An, hoạt động du lịch cộng đồng tại làng gốm Thanh Hà đã đem lại nguồn lợi thực sự cho người dân làng nghề. “Trong bối cảnh làng rau Trà Quế cũng đã triển khai bán vé nhưng chưa nhiều, còn ở làng mộc Kim Bồng thì do chưa được đầu tư nâng cấp dịch vụ, điểm đến, chưa đảm bảo sự hài lòng cho du khách nên chưa thể triển khai bán vé được... thì tại làng gốm Thanh Hà, người dân ngoài bán được sản phẩm từ du lịch, những người trực tiếp làm du lịch sẽ được chi trả phí dịch vụ từ nguồn lợi thu được nhờ bán vé tham quan. Bà con còn được hỗ trợ đào tạo nghề, đưa đi tham quan, học hỏi tại một số làng gốm trên cả nước, được hỗ trợ đưa sản phẩm trưng bày tại các hội chợ, triển lãm cũng như được hỗ trợ công nghệ cải tiến sản xuất...” - bà Vui chia sẻ.

Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VHTT Hội An cho hay, khi người dân được hưởng lợi thì việc bảo tồn các yếu tố gốc của làng nghề, văn hóa truyền thống, tập quán sinh hoạt cộng đồng... sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Do đặc trưng là làng nghề truyền thống nên chủ trương của thành phố là phát triển du lịch đi đôi với hoạt động bảo tồn không gian văn hóa, sinh hoạt truyền thống, cảnh quan và cấu trúc làng nghề. Nhờ có phố cổ Hội An, khâu quảng bá, xúc tiến, liên kết với doanh nghiệp phát triển du lịch tại làng gốm Thanh Hà tương đối thuận lợi trong nhiều năm qua.

TTXT du lịch Hội An

Mục lục

Du lịch Quảng Nam
- Du lịch Hội An
    I) Phố cổ Hội An
       1) Nhà cổ Hội An
                  - Nhà cổ Tấn Ký
                  - Nhà cổ Đức An
                  - Nhà cổ Quân Thắng
                  - Nhà cổ Phùng Hưng
                  - Nhà thờ cổ tộc Trần
                  - Nhà thờ tộc Nguyễn Tường
       2) Hội quán Hội An
                  - Hội quán Phúc Kiến
                  - Hội quán Quảng Đông
                  - Hội quán Triều Châu
       3) Công trình văn hóa Hội An
                  - Chùa Cầu
                  - Đình Cẩm Phô
                  - Miếu Quan Công
                  - Tụy Tiên Đường Minh Hương
       4) Bảo tàng
                  - Văn hóa dân gian Hội An
                  - Gốm sứ mậu dịch Hội An
                  - Lịch sử văn hóa Hội An
                  - Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An
       5) Điểm tham quan khác
                  - Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
                  - Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền
                  - Giếng cổ Bá Lễ
   II) Làng nghề Hội An
             - Làng gốm Thanh Hà
             - Làng rau Trà Quế
             - Làng mộc Kim Bồng
   III) Quanh Hội An
             - Bãi biển Cửa Đại
             - Bãi biển An Bàng
             - Cù Lao Chàm
             - Rừng dừa Bảy Mẫu
             - Thánh địa Mỹ Sơn