Địa điểm du lịch Kênh gym

Chợ phiên Bắc Hà, ưng cái bụng mới bán hàng

09/03/2014 - 4181 view
Chợ phiên Bắc Hà, ưng cái bụng mới bán hàng

Mới sáng sớm, mọi ngả đường về chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai) đã rực lên sắc màu thổ cẩm. Người vùng cao đi chợ như thể đi hội. Váy áo bung hoa rực rỡ. Khách du lịch trong và ngoài nước cũng xúm xít hòa vui. Hôm chúng tôi đến đúng dịp mận chín rộ. Cơ man nào là mận, đỏ mọng, đầy ắp gùi lớn gùi bé, san sát bên vệ đường...

Bán rượu chủ yếu là phụ nữ

Hàng hóa ở chợ Bắc Hà chủ yếu là sản vật miền rừng. Mùa nào thức ấy. Riêng 2 loại hàng hóa đặc trưng mà chợ vùng cao nào cũng có, đó là rượu và thổ cẩm. Chợ phiên Bắc Hà có rượu ngô Bản Phố nổi tiếng. Bán rượu chủ yếu là phụ nữ, còn người đi mua rượu thì toàn thấy đàn ông. Các bà các mẹ ngồi sau mấy can nhựa to lù. Có gã đàn ông cứ lân la hết hàng này đến hàng khác, thử rượu đến say mèm mà chưa mua được chai nào! Chả sao, Chị Vàng Thị Dó, xã Bản Phố vừa chuyện, vừa vui vẻ nâng can rót tiếp.

Hàng rượu thơm nồng men rừng, thứ men tự chế từ hạt cây Hồng Mi của người Mông. Còn bên hàng thổ cẩm thì rực lên sắc đỏ như thể lạc vào rừng hoa. Mấy chị hàng thổ cẩm bán buôn chuyên nghiệp hơn. Chị Nùng Thị Thư ở Na Thá, lưng địu con thơ mới 8 tháng tuổi. Ngày chợ phiên nào chị cũng đem thổ cẩm đi bán. Chị bảo, chợ phiên Bắc Hà dạo này có nhiều khách Tây nên hàng bán được nhiều.

Người có cả một sạp hàng như chị Thư, nhưng cũng có nhiều người vượt hàng chục cây số về chợ cũng chỉ bán mỗi một cây khèn. Có người cắp nách chỉ một con gà trống. Chàng trai Mông Sùng Mí Chá xách hai cái lồng chim họa mi, đi bộ cả chục cây số về chợ phiên Bắc Hà. Rất nhiều người tay không đến chợ, không mua gì và cũng chẳng có gì bán. Đi để ngắm người, để 1 ngày được sống trong đông vui cho bõ cả tuần lặng thầm nơi đỉnh núi.

10 giờ trưa chủ nhật. Con đường từ thị trấn Bắc Hà vào chợ, người vẫn nườm nượp đổ về. Làm nên vẻ đẹp ấn tượng của chợ phiên Bắc Hà chính là phụ nữ với những sắc phục đủ màu. Đẹp nhất vẫn là váy áo của phụ nữ Mông Hoa. Váy xòe rộng như đuôi công nổi bật hai màu vàng, đỏ. Mỗi cô gái như một bông hoa biết đi. Từng tốp, từng tốp, cười nói rôm rả, đi đến đâu là bừng sáng cả 1 góc chợ, cuốn theo những ánh mắt nhìn say mê, đắm đuối.

Khoái nhất là “con thắng cố”

Đông vui, ồn ã nhất chợ phiên Bắc Hà là hàng thắng cố. “Thắng cố” là từ đã được gọi chệch âm đi rồi, thực ra phải gọi là “thảng cố”, theo tiếng Mông, nghĩa là “nồi nước”. Đó là một món canh thịt, nếu đó là thịt ngựa thì gọi là thắng cố ngựa, thịt bò thì gọi là thắng cố bò, còn nấu từ thịt dê tất nhiên là “thắng cố dê”. Anh Tráng Trọng Long, người Mông vừa múc thắng cố cho khách vừa giảng giải. Anh bảo ngày trước, người Mông chỉ chế biến thắng cố từ thịt ngựa, và chỉ bằng thịt ngựa mới ngon. Thế nên con ngựa đôi khi được gọi vui là “con thắng cố”.

Bây giờ, các phiên chợ vùng cao ở Lào Cai có đủ loại thắng cố: trâu, bò, dê... Và thắng cố đã thành món đặc sản ở nhiều nhà hàng quanh vùng. Tuy nhiên, ăn thắng cố phải ở chợ phiên Bắc Hà, giữa đông vui nhộn nhịp mới thực là ngon và đúng với cái chất “cộng đồng” của món ăn này.

Tôi lân la bên chảo thắng cố bốc hơi nghi ngút, thơm 1 mùi thơm khiến người ta phải thèm ăn. Ông chủ là người đàn ông trung niên rất vui tính tên Thèn Văn Nùng. Thực khách ngồi ăn ngay tại chỗ quanh những cái bàn thấp tè. Anh Nùng “quảng bá”, cả chợ chỉ có hàng nhà anh chuyên thắng cố trâu, ăn nó ngọt hơn. Anh liến thoắng “chế biến thắng cố không có gì gọi là phức tạp. Thịt, xương, và cả “lục phủ ngũ tạng” được chặt ra thành từng miếng, cho vào một cái chảo gang, chất củi đun sôi sùng sục cho đến khi tất cả đều mềm, ngấm mùi gia vị”.

Chẳng cần bảng hiệu quảng cáo, chẳng cần mời chào, các hàng thắng cố lúc nào cũng đông, ồn ào. Tất nhiên, ăn thắng cố, nhất là đàn ông, không thể thiếu chén rượu uống cùng bạn bè. Anh Nguyễn Văn Hùng, quê tận Đà Nẵng lần đầu đến chợ phiên Bắc Hà đã kết ngay thắng cố: “Hương vị món thắng cố này không thể tả được, nó ngọt, thơm, lạ, có riêng hương vị Bắc Hà”.

Và không chỉ có khách du lịch chợ Bắc Hà mà hàng thắng cố còn là điểm đến của rất nhiều đàn ông, phụ nữ, con trẻ đến từ bản xa. Chỗ thì toàn đàn ông vui bạn bè, đãi đằng nhau. Chỗ thì cả gia đình vợ chồng con cái quây quần. Hai vợ chồng người Mông bán gà xong, dắt con vào hàng thắng cố. Chị vợ lấy túi mèn mén ra, mua bát thắng cố, chan vào, thế là cả nhà được bữa trưa ngon lành. Thắng cố không chỉ là món ngon, dân dã mà đó còn là cái cớ để anh em bạn bè tụ tập, hàn huyên.

Ưng cái bụng mới bán hàng

Đến các chợ phiên vùng cao, điều khiến tôi thích thú không chỉ là những âm thanh, sắc màu rất đặc trưng mà là cái cách mua bán của người miền núi. Chân chất, thân tình. Hiếm khi thấy người ta to tiếng, tranh mua tranh bán ở chợ.

Hàng thổ cẩm ở chợ phiên Bắc Hà được bày bán rất bắt mắt, bạn tha hồ xem, chọn lựa, nếu chả ưng cái nào cũng không sao, chị phụ nữ Mông tên Sùng Thị Mỷ bán thổ cẩm vẫn tươi cười. Thậm chí nếu bạn muốn biết quy trình làm nên tấm thổ cẩm đó ra sao, chị cũng sẵn lòng kể cho bạn nghe ngay lập tức! Dường như chị Mỷ không quan trọng lắm cái việc có bán được hàng hay không mà rất lấy làm hãnh diện vì có người thích tìm hiểu về đồ của dân tộc mình.

Câu chuyện giữa chúng tôi chốc chốc lại ngắt quãng vì có người mua hàng. Mua bán xong, lại chuyện. Bán được hàng không phải là mục đích quan trọng nhất ở những con người thuần phác này, mà cái chính là để vui với cảnh chợ, vui với cả khách mua. Không nhăn nhó, khó chịu vì bị làm phiền. Cho nên đôi khi chỉ cần đến chợ phiên Bắc Hà, bạn sẽ có được khá nhiều thông tin về cuộc sống bản làng. Và không chỉ được nghe kể, bạn còn được xem bà con người Mông, người Dao trực tiếp làm ra những sản phẩm thủ công ngay tại chợ.

Câu chuyện về một người đàn ông Mông đi bán mèo. Hỏi con mèo này có bắt chuột giỏi không? Anh thật thà: “Chuột thì không bắt đâu, nhưng gà thì cứ phát một, phát một”. Cứ theo thiển ý của tôi thì sau khi nghe nói vậy, chẳng còn ai muốn mua mèo của anh nữa. Nhưng người vùng cao là thế, có sao thì nói vậy.

Dạo khu chợ ngựa ở chợ phiên Bắc Hà, mới thấy đúng là chuyện bán mua ở đây thật lạ. Rõ là người đàn ông kia đã ưng ý con ngựa của anh Vàng Seo Pu, người Mông ở Bản Phố, đã quyết mua rồi, ngã giá rồi, đồng ý bán với giá chục triệu đồng rồi, vậy mà Vàng Seo Pu còn chần chừ mãi. Mua không được, ông kia bực tức bỏ đi. Tôi dò hỏi: “sao lại không bán?”, anh mới bộc bạch: “tự dưng thấy không thích bán ngựa cho nó”, thế thôi.

Thấy không thích thì không bán dù chỉ là linh cảm. Hóa ra là với người Mông, đi bán ngựa không phải chỉ cần tiền mà còn kén cả người mua theo kiểu: “ưng cái bụng mới bán hàng”. Người mua ngựa của mình có tử tế thì bán, không thì thôi. Chuyện bán mua ở chợ phiên Bắc Hà nhân văn là thế!

Chợ phiên Bắc Hà, ưng cái bụng mới bán hàng 2

Chợ phiên Bắc Hà, ưng cái bụng mới bán hàng 3

Chợ phiên Bắc Hà, ưng cái bụng mới bán hàng 4

Chợ phiên Bắc Hà, ưng cái bụng mới bán hàng 5

Chợ phiên Bắc Hà, ưng cái bụng mới bán hàng 6


TTXT du lịch Lào Cai

Mục lục

Du lịch Lào Cai
   (1) Du lịch Sapa
              - Bản Cát Cát của người H'Mông
              - Bản Tả Phìn của người Dao đỏ
              - Bản Tả Van của người Giáy
              - Nhà thờ đá Sapa
              - Núi Hàm Rồng Sapa
              - Cầu Mây Sapa
              - Bãi đá cổ Sapa
              - Thác Bạc Sapa
              - Đèo Ô Quy Hồ
              - Cáp treo Fansipan
              - Đỉnh Fansipan (leo núi)
   (2) Quanh Sapa
              - Chợ phiên Bắc Hà
              - Dinh Hoàng A Tưởng
              - Du lịch Y Tý