Địa điểm du lịch Kênh gym

Hội trường Thống Nhất - Dinh Độc Lập

Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập)

Hội trường Thống Nhất còn gọi là Dinh Thống Nhất hay Dinh Độc Lập ở TPHCM, là công trình kiến trúc được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây có ý nghĩa lịch sử văn hóa nổi bật, được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến như một địa điểm không thể thiếu khi đến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Hội trường này còn thể hiện nét kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam thời kỳ thập niên 60.


Kiến trúc Hội trường Thống Nhất

Theo lịch sử, Hội trường Thống Nhất được khởi công xây dựng ngày 01/7/1962 và khánh thành vào ngày 31/10/1966. Đây là công trình kiến trúc độc đáo do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, tuân theo một ý nghĩa văn hóa, nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ Phương Đông và cá tính của dân tộc, đồng thời kết hợp hài hòa với nghệ thuật kiến trúc hiện đại.

Toàn thể bình diện của Hội trường làm thành hình chữ CÁT ( 吉 ) có nghĩa là tốt lành, may mắn. Trung tâm là vị trí phòng Trình quốc thư. Lầu thượng là Tứ phương vô sự lâu, hình chữ KHẨU ( 口 ) để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Hình chữ KHẨU ( 口 ) có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG ( 中 ) như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên. Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM ( 三 ). Theo quan niệm dân chủ hữu tam viết nhân, viết minh, viết võ, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ. Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG ( 王 ), trên có kỳ đài làm thành nét chấm tạo hình chữ CHỦ ( 主 ) tượng trưng cho chủ quyền đất nước. Mặt trước Hội trường dinh Thống Nhất, toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính, cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ( 興 ) ý cầu chúc cho nước nhà được mãi hưng thịnh.

Sân trước của Hội trường là một thảm cỏ hình oval có đường kính 102m. Màu xanh của thảm cỏ tạo ra một cảm giác mát dịu cho khách ngay khi bước qua cổng. Ði vào bên trong Dinh Độc Lập, tất cả các đường nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng, các hành lang, đại sảnh, các phòng đều lấy câu chính đại quang minh làm gốc. Chạy dài theo suốt chiều ngang của đại sảnh là hồ nước hình bán nguyệt, có thả hoa sen và hoa súng dịu dàng.

Vẻ đẹp kiến trúc của Hội trường Thống Nhất TPHCM còn được thể hiện bởi bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao xung quanh lầu 2. Rèm hoa đá được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các cung điện Cố đô Huế, không chỉ làm tăng vẻ đẹp mà còn có tác dụng lấy ánh sáng mặt trời.

Diện tích dinh Độc Lập TPHCM lên đến 120.000m² (300m x 400m), được giới hạn bởi 4 trục đường chính:

- Ðường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở phía Ðông Bắc (mặt chính của Dinh)     
- Ðường Huyền Trân Công Chúa ở phía Tây Nam (mặt sau của Dinh)     
- Ðường Nguyễn Thị Minh Khai ở phía Tây Bắc (phía bên trái Dinh)     
- Ðường Nguyễn Du ở phía Ðông Nam (phía bên phải Dinh)

Khu nhà chính của Hội trường có hình chữ T, diện tích mặt bằng là 4.500m², cao 26m, nằm ở vị trí trung tâm của khu đất. Khu này gồm 03 tầng lầu, 02 gác lửng, 01 sân thượng, 01 tầng nền và tầng hầm. Tổng diện tích sử dụng là 20.000m² chia làm 95 phòng. Mỗi phòng có một chức năng riêng, kiến trúc và cách trang trí phù hợp với mục đích sử dụng của mỗi phòng. Sau 1975, khu nhà này tiếp tục được sử dụng một số phòng, còn lại để phục vụ du khách.

Ngoài các khu nhà trên, ở góc trái còn có một nhà bát giác đường kính 4m, xây trên một gò đất cao, xung quanh không xây tường, mái ngói cong cổ kính làm nơi hóng mát, thư giãn. Khu di tích Dinh Độc Lập có gì nữa, đó là những bãi cỏ xanh mướt, vườn cây cổ thụ, những chậu kiểng quý và 04 sân tennis sau khu nhà chính.


Tham quan Hội trường Thống Nhất

Hàng năm, khu di tích Hội trường Thống Nhất thường đón gần một triệu khách tham quan trong và ngoài nước. Đó là một con số rất lớn đối với các bảo tàng, di tích hiện nay ở nước ta. Để đáp ứng thị hiếu của du khách, ban quản lý di tích đã cải thiện đáng kể cách thức hoạt động và hướng dẫn khách tham quan, hướng đến cung cấp thông tin để khách có thể tự đọc, tự khám phá.

- Ban quản lý Hội trường Thống Nhất đã xác định từng vị trí cần thông tin như Phòng Khánh tiết, Phòng Trình quốc thư, Phòng Tổng thống hay vị trí cắm cờ tại Dinh ngày 30/4/1975. Mỗi vị trí tương ứng với một bảng giới thiệu gồm ba ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp với nội dung được biên soạn cô đọng, súc tích, chính xác. Mỗi bảng có một tấm ảnh được chọn lọc kỹ càng phản ánh lịch sử chân thực và sinh động.

- Toàn bộ lộ trình tham quan Hội trường được dẫn dắt bằng 35 bảng giới thiệu thiết kế chuyên nghiệp, bố cục hài hòa, màu đỏ bắt mắt, cỡ chữ phù hợp. Cùng với các bảng này là các biển hướng dẫn lối đi để khách có thể tự di chuyển dễ dàng từ phòng này đến phòng khác, từ tầng dưới lên tầng trên và ngược lại. Chính mô hình này đã góp phần tạo thêm sự hấp dẫn cho khu di tích.


* Địa chỉ Hội trường Thống Nhất ở đâu : 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM.
- Dinh Độc Lập giờ mở cửa : Sáng từ 7h30 - 11h00, chiều 13h00 - 16h00 hàng ngày (kể cả thứ 7, CN và lễ tết).
- Dinh Độc Lập giá vé 2015 : Người lớn - 30.000đ/vé, Sinh viên - 15.000đ/vé, Học sinh (từ 6 đến 17 tuổi) - 5.000đ/vé.
Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) - bài trí đẹp
Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) - bài trí đẹp
Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) - xe tăng
Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) - xe tăng
Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) - trang nhã
Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) - trang nhã

Mục lục

Du lịch TPHCM
          - Chợ Bến Thành & Chợ đêm Bến Thành
          - Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
          - Hội trường Thống Nhất
          - Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
          - Khu du lịch Đầm Sen
          - Khu du lịch Suối Tiên
          - Khu du lịch Bình Quới
          - Thảo Cầm Viên Sài Gòn
          - Địa đạo Củ Chi
          - Rừng ngập mặn Cần Giờ