Địa điểm du lịch Kênh gym

Hồ Tây, quản lý và khai thác xứng với tiềm năng

18/08/2016 - 3519 view
Hồ Tây, quản lý và khai thác xứng với tiềm năng

Quản lý và khai thác hiệu quả hồ Tây (Hà Nội) là một trong những nội dung trọng tâm được Đảng bộ quận Tây Hồ tiếp tục xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020. Từ đầu năm đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận, nhiều phần việc đã được triển khai nhằm hướng tới mục tiêu đưa hồ Tây trở thành một trong những danh thắng nổi bật của Thủ đô.

Chưa xứng với tiềm năng

Hồ Tây trong tâm thức người Hà Nội luôn là một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng. Cùng với diện tích mặt nước rộng lớn (526ha, chu vi hơn 18km), hồ Tây có tính đa dạng sinh học cao. Giá trị của hồ Tây còn nằm ở việc xung quanh hồ có tới 64 di tích, trong đó có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với giá trị văn hóa, lịch sử cao như: Chùa Trấn Quốc, đình Yên Phụ, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ... Bên hồ Tây còn có nhiều làng nghề nổi tiếng từ xa xưa như nghề làm giấy ở An Thái, Bưởi, nghề nuôi tằm ở Nhật Chiêu, nghề đúc đồng ở Ngũ Xã...

Việc quản lý và khai thác hồ Tây những năm qua ngày một hiệu quả, đặc biệt là từ nhiệm kỳ 2010-2015 khi Quận ủy Tây Hồ ban hành và thực hiện một chương trình riêng nhằm tăng cường quản lý và khai thác hồ Tây, Hà Nội. Tuyến đường ven hồ dài hơn 18km được hoàn thành đã tạo bước đột phá về cảnh quan. Vườn hoa, cây xanh xung quanh cũng được chú trọng chăm lo. Thực hiện chỉ đạo của Quận ủy, nhiều phường ven hồ triển khai các sáng kiến xây dựng nếp sống văn hóa dân cư góp phần bảo vệ môi trường nơi đây. Nhằm phát triển du lịch gắn với hồ, Quận ủy đã chỉ đạo thực hiện kiểm kê, lập lý lịch các hiện vật, cổ vật trong các di tích lịch sử, văn hóa; phát động nhân dân phấn đấu xây dựng mô hình “Phường văn hóa”... Việc triển khai trông giữ xe miễn phí ở những di tích xung quanh hồ Tây như phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc mà quận chỉ đạo vừa qua thực sự là nét mới, rất được lòng người dân...

Tuy nhiên, việc quản lý và khai thác hồ Tây vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhất là việc phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng. Vấn đề môi trường nước hồ đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ và lâu dài. Đây cũng là câu chuyện đã được Đảng bộ quận Tây Hồ xác định và đưa ra những giải pháp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ V nêu rõ trong mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ mới là “quản lý và khai thác có hiệu quả hồ Tây và các vùng phụ cận”. Một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ mới cũng được xác định là “Tập trung công tác quản lý và khai thác có hiệu quả hồ Tây và các vùng phụ cận; xây dựng và phát triển đô thị theo hướng Xanh - Văn minh - Hiện đại gắn với bảo vệ môi trường”.

Triển khai nhiều nhiệm vụ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Quận ủy Tây Hồ đã ban hành Chương trình 02-CTr/QUTH về việc “Quản lý, khai thác hồ Tây và các vùng phụ cận gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2015-2020”. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, quận cũng đã triển khai các đề án cụ thể hóa như: “Phát triển trồng sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh hồ Tây”, “Phát triển dịch vụ câu cá giải trí tại hồ Ao Vả”, “Phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch trên mặt nước và xung quanh hồ Tây”...

Các cây trồng truyền thống gắn với hồ Tây cũng được đưa vào chương trình phát triển với quy mô: Khoảng 16ha trồng sen, 15ha trồng quất, 57ha trồng đào. Quận cũng đã xây dựng 8 điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn như: điểm du lịch “Thưởng thức trà sen Quảng An”, điểm du lịch “Hồ bơi Quảng Bá”, điểm du lịch “Cụm di tích đình, chùa Võng Thị và mô hình sản xuất Làng nghề giấy dó”, điểm du lịch “Thuyền buồm trên hồ Tây”... Tới đây, quận sẽ triển khai các dự án cải tạo lòng hồ Tây.

Theo Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Thắng, trong thời gian tới, quận sẽ học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc ứng dụng công nghệ 3D để quản lý, phát huy giá trị của những di tích, hiện vật văn hóa trên địa bàn và quảng bá trên trang thông tin điện tử của quận. Trước mắt, trong những tháng cuối năm, quận sẽ tiếp tục thực hiện xã hội hóa lắp đặt thiết bị thể dục, thể thao ngoài trời tại các vườn hoa xung quanh hồ Tây, cùng với việc duy trì các hạng mục cây xanh, chiếu sáng, tạo cảnh quan cho vùng ven hồ. Trong năm 2016, quận tiếp tục xây dựng các phường Bưởi, Phú Thượng, Xuân La, Thụy Khuê trở thành “Phường văn hóa”, đồng thời triển khai xây dựng các phường đạt chuẩn “Văn minh đô thị”.

Quận Tây Hồ đang thể hiện quyết tâm quản lý và khai thác “hòn ngọc quý” hồ Tây (Hà Nội) xứng với tiềm năng bằng các giải pháp khá toàn diện. Điều quan trọng hiện nay là huy động đầy đủ nguồn lực về con người, về tài chính để biến ý tưởng thành hiện thực, sao cho hồ Tây trở thành danh thắng thực sự có sức hút nổi bật, tạo nguồn lợi về kinh tế du lịch, dịch vụ cho Thủ đô.

TTXT du lịch Hà Nội

Mục lục

Du lịch Hà Nội
          - Hồ Hoàn Kiếm
          - Phố cổ Hà Nội
          - Văn Miếu Quốc Tử Giám
          - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
          - Chùa Một Cột
          - Lăng Bác Hồ
          - Hồ Tây
          - Làng lụa Vạn Phúc
          - Làng gốm Bát Tràng
          - Vườn quốc gia Ba Vì