Triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986 - 2016) đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) là dịp để giới nghệ thuật tạo hình và công chúng tụ hội, nhìn vào đời sống mỹ thuật Việt Nam trong một quãng thời gian đầy chuyển biến sôi động, hội nhập của đất nước. Một thế hệ tác giả thời kỳ đổi mới đã hình thành và tạo nên diện mạo mỹ thuật hôm nay, đa dạng về xu hướng và phong cách, mang đậm dấu ấn cá nhân.
“Mở cửa” - một góc nhìn đổi mới
Trong 30 năm qua, có không ít triển lãm định kỳ tôn vinh các nghệ sĩ tạo hình được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, như: Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (5 năm 1 lần), Triển lãm Điêu khắc toàn quốc (10 năm 1 lần), Festival Mỹ thuật trẻ (3 năm 1 lần)... Nhưng, đây là triển lãm chính thống đầu tiên do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức để vinh danh một thế hệ nghệ sĩ đổi mới của mỹ thuật Việt Nam. 3 giám tuyển là cán bộ của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm đã lên phương án, đề cử nghệ sĩ và lựa chọn 50 người theo tiêu chí: Tư duy sáng tạo mới dấu ấn và bản sắc cá nhân. Họ cũng để cho nghệ sĩ tự chọn tranh tiêu biểu của mình tham gia theo “mạch đổi mới”.
Hiếm có triển lãm mỹ thuật nào tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ hôm mở cửa đến nay luôn đón lượng người thưởng lãm đông đảo, nhiều thành phần đến vậy và sự phản hồi cũng khá tích cực. Ở đây, diện mạo mỹ thuật thời kỳ đổi mới hiện lên rõ rệt với đầy đủ các khuynh hướng trước đây khá vắng lặng, có trừu tượng, có biểu hiện, có siêu thực, có lập thể, có sắp đặt... Cuộc gặp gỡ này, 50 tên tuổi nghệ sĩ đều để lại dấu ấn trên chặng đường nghệ thuật, trong đó đến 90% là nghệ sĩ hoạt động tự do. Có cố họa sĩ Vũ Dân Tân - một trong những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên thực hành nghệ thuật đương đại, còn ít được biết tới tại nước nhà. Có các nghệ sĩ ở Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh đến góp mặt. Có thế hệ “vàng” làm nên bước chuyển mình của điêu khắc Việt Nam cuối thế kỷ trước. Có những nữ họa sĩ táo bạo trong ngôn ngữ biểu hiện như: Ly Hoàng Ly, Đinh Thị Thắm Poong, Lý Trần Quỳnh Giang... Đây cũng là triển lãm mà mỗi bức tranh là tiếng nói của chính tác giả, thể hiện sự chủ động và tư duy mới mẻ của họ. Chẳng hạn như họa sĩ Thành Chương với tác phẩm sơn mài “Tuổi thơ tôi” đi ngược lại tất cả những điều cấm kỵ theo quan niệm trước đó... Chỉ nói riêng về các tác phẩm hội họa thì ở đây, chất liệu lụa hoàn toàn vắng bóng, sơn mài cũng ít hẳn, thay vào đó là sơn dầu rồi arcrylic. Đây chính là câu chuyện của thời “mở cửa”, cho nghệ sĩ tiếp cận với mọi chất liệu thịnh hành ở khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, triển lãm “Mở cửa” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chưa hẳn đã toàn diện, thiếu vắng một số gương mặt rất xứng đáng. Nhưng nói như nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: “Một vấn đề lớn, một quá trình phong phú và phức tạp của mỹ thuật 30 năm không thể nào gói gọn đủ trong một triển lãm. Đây chỉ là một góc nhìn sáng giá, tiêu biểu và đầy giá trị thẩm mỹ tạo nên đột phá cho đời sống mỹ thuật”.
Tấm gương phản chiếu xã hội
Từ triển lãm “Mở cửa” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhìn rộng ra mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, có thể nói đây là giai đoạn sôi động, nhiều dấu ấn cá nhân nhất từ trước đến nay. Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho rằng: “Mỹ thuật Việt Nam 30 năm qua đã đảm đương, định hình phong cách, cách nhìn mới phù hợp, song hành cùng công cuộc đổi mới đất nước”.
Mở cửa, nghệ sĩ tiếp cận được nhiều luồng thông tin, trong tay họ đã có những tạp chí mỹ thuật từ phương Tây hiện đại, với những hình thức mới mẻ, khác lạ. Mà bản thân nghệ sĩ tạo hình, với những khát khao muôn thuở là tìm tòi, sáng tạo, làm mới mình đã nắm bắt rất nhanh. “Dễ nhận diện nhất là số lượng nghệ sĩ tạo hình đông đảo hơn, mang nhiều ngôn ngữ biểu hiện hơn hiện thực chủ nghĩa và đề tài họ phản ánh không chỉ bó hẹp ở chiến tranh cách mạng như trước năm 1986” - họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định. Ở các gallery, triển lãm mọc lên dần trong thời kỳ này, xuất hiện các tác phẩm với nhiều ngôn ngữ từ trừu tượng, lập thể, siêu thực, cực thực, đến sắp đặt, trình diễn rồi video art. Tác phẩm đó không còn chuyên là sự “đặt hàng” nữa mà tự thân nghệ sĩ sáng tác với nhu cầu trao đổi, bộc lộ nên đề tài rộng mở hơn rất nhiều, “chạm” đến những vấn đề nóng của đời sống, xã hội, trong đó có cả những thách thức của phát triển, hội nhập.
Trong bối cảnh nghệ thuật thế giới rộng lớn, giai đoạn này cũng là lần đầu tiên câu chuyện mỹ thuật Việt Nam song song với câu chuyện mỹ thuật chung của tất cả các quốc gia khác. Thế nên, công chúng nước nhà đã được thụ hưởng những tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam cũng như của các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam giao lưu, sáng tác, thực hành nghệ thuật. Điều ấy góp phần tạo sự đa dạng, hòa nhập nhanh và mạnh mẽ của mỹ thuật Việt Nam với thế giới.
Họa sĩ Phạm Hà Hải, chuyên viên Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, một trong 3 giám tuyển của triển lãm “Mở cửa” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Dù có sáng tạo bằng ngôn ngữ nào, thể hiện cái tôi cá nhân rõ rệt hơn thì tổng thể mỹ thuật hôm nay của Việt Nam cũng là tấm gương phản chiếu của xã hội đương thời. Một khía cạnh khác góp phần làm nên bản sắc của mỹ thuật Việt Nam với thế giới hội nhập là giữ gìn văn hóa truyền thống. Theo họa sĩ Phạm Hà Hải, đa phần nghệ sĩ tạo hình của Việt Nam coi truyền thống là điểm tiếp sức và là kho tàng nghiên cứu, phát triển tác phẩm của mình ngay trong thời kỳ mới. Vì thế, những tác phẩm nghệ thuật tạo hình gần đây, dù bằng hình thức mới nhưng vẫn thấy cốt lõi, tinh thần truyền thống và sự đối thoại với truyền thống.
PGS-NGND Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Các nghệ sĩ tạo hình của Việt Nam đổi mới từ rất sớm, chỉ có điều khi đất nước mở cửa mới tạo một bầu không khí thoáng đạt để họ có cơ hội bộc lộ. Vì thế, sự bung tỏa và khởi sắc của mỹ thuật Việt Nam càng dễ nhận thấy hơn.
Họa sĩ Thành Chương: Trong 7 môn nghệ thuật thì mỹ thuật là loại hình độc lập, mang đậm dấu ấn cá nhân nhất. Đó cũng là thách thức cho nghệ sĩ khi bước vào thời kỳ mở cửa, làm sao để tác phẩm của mình mang hồn cốt của dân tộc, không bị lẫn với bất cứ quốc gia nào, lại có tính hội nhập, không bị dị biệt với ngôn ngữ tạo hình thế giới. Điều này, phần lớn các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã làm được.
Qua triển lãm “Mở cửa” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần này, nhìn lại một chặng đường nghệ thuật tạo hình có thể nói là đáng tự hào khi mỹ thuật Việt Nam có những đổi mới, phát triển rõ rệt. Đây hẳn sẽ là sự tiếp đà mạnh mẽ để mỹ thuật tiếp tục hướng đến những chân trời mới, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam hội nhập với thế giới... Triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986 - 2016) sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 29/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).
TTXT du lịch Hà Nội