Địa điểm du lịch Kênh gym

Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - Bình Định

Ghềnh Ráng Tiên Sa

Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa (Quy Nhơn, Bình Định) toát lên vẻ đẹp từ sự hòa quyện tuyệt vời giữa trời mây non nước hữu tình, với một bên là biển cả mênh mông, một bên là núi đá muôn hình vạn trạng. Địa danh này còn nổi tiếng hơn khi là nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử đã sống những năm tháng cuối đời giông bão, mà vẫn viết nên những áng thơ bất hủ như được tiếp thêm cảm hứng từ cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.


Truyền thuyết Ghềnh Ráng Tiên Sa

Tương truyền rằng ngày xưa, ở Bồng Sơn có người con gái đẹp nổi tiếng nết na thùy mị. Hàng ngày, cô chăm lo việc đồng áng, nhà cửa và chăm sóc mẹ cha. Cô đã đem lòng yêu một chàng trai cùng làng. Những đêm trăng sáng, dưới bóng dừa thơ mộng bên bờ Lại Giang, đôi bên đã nặng lời thề ước.

Sắc đẹp của cô đã làm viên quan huyện cùng làng mê say. Hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách chiếm đoạt nàng. Để giữ trọn lòng chung thủy với người yêu, cô khóc lạy cha mẹ, từ biệt chàng trai, bỏ làng trốn vào Quy Nhơn. Biết tin, viên quan huyện lập tức sai tùy tùng đuổi theo. Tới Gành Ráng thì trời nổi giông bão, cô gái biến mất trong đêm mưa gió tầm tã. Bọn chúng lùng sục khắp nơi nhưng không tìm ra dấu vết gì nên cho rằng cô gái đã liều mình nhảy xuống biển, đành tức tối trở về chịu tội với quan trên.

Chàng trai mất người yêu, cố sức kiếm tìm. Anh leo hết tảng đá này đến núi đá khác cất tiếng gọi nàng. Tiếng anh tha thiết vang động khắp núi rừng và biển cả, nhưng trong đêm tối, anh chỉ thấy hình bóng người yêu thấp thoáng ẩn hiện, khi tha thướt trên rừng, khi nhấp nhô theo sóng biển như tiếc thương, vẫy gọi... Câu chuyện đượm màu huyền thoại và đậm chất nhân văn ấy đã ghép cho Gành Ráng thêm hai chữ Tiên Sa.


Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa

Tổng thể khu du lịch Ghềnh Ráng Quy Nhơn là núi Xuân Vân có diện tích khoảng 168ha, đỉnh cao khoảng 242m. Từ lâu, vùng đất này đã được xếp vào hàng “đệ nhất” trong các danh thắng ở Bình Định, dân gian đến nay vẫn truyền tụng “Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát/ Bãi Quy Nhơn mịn cát dễ đi/ Phương Mai Gành Ráng tương tri/ Ngâm câu thủy tú sơn kỳ thảnh thơi”. Năm 1927, Gành Ráng đã được vua Bảo Đại cùng Nam Phương Hoàng hậu chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Từ năm 1991, nơi đây đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Hình ảnh Ghềnh Ráng Tiên Sa như một tác phẩm nghệ thuật do thiên nhiên xếp bày với quần thể sơn thạch chạy dài sát biển, đá chồng lên nhau, đuổi theo nhau tạo thành gành, thành rạn với nhiều hình thù gợi cảm. Đứng từ khu du lịch Ghềnh Ráng Bình Định, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn rộng cả bốn bề. Phía Tây nam núi xanh trùng điệp như muốn vươn tận trời cao. Phía Bắc là thành phố Quy Nhơn sầm uất. Quay mặt ra hướng Đông là biển xanh bao la, ôm lấy dải cát vàng, cong cong như trăng lưỡi liềm mùa hạ. Xa xa về hướng Đông bắc là bán đảo Phương Mai án ngữ cửa Thị Nại như một tấm bình phong khổng lồ...

Điểm nhấn độc đáo ở đây là bãi Trứng Ghềnh Ráng hay còn gọi bãi tắm Hoàng Hậu, nơi du khách sẽ có cảm giác lạ lẫm khi bước chân trần lên những viên đá tròn, nhẵn như trứng chim khổng lồ chất chồng bờ biển. Hai bên Bãi Trứng, ghềnh đá nhô cao như những chàng vệ sĩ hứng tấm lưng trần che chắn những đợt sóng xô bờ, tung bọt trắng xóa. Bên cạnh đó du khách sẽ bắt gặp hình ảnh thân quen của hòn vọng phu với tác phẩm Hòn Chồng, nhìn chênh vênh nhưng vẫn đứng đó tự bao đời. Đi hết bờ đá, trước mắt du khách sẽ hiện ra bãi cát vàng mịn và làn nước trong xanh gợn sóng, đó chính là bãi tắm Tiên Sa Quy Nhơn đậm màu cổ tích, điểm tô hàng thông xanh rì rào theo gió.

Cao cao phía trên bãi biển Hoàng Hậu là đồi Thi Nhân tĩnh lặng. Vượt dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường bậc đá trên đồi, giữa khuôn viên rừng dương thoáng mát là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra biển. Đường vào mộ xây thành bậc đá, lấy ý tưởng từ ca từ trong bài hát “Hàn Mặc Tử” với “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa”. Bên phải mộ Hàn trồng 7 cây cau, bên trái trồng 9 cây hàm ý từ bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ”. Mộ Hàn đặt chính giữa vầng trăng khuyết. Tất cả khung cảnh, từ cây phượng vĩ, hàng cau, bậc đá... đều như mang theo trong đó, một góc tâm hồn thi nhân Hàn Mặc Tử tài hoa.

Khu du lịch Ghềnh Ráng có gì nữa, đó là bạn được xem khắc thơ bằng nghệ thuật bút lửa trên những miếng gỗ thông còn thơm mùi nhựa, hay ghé thăm khu làng nghề, nhà hàng ăn uống, quầy lưu niệm... Hàng năm, vào ngày Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng Âm lịch), khu Ghềnh Ráng mộ Hàn Mặc Tử lại tổ chức hội thơ để vừa tưởng nhớ: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên, Xuân Diệu..., vừa vinh danh những tài năng thơ phú của tỉnh nhà.

* Giá vé khu du lịch Ghềnh Ráng Hàn Mặc Tử : hiện miễn phí vào cổng tham quan.
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - bãi đá trứng
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - bãi đá trứng
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - bãi hoàng hậu
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - bãi hoàng hậu
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - đồi thi nhân
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - đồi thi nhân
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - mộ Hàn Mặc Tử
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - mộ Hàn Mặc Tử
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - nghệ thuật bút lửa
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - nghệ thuật bút lửa
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - làng nghề
Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa - làng nghề

Mục lục

Du lịch Bình Định
          - Hầm Hô
          - Tháp đôi Quy Nhơn
          - Suối nước nóng Hội Vân
          - Thành Hoàng Đế
          - Tháp Cánh Tiên
          - Chùa Thập Tháp
          - Khu du lịch Ghềnh Ráng