Địa điểm du lịch Kênh gym

Thành Hoàng Đế, khai quật khảo cổ lần 5

04/04/2012 - 2085 view
Thành Hoàng Đế, khai quật khảo cổ lần 5

Thành Hoàng Đế (Bình Định) hai lần là kinh đô của hai tộc người, hai triều đại, trong hai thời kỳ lịch sử khác nhau. Do vậy, dù được khai quật khảo cổ nhiều lần, những tồn nghi quanh di tích này vẫn nối dài. Mới đây, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch mời Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật Thành Hoàng Đế lần thứ 5 với mục tiêu cụ thể: Xác định không gian “Tử thành” (thành con) để phục vụ công tác trùng tu tôn tạo.

Trải qua bao cuộc biển dâu, việc bóc tách Thành Hoàng Đế để phân biệt đâu là thành của người Chăm, đâu là của nhà Tây Sơn và đâu là của nhà Nguyễn là vấn đề không đơn giản, do đó tồn nghi nối tiếp tồn nghi.

Năm 1986, GS Phan Huy Lê cùng một số nghiên cứu sinh Đại học Tổng Hợp Hà Nội khảo sát thực địa di tích Thành Hoàng Đế và công bố 3 vòng thành: Thành Ngoại, thành Nội và Tử Cấm Thành. Trong đó, Tử Cấm Thành có cấu trúc hình chữ nhật, dài 174m, rộng 126m (khuôn viên Lăng Võ Tánh hiện nay).

TS. Lê Đình Phụng - Viện khảo cổ học Việt Nam, người chủ trì 4 đợt khai quật khảo cổ Thành Hoàng Đế cũng xác định có 3 vòng thành: thành Ngoại, thành Nội và Tử Cấm Thành. Tuy nhiên Tử Cấm Thành có chiều dài 321m. Bởi vì dấu tích thành Đông và thành Tây Tử Cấm Thành nối dài ra phía Bắc. Mặt khác, thành Bắc Tử Cấm Thành (theo GS. Phan Huy Lê) và là tường Bắc lăng Võ Tánh hiện nay, xây sau thành Đông và thành Tây vì tường Bắc xây tiếp giáp với tường Đông và Tây bằng kỹ thuật gối đầu (không câu neo), kỹ thuật xây ghép đá ong thành Bắc khác thành Đông và thành Tây. Và TS. Lê Đình Phụng xác định thành Bắc Tử Cấm Thành là bờ Bắc thành Nội theo xác định của GS. Phan Huy Lê.

Năm 2009, Viện khoa học Công nghệ xây dựng phối hợp với Ban Quản lý di tích tỉnh đào thám sát kiểm tra các thông số kỹ thuật để lập thiết kế trùng tu Tử Cấm Thành của Thành Hoàng Đế, kết quả cho thấy: Bờ thành Bắc Tử Cấm Thành theo công bố của TS. Lê Đình Phụng không nối với thành Đông và còn kéo dài về phía Đông, kích thước đá ong và tường thành Bắc đều lớn hơn kích thước đá ong và tường thành Đông và Tây hiện còn.

Vừa qua, trong quá trình phục hồi tường Đông, Tây và Nam Tử Cấm Thành của Thành Hoàng Đế (theo xác định của GS. Phan Huy Lê) đã phát hiện bờ tường Nam nối với tường Đông và tường Tây cũng xây gối đầu (không câu neo) và tường Nam cũng nối dài ta ngoài tường Đông và tường Tây hiện còn, kích thước tường Nam được phục hồi theo dấu tích chân tường hiện còn, có chiều rộng nhỏ hơn tường Đông và tường Tây.

Điều đáng lưu ý ở đây là tất cả các tư liệu lịch sử để lại không có tài liệu nào nói cấu trúc Thành Hoàng Đế có 3 vòng thành là: thành Ngoại, thành Nội và Tử Cấm Thành. Tòa thành được sơn màu tím (tử) là nơi cấm địa, nên gọi là Tử Cấm Thành.

Trong Đồ Bàn Thành Ký của Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển ghi về Thành Hoàng Đế như sau: “...thành nội trúc tử thành...”, tạm dịch: “bên trong thành xây thành con”. Chữ “tử” ở đây nghĩa là “con”, chứ không phải tử là “màu tím”. Trong sách: Thành Hoàng Đế - kinh đô vương triều Tây Sơn, trang 154, TS. Lê Đình Phụng viết: “Về thành Hoàng Đế qua ghi chép của sử liệu (Đồ Bàn Thành Ký) cho thấy kinh đô vương triều Tây Sơn có 3 lớp vòng thành: Thành Ngoài, thành Trong (gọi là thành Nội), và thành Con (sau này gọi là Tử Cấm Thành)”.

Qua những tư liệu lịch sử viết về thành Đồ Bàn - thành Hoàng Đế nêu trên và những phát hiện mới những năm vừa qua, trong quá trình khai quật khảo cổ và phục hồi tường thành cho thấy rằng: Công bố của GS. Phan Huy Lê và TS. Lê Đình Phụng xác định về cấu trúc cũng như không gian của 3 vòng thành còn nhiều điều tồn nghi. Hy vọng những cuộc khai quật tới đây sẽ cung cấp thêm nhiều cứ liệu khoa học giúp chúng ta hình dung rõ ràng hơn về tòa thành cổ nhiều bí ẩn này.

TTXT du lịch Bình Định

Mục lục

Du lịch Bình Định
          - Hầm Hô
          - Tháp đôi Quy Nhơn
          - Suối nước nóng Hội Vân
          - Thành Hoàng Đế
          - Tháp Cánh Tiên
          - Chùa Thập Tháp
          - Khu du lịch Ghềnh Ráng