Nằm dưới chân đèo Khau Phạ được xếp thứ 2 trong Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc, 9 bản làng đồng bào Thái, Mông của xã Cao Phạ nằm gọn trong lòng một bình nguyên xanh với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Sự đầu tư của Nhà nước đang làm hồi sinh cuộc sống mới, hồi sinh nội lực thoát nghèo của những người dân một thời chìm trong cái khổ.
Đèo Khau Phạ có nghĩa là “sừng trời”. Gọi thế cũng không quá bởi con đèo này không chỉ mang trong nó sự kỳ vĩ của thiên nhiên, nơi linh thiêng để người dân bản địa khấn Giàng, mà còn bởi vùng đất này sở hữu vẻ đẹp mê hoặc của danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Chính lợi thế địa hình kỳ vĩ, hiểm trở, mây gió đặc quánh bốn mùa mà đèo Khau Phạ đã ghi dấu ấn trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Trong thời kỳ kháng chiến, vùng đất này nổi tiếng với Đội du kích Khau Phạ do các tộc trưởng người Mông - Lý Nủ Chu, Giàng Sống Tu đứng đầu, "xuất quỷ nhập thần" liên tục đánh chặn các cuộc hành quân của địch từ Nghĩa Lộ đi Lai Châu, Lào Cai và ngược lại, bằng súng kíp và bẫy đá, khiến địch hãi hùng, kiêng nể, gọi họ là "những chiến binh mây mù".
Dưới chân đèo Khau Phạ hôm nay là cuộc sống thanh bình của gần 900 hộ đồng bào Mông, Thái. Nếp sống xưa, phong tục cũ vẫn được những tộc người ở đây gìn giữ, có khác là diện mạo nông thôn miền núi đã thay da đổi thịt với điện, đường, trường, trạm được Nhà nước quan tâm đầu tư ngày càng khang trang hơn, bề thế hơn.
Những bản làng của người Thái san sát nhau tựa chân đồi, ven suối. Bản Lìm Mông và những bản làng của người Mông cao hơn trên những triền ruộng bậc thang lưng trời. Đoạn tuyệt với cây thuốc phiện, bỏ dần những hủ tục trong đám cưới, đám tang gây tốn kém tiền bạc, thời gian để xây dựng đời sống tiến bộ, văn minh. Người Thái, Mông đã biết đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu trở thành cây lương thực chính để thoát nghèo.
Hàng năm, xã Cao Phạ gieo trồng trên 400ha lúa nước, 100ha ngô, 45ha đậu tương, 50ha sắn, trên 100ha cây thảo quả và gần 30ha các loại cây trồng khác như đao riềng, khoai lang, khoai sọ, bí, bầu, chăm sóc đàn gia súc trên 3 nghìn con. Không ít gia đình người Mông, người Thái đã biết làm kinh tế, có bát ăn bát để, hộ đói ở Cao Phạ giảm còn 209 hộ.
Từ cuối năm 2011, bản định cư mới của xã đã được lập nên. 30 hộ đồng bào Mông, Thái ở 4 bản: Ngàn Thầu, Nả Đở, Lìm Thái và Lìm Mông đã định cư tại đây. Đây là những hộ nghèo, nằm trong vùng nguy cơ dễ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn. Cuộc sống mới tuy còn thiếu thốn do đất sản xuất ít, xa nương đồi canh tác cũ nhưng nếp sinh hoạt, lao động sản xuất thường ngày đã đi vào ổn định. Cái đói, cái nghèo nơi “sừng trời” đèo Khau Phạ dần được đẩy lùi.
Cao Phạ đang hồi sinh cùng với các chính sách quan tâm đầu tư đặc biệt cho đồng bào dân tộc của Nhà nước và của tỉnh để đèo Khau Phạ xứng danh là Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc, sớm trở thành điểm du lịch hấp dẫn, níu chân du khách.
TTXT du lịch Yên Bái