Địa điểm du lịch Kênh gym

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Yên Bái

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải như những đợt “sóng vàng” uốn lượn khắp sườn đồi, lớp nọ gối tiếp lớp kia bất tận, trải rộng trên diện tích khoảng 3.500ha. Trong đó, 500ha phân bố tại 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã được công nhận Di tích Danh thắng cấp quốc gia từ năm 2007.


Đặc điểm ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Nằm ở sườn Tây Nam của dãy Hoàng Liên Sơn, có độ cao trung bình trên 1000m so với mực nước biển, ruộng bậc thang Mù Cang Chải chính là thành quả hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở vùng cao. Những kinh nghiệm lâu đời và sự sáng tạo của họ được thể hiện rõ nét từ việc lựa chọn vùng đất, tới quá trình khai khẩn công phu, hình thành nên phương thức canh tác nông nghiệp kết hợp nhuần nhuyễn giữa nương rẫy và ruộng nước.

- Do địa hình dốc lớn, các thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải có chiều ngang hẹp, nên độ chênh từ thửa ruộng trên với thửa ruộng dưới chỉ từ 1m đến 1.5m, trong khi đòi hỏi mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân lúa phải đồng đều, sao cho khi có nước vào thì mỗi bậc thang đều cân bằng. Vì vậy, khi san ruộng, người Mông dùng cuốc bướm cào thành bờ đất, dùng chân dẫm và dùng gáy cuốc đập mạnh để nén chặt bờ, tạo ra các đường vân mềm mại.

- Các điểm đón nước cho ruộng bậc thang Mù Cang Chải được lấy từ các nguồn khe phía trên, nếu cần vượt qua những điểm trũng thì người Mông dùng cây to bổ đôi, khoét ruột làm máng dẫn nước. Việc sẻ nước từ bờ trên xuống bờ dưới cũng theo cách không nối liền mạch (tức là thửa đầu sẻ ở đầu bờ, thì thửa dưới phải sẻ ở giữa bờ, thửa kế tiếp sẻ ở cuối bờ) nhằm hạn chế tối đa khi có mưa lũ tạo dòng chảy mạnh gây vỡ bờ và rửa trôi hết độ màu của đất.

- Và để tạo sự đồng mức cho từng mảnh ruộng, người Mông dùng nước làm thành một đường cân bằng, chỗ gồ ghề thì dùng cuốc bướm cào bằng thêm, chỗ cao thì san bớt lên bờ, vì vậy các thửa ruộng quanh quả đồi đều có mực nước và độ cao giống nhau, tạo thành các bậc thang đều khắp núi đồi...

Những công việc này được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, dần phát triển thành một vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải rộng lớn tựa như tuyệt tác nghệ thuật quanh đồi núi. Những “mâm xôi vàng”, “mâm xôi xanh” hiện lên kỳ vĩ giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc như để dâng lên trời đất, và thể hiện cuộc sống ấm no của đồng bào.


Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Hàng năm, Tuần Văn hóa - Du lịch Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức vào mùa lúa chín (tầm tháng 9), bà con các dân tộc lại cùng nhau xuống núi trảy hội, gặp gỡ giao lưu. Du khách trong và ngoài nước cũng tề tựu về đây chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang khoe sắc vàng rực rỡ, và tham gia chuỗi các sự kiện văn hóa đặc sắc như: phiên chợ vùng cao, triển lãm ảnh ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, hội thi giã bánh dày, khèn Mông, chọi dê... và các môn thể thao dân tộc như: tung còn, ném pao, đánh quay, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy...

- Du lịch sinh thái sẽ có các hoạt động: chinh phục đỉnh núi Púng Luông, khảo sát bãi đá cổ xã Lao Chải, khám phá rừng nguyên sinh Chế Tạo, Thác Mơ 3 tầng (xã Mồ Dề), suối nước nóng và hang động ở Nậm Khắt, rừng chè cổ thụ La Pán Tẩn. Đặc biệt, những năm gần đây còn có trình diễn bay dù lượn tại 3 điểm dừng chân trên đèo Khau Phạ, người chơi vừa được ngắm ruộng bậc thang Mù Cang Chải vàng ươm quyện cùng núi rừng hùng vĩ, vừa có cảm giác phấn khích cao độ khi bay lượn giữa không trung.

- Du lịch Mù Cang Chải kiểu Homestay (cộng đồng), du khách sẽ có dịp tìm hiểu giá trị văn hóa dân tộc ở các bản Nậm Kim (thị trấn Mù Cang Chải), bản La Pán Tẩn (La Pán Tẩn), bản Làng Sang (Nậm Khắt). Tại đây, du khách sẽ cùng ăn, nghỉ trong các gia đình người Mông, Thái; tìm hiểu những nét đặc trưng trong sinh hoạt, lao động; thưởng thức các món ăn dân tộc và những sản vật địa phương (táo mèo, mật ong rừng...); tham gia các nghề truyền thống (nấu rượu thóc, nghề rèn sắt, dệt thổ cẩm...).


Ruộng bậc thang Mù Cang Chải minh chứng cho sự kỳ công, khéo léo của bà con dân tộc trong quá trình cải tạo thiên nhiên, hình thành nên vẻ đẹp ngoạn mục; cùng với bản sắc văn hóa đậm đà, khiến cho nơi đây ngày càng nổi tiếng; để rồi cứ đến hẹn du khách lại lên, đắm mình cùng mùa vàng lúa chín phủ khắp núi đồi. Ngoài ra, theo kinh nghiệm du lịch Mù Cang Chải, mùa nước đổ trên các thửa ruộng bậc thang vào tháng 5, tháng 6 cũng sẽ khiến du khách trầm trồ trước vẻ đẹp độc đáo, lấp lánh sắc màu.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín vàng óng
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín vàng óng
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín xếp tầng
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín xếp tầng
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ như vẽ
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ như vẽ
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ độc đáo
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ độc đáo
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - bay dù lượn lý tưởng
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - bay dù lượn lý tưởng
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - bay dù lượn tuyệt đẹp
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - bay dù lượn tuyệt đẹp

Mục lục

Du lịch Yên Bái
          - Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
          - Đèo Khau Phạ
          - Hồ Thác Bà
          - Làng nghề tranh đá quý Lục Yên
          - Đền Đông Cuông