Địa điểm du lịch Kênh gym

Rạch Gầm Xoài Mút đắc lợi cho phục kích

18/01/2016 - 1291 view
Rạch Gầm Xoài Mút đắc lợi cho phục kích

Rạch Gầm Xoài Mút, Tiền Giang từng là địa điểm lý tưởng để phục kích quân Xiêm. Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Rạch Gầm có tên Hán - Việt là Sầm Giang. Còn sách Địa phương chí tỉnh Mỹ Tho năm 1902 ghi: “Rạch Gầm dài 11 km, chảy từ làng Hữu Đạo qua tổng Thuận Bình và Lợi Trường...”. Theo ghi chép của Tiến sĩ sử học Nguyễn Phúc Nghiệp: “Thuở đó, khi ông bà mình đến đây khẩn đất lập điền thì chỉ thấy toàn là rừng rậm, cây cối mịt mùng, còn dã thú nhiều không sao mà kể, nhất là cọp. Tiếng rống của cọp vang dậy cả một vùng, nên ông bà đặt tên chỗ này là rạch Cọp Gầm, rồi về sau kêu bằng Rạch Gầm cho dễ nhớ...”.

- Một tích khác của các cụ ở Phú Túc (Bến Tre) lưu truyền: Thuở xưa, tại vùng đất này, ở bên này sông Tiền, Phú Túc ở bên bờ kia, trời đất tối tăm, mịt mù. Bỗng một đêm nọ, trời mưa như trút, sấm chớp đùng đùng, tiếng gầm thét từ bên bờ này sang bờ bên kia, rồi sau đó dội lại như đối đáp nhau. Đến sáng ra, trời quang mây tạnh, phong cảnh sáng sủa, tươi tốt. Nhờ vậy dân chúng làm ăn ngày càng khấm khá. Để ghi lại chuyện cũ, ông bà đặt tên cho con rạch là rạch Ông Gầm, sau đó gọi tắt là Rạch Gầm; còn con rạch ở bờ đối diện thuộc cù lao Phú Túc là rạch Bà Hét...”.

Về Xoài Mút, tức Xoài Hột, lại còn có tên khác nữa là sông An Đức (thuộc thôn An Đức, nay là xã Bình Đức). Cũng như Rạch Gầm, Xoài Mút nay là một con rạch nhỏ nhưng cách đây 200 năm rạch Xoài Mút khá lớn, chiến thuyền có thể qua lại dễ dàng. Đầu vàm có đình An Đức, sắc phong thời Tự Đức. Trong đình có ghi lịch sử của sông Xoài Mút như sau: Thường năm, vào mùa mưa, nước nổi tràn từ thượng nguồn về Đồng Tháp Mười thành một biển nước mênh mông; đến khi nước rút ra sông, biển bằng những con lạch sâu, cộng thêm thú rừng lên xuống uống nước vào mùa nắng, lần hồi trở thành những con rạch, con sông nhỏ phụ lưu của sông Cửu Long. Sông Xoài Hột là một trong những phụ lưu đó.

- Sông Xoài Hột từ vàm đến ngọn 2 bên mọc nhiều cây xoài hột, trái thì nhỏ, hột to, cơm ít, muốn ăn được sau khi gọt vỏ phải đưa vào miệng mút, rồi lần hồi bà con gọi là Xoài Mút, cũng có người kêu là Xoài Hột. Xoài Mút thường để chỉ tên rạch, Xoài Hột là tên chợ, bởi vì ở đây có chợ Xoài Hột ở xã Thạnh Phú, kế bên xã Bình Đức.

Cù lao Thới Sơn nằm giữa sông Tiền, áng ngữ cửa rạch Xoài Mút và cách Mỹ Tho không xa. Đây là một cù lao thuộc loại lớn, đủ để Nguyễn Huệ có thể bố trí bộ binh và đại bác nhằm chặn đứng cuộc tấn công của Chiêu Tăng và Chiêu Sương lên Mỹ Tho.

Như vậy, Rạch Gầm, Xoài Mút và cù lao Thới Sơn được Nguyễn Huệ sử dụng như 3 vị trí then chốt, vừa chặn đầu, vừa khóa đuôi, dồn đối phương vào thế bị bao vây toàn diện và tấn công tiêu diệt, không cách gì chống đỡ nổi. Ngoài ra, ở rạch Rau Răm (một vị trí nằm giữa Rạch Gầm với cù lao Trà Tân hay cù lao Năm Thôn), Nguyễn Huệ còn bố trí một đơn vị thủy binh nhỏ, được coi như là chốt tiền tiêu của quân Tây Sơn. Trước khi đến Mỹ Tho, quân Xiêm buộc phải đi qua vị trí này.

Theo những phân tích của Tiến sĩ sử học Nguyễn Phúc Nghiệp: Rạch Gầm, Xoài Mút cách nhau khoảng 7 km. Cả 2 nơi này nằm giữa Trà Lọt - Trà Tân - Mỹ Tho, đây là địa điểm rất lý tưởng để lập trận phục kích. Bởi nếu lập trận địa phục kích gần với chỗ đóng quân của địch thì sẽ khó giữ được bí mật trận địa và khi xảy ra trận đánh thì không thể tránh được sự hùng hổ ban đầu của quân giặc. Vả lại, lòng sông từ Rạch Gầm trở ngược lên Trà Tân - Trà Lọt rất rộng, không thích hợp cho việc bố trí phục binh, bao vây tấn công chiến thuyền địch. Còn nếu Nguyễn Huệ cho lập trận địa phục kích quá gần với đại bản doanh của mình, tức là đoạn từ rạch Xoài Mút đến Mỹ Tho, thì địch sẽ có sự nghi ngại và phòng bị. Như thế, yếu tố tấn công bất ngờ của quân Tây Sơn đối với quân Xiêm sẽ không còn nữa.

Ngoài ra, lòng sông Rạch Gầm Xoài Mút ở đoạn này không quá rộng, đặc biệt có cù lao Thới Sơn áng ngữ, thích hợp cho lối đánh bao vây và bịt kín tất cả các đường mà địch có thể rút chạy. Phía sau cù lao Thới Sơn cũng được sử dụng làm nơi giấu chiến thuyền của nghĩa quân. Thêm nữa, trên cù lao, Nguyễn Huệ còn cho đặt pháo kết hợp với pháo được bố trí mật ở trên bờ nhằm đánh phủ đầu quân địch khi chiến thuyền của chúng lọt vào ổ phục kích.

TTXT du lịch Tiền Giang

Mục lục