Địa điểm du lịch Kênh gym

Chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang

chợ nổi Cái Bè

Thị trấn Cái Bè có những dãy phố nằm dọc theo bờ sông, lúc ẩn lúc hiện dưới hàng dừa nước và những rặng bần xanh mượt, mang một vẻ đẹp thuần quê và đậm chất miệt vườn sông nước. Ở đây, vườn nối tiếp vườn, sông nối tiếp sông, kênh rạch đan xen nhau, giao thông chủ yếu bằng đường thủy, hình thành nên chợ nổi Cái Bè từ lâu đời, là nơi trao đổi mua bán hàng hóa trên sông với nhiều đặc điểm thú vị.

- Cho đến nay, vẫn chưa có ai biết rõ chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang được hình thành bắt đầu từ năm nào. Có lẽ chợ đã được nhen nhóm từ khi có bước chân của lưu dân người Việt vào khai phá vùng đất này, khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Theo sách Gia Ðịnh Thành Thông Chí thì vào năm 1732, chúa Nguyễn hạ chỉ cho dựng dinh Long Hồ tại Cái Bè, gọi là Cái Bè Dinh. Lúc bấy giờ, vàm Cái Bè được miêu tả là nơi “sông sâu nước chảy”, có rất nhiều ghe xuồng từ khắp nơi đổ về tập trung buôn bán, giao thương.

Đây là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ, giá cả cũng ở mức gốc, và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Chợ họp suốt ngày, tấp nập nhất là khi bình minh ló dạng, trông chợ nổi Cái Bè như một thành phố trên sông, người mua kẻ bán nhộn nhịp, ghe xuồng đầy ắp sản vật địa phương, đi lại như mắc cửi.

- Hàng hóa ở chợ nổi Cái Bè rất đa dạng và phong phú, nổi bật nhất là trái cây bởi được xem là đặc sản Cái Bè Tiền Giang, với các loại trái cây ngon nổi tiếng như cam - bưởi - quýt Cái Bè, vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh, khóm Tân Lập, nhãn long, xoài cát Hòa Lộc... được trung chuyển đi khắp mọi miền đất nước.

- Sau trái cây, thì khu vực mua bán của các thương lái ở chợ nổi Cái Bè cũng không kém phần sôi động, kéo dài từ ngã ba Nhà Thờ đến cửa Vàm. Khu này thường tập trung các loại ghe lớn có trọng tải 5-10 tấn từ các tỉnh thành khác chở hàng đặc sản về đây bán, rồi lại mua hàng ở đây chở về tỉnh mình.

- Ở chợ nổi Cái Bè cũng không thiếu các tiện ích như chợ trên bờ. Những chiếc xuồng nhỏ bán hàng rong như cơm, phở, hủ tiếu, đồ tạp hóa... chạy luồn lách theo các mạn ghe, mạn tàu để bán hàng. Ngồi trên thuyền, du khách có thể thưởng thức ngay tô hủ tiếu nóng hổi, hay ly cà phê thơm phức vào buổi sáng.

Thêm nét độc đáo khi tham quan chợ nổi Cái Bè là những Cây Bẹo dựng lên cao vút, tức là ghe thuyền bán thứ gì thì treo thứ ấy lên đầu ngọn sào để người mua biết, không phải rao mời. Bởi thế mới có chuyện khoai lang hay bí đỏ mọc ngược lên trời khiến nhiều du khách tò mò để rồi thích thú khi biết nguyên do.

Du lịch chợ nổi Cái Bè Tiền Giang cũng là dịp để bạn quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của các gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn hộ” trên sông với những chậu hoa kiểng, vật nuôi, các tiện nghi đầy đủ như tivi, đầu dĩa, dàn âm thanh... hay thậm chí cả xe gắn máy.

Khi mặt trời khuất dần sau rặng cây đằng xa, chợ nổi Cái Bè cũng lên đèn lấp lánh cả một khúc sông. Có những gia đình sống trên ghe còn treo những chiếc đèn lồng nho nhỏ ở trước mũi thuyền như một kiểu trang trí nhà cửa, hay như thể hiện nét mộng mơ của kiếp sống thương hồ lang bạc.
Chợ nổi Cái Bè đầy ắp sản vật địa phương
Chợ nổi Cái Bè đầy ắp sản vật địa phương
Chợ nổi Cái Bè - cây bẹo treo bí đỏ
Chợ nổi Cái Bè - cây bẹo treo bí đỏ
Chợ nổi Cái Bè với đủ loại trái cây đặc sản
Chợ nổi Cái Bè với đủ loại trái cây đặc sản
Chợ nổi Cái Bè đón khách nước ngoài
Chợ nổi Cái Bè đón khách nước ngoài
Chợ nổi Cái Bè - khách ngồi thuyền ăn hủ tiếu
Chợ nổi Cái Bè - khách ngồi thuyền ăn hủ tiếu
Chợ nổi Cái Bè - gia đình thương hồ
Chợ nổi Cái Bè - gia đình thương hồ

Mục lục