Những năm gần đây, du lịch văn hóa tâm linh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng thu hút đông khách tham quan, nghiên cứu. Trong đó, hình ảnh chùa Vĩnh Tràng, Tiền Giang với những nét kiến trúc độc đáo, cổ kính, phong cảnh đẹp đã trở thành một trong những điểm muốn đến của du khách trong và ngoài nước.
Chùa Vĩnh Tràng hay còn gọi là Tổ đình Vĩnh Tràng, tọa lạc tại ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, được ông Bùi Công Đạt - vị quan dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1840) xây dựng từ đầu thế kỷ 19. Kiến trúc của chùa thuộc dạng độc đáo ở Nam Bộ. Ngôi chùa gồm bốn hạng mục nối tiếp nhau: tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu với diện tích trên 14.000m².
Hầu hết các vật liệu để xây dựng chùa Vĩnh Tràng là xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m. Riêng mặt trước của chùa được xây dựng theo lối kiến trúc hài hòa Á - Âu với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Cổng tam quan với nghệ thuật ghép bằng mảnh sành, sứ qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân xưa đã xếp đặt thành nhiều bức tranh minh họa sự tích nhà Phật, truyện tích dân gian, đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, mây trời...
Trong chùa Vĩnh Tràng có hơn 60 tượng phật đúc bằng gỗ, đồng, đất nung, xi măng. Hầu hết các pho tượng đều được thếp vàng óng ánh. Chùa còn có Đại Hồng Chung mang tên Pháp Bảo. Chuông cao 1.2 mét, nặng khoảng 150 kg và hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị. Bên trong chánh điện và nhà tổ lại mang đậm nét kiến trúc Việt Nam, các hoành phi, tượng gỗ được chạm khắc khéo léo và tinh xảo với những hình ảnh sống động. Không gian bên trong chùa là nơi tập trung nhiều tác phẩm mỹ thuật của các thế hệ nghệ nhân khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Tại chùa còn có Bộ tượng 18 vị La Hán tuyệt mỹ.
Gần đây, Ban Trị sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang, Ban trụ trì chùa còn sử dụng nguồn kinh phí từ phật tử, khách thập phương ủng hộ trên 80 tỷ đồng để tiếp tục trùng tu, sửa chữa ngôi cổ tự này. Trong đó, có nhiều hạng mục được xây mới như: Công viên Di Đà trước cổng chùa rộng 3.000m²; pho tượng phật Di Đà cao 24m.
Trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng có tượng Phật Di Lặc trong tư thế ngồi giữa công viên, có chiều dài 27m, chiều rộng 18m, cao 20m và nặng khoảng 250.000kg bằng chất liệu bê tông, cốt thép. Bên trong pho tượng này được tận dụng thiết kế cơ quan làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang, có giảng đường, nơi nghỉ phục vụ cho 200 người. Phía sau chùa là Đài Quan Âm với pho tượng Phật Quan Âm trong tư thế nằm. Ngoài ra, chùa còn có nhiều hạng mục mới đầu tư xây dựng như: Quảng trường, hồ nước, hệ thống đèn chiếu sang, bồn hoa, cây xanh, sân bãi... rất trang nhã, sạch đẹp.
Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng Ban Trị sự Hội Phật Giáo tỉnh Tiền Giang kiêm trụ trì chùa Vĩnh Tràng cho biết, việc chỉnh trang, nâng cấp mở rộng quần thể chùa không chỉ để phục vụ cho việc tu học, sinh hoạt Phật giáo của chư công đức, tăng ni và đồng bào phật tử, phục vụ khách tham quan mà còn góp phần làm cho thành phố Mỹ Tho xứng tầm là đô thị loại I. Qua các đời trụ trì, ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp và trở thành ngôi cổ tự hoành tránh nhất tỉnh Tiền Giang. Năm 1984, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận chùa Vĩnh Tràng là tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Chính những nét độc đáo đó mang đến những cảm nhận về chùa Vĩnh Tràng theo chiều hướng tích cực, khiến ngôi cổ tự này ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu và chiêm bái. Mỗi ngày, chùa đón tiếp gần 1.000 khách tham quan; trong đó có khoảng 300 khách quốc tế. Vào những ngày rằm, ngày Tết thì lượng khách tăng lên đột biến. Đây cũng là một trong những điểm đến không thể thiếu trong các tuyến, tour du lịch Tiền Giang của các công ty lữ hành.
Để phục vụ du khách, chùa mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Các chư tăng, chức sắc trong chùa đều thay nhau trực, tiếp khách, sẵn sàng thuyết minh về chùa Vĩnh Tràng, hướng dẫn khi du khách cần.
Hiện nay, chùa vẫn đang tiếp tục đầu tư, xây dựng một số công trình để phục vụ cho công tác Phật sự và nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách như: Giảng đường, Bảo Tháp, Cổng, hàng rào... Hòa Thượng Thích Huệ Minh cho biết, hiện đang xây dựng Bảo Tháp Xá Lợi cao 35m và làm thêm 1 giảng đường Tịnh độ để cho phật tử tu.
Quần thể chùa Vĩnh Tràng được chỉnh trang, tu sửa và nâng cấp trở thành trung tâm Hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang. Nơi đây vừa là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách với những kiến trúc, phong cảnh đẹp, trang nghiêm; đồng thời còn là một địa chỉ văn hóa, lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tiền Giang.
TTXT du lịch Tiền Giang