Địa điểm du lịch Kênh gym

Đèo Cả hồn thơ

30/08/2016 - 2424 view
Đèo Cả hồn thơ

Lần giở những trang thơ thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, có một “tam tuyệt thi” cứ lừng lững trong tâm trí bạn đọc: Nhớ máu của Trần Mai Ninh, Hải Phòng 19/11/1946 của Trần Huyền Trân, Đèo Cả của Hữu Loan. 3 bài thơ đều được sáng tác trong năm 1946, cùng tập trung khắc họa hình tượng đất nước, con người Việt Nam trong cuộc binh lửa gian khổ, thiếu thốn, hy sinh nhưng lãng mạn, hào hoa, anh dũng qua một lối thơ tự do... Hữu Loan cùng Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Trần Mai Ninh, Quang Dũng... tiên phong đưa thơ kháng chiến cuốn theo cảm hứng bi hùng.

Đèo Cả bấy giờ là phòng tuyến của quân ta. Quân Pháp và Nhật tuy bị ta cầm chân ở mặt trận Nha Trang nhưng lực lượng vẫn rất mạnh, nôn nóng muốn chọc thủng căn cứ đèo, đánh ra Tuy Hòa để bắt liên lạc với các đội quân viễn chinh phía bắc. Thời gian này, rất nhiều chiến sĩ trên các chuyến tàu Nam tiến chi viện cho Nam Bộ kháng chiến đã dừng lại trên con đèo lịch sử này. Nhà thơ Hữu Loan khao khát vào đèo thâm nhập thực tế. Một người bạn là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 79 cấp cho ông một con ngựa để đi đến đó. Đèo Cả - bài thơ đầu tay của Hữu Loan ra đời từ chuyến đi đó, đăng trên báo Chiến sĩ với bút danh “Hữu”.

Thơ đèo Cả Hữu Loan được xây dựng trên cái tứ đượm màu bi tráng của thời đại. Chủ thể trữ tình nhìn thẳng vào hiện thực gian khổ, hào hùng bằng cái nhìn tỉnh táo nhưng không thiếu mơ mộng. Núi rừng hiểm trở, hoang dại, thú dữ rình rập, lam sơn chướng khí, sốt rét và cái đói giày vò... nhưng vẫn đầy hùng tâm tráng chí: Dưới cây/ bên suối độc/ Cheo leo chòi canh/ như biên cương/ Tóc râu/ trùm vai rộng/ Không nhận ra/ người làng/ Ngày thâu/ vượn hú/ Đêm canh/ gặp hùm lang thang...

Không khí Đường thi ẩn hiện trong những nét bút cổ (bóng núi cao ngất, mây trời ngưng đọng, bóng ngựa gầy trên đường mòn heo hút...), song Đèo Cả vẫn đậm tinh thần hiện đại cùng phong vị sử thi. Chiến sĩ tuy sống cực kỳ thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn bền gan, nung nấu chí, khắc sâu truyền thống cha ông, trọn vẹn nghĩa tình đồng đội, đồng chí: Gian nguy/ lòng không nhạt/ Căm thù/ trăm năm xa/ Máu thiêng/ sôi dào dạt/ Từ nguồn thiêng/ông cha...

Những cuộc đụng độ khốc liệt “Giặc từ Vũng Rô bắn tới/ Giặc từ trong tràn ra”, song khí phách, bản lĩnh can trường, tinh thần lạc quan của những người đi kháng chiến sáng vẫn bừng lên: Nhưng Đèo Cả/ vẫn đứng vững/ Đèo Cả Nam/ máu giặc/ mấy/ lần/ nắng/ khô. Một câu thơ với lượng thơ không nhiều (9 tiếng) nhưng có đến 6 bước thơ. Đây có lẽ là câu thơ “phiêu” nhất, hào sảng nhất của đèo.

Hữu Loan sở trường bút pháp trữ tình kể chuyện như: Những làng đi qua, Hoa lúa, “chín” nhất là Màu tím hoa sim. Từ thời này, thơ Hữu Loan đã bộc lộ thiên hướng đi thẳng vào hồn người bằng lối kể bộc trực, hồn nhiên của người lính: Sau mỗi lần thắng/ Những người trấn Đèo Cả/ Về bên suối đánh cờ/ Người hái cam rừng/ ăn nheo mắt/ Người vá áo/ thiếu kim/ mài sắt... Tài của Hữu Loan ở chỗ ông biết nắm bắt những khoảnh khắc rất thực, rất đời nhưng cũng rất đắt. Cái cảnh tượng người lính sau những giờ phút chiến đấu, về bên suối đánh cờ, hái cam rừng, mài kim vá áo... đi vào thơ thật mới lạ và cảm động.

Với lối thơ bậc thang, Đèo Cả tỏ ra đắc địa, nhất là phần cuối, làm cho bài thơ khép lại nhưng mạch thơ vẫn trôi đi man mác, bâng khuâng. Đèo và người trấn đèo đi cùng năm tháng, bất tử cùng sông núi bằng một lối “kết mở” vang vọng dư âm, ngân nga cảm xúc: Suối mang bóng người/ soi/ những/ về/ đâu?

Giọng điệu trầm hùng nhưng phóng khoáng; thi ảnh hiện đại mà cổ kính, vừa góc cạnh vừa mờ ảo, giàu sức khơi gợi; tiết nhịp vững chãi, chắc khỏe; ngôn từ mộc mạc, tự nhiên và sáng tạo... ngay từ bài thơ đầu tay, Hữu Loan đã bộc lộ hồn thơ độc đáo. Tuy không nổi đình nổi đám như Màu tím hoa sim nhưng Đèo Cả vẫn là một trong những bài thơ hàng đầu của thơ ca cách mạng.

TTXT du lịch Phú Yên

Mục lục

Du lịch Phú Yên
          - Ghềnh Đá Đĩa
          - Bãi biển Tuy Hòa
          - Tháp Nhạn Tuy Hòa
          - Đèo Cả
          - Vũng Rô
          - Đầm Ô Loan
          - Đảo Nhất Tự Sơn
          - Bãi biển Long Thủy