Địa điểm du lịch
Kênh gym
Deo Ca Phu Yen
Đèo Cả - Phú Yên
Đèo Cả ở Phú Yên được xem là hiểm trở nhất nhì miền Trung và là một trong số rất ít đèo ở Việt Nam nằm sát biển, với một bên là biển xanh thăm thẳm, một bên là núi non trùng điệp, phía trên là mây trắng trời xanh cao vợi... cuốn hút bước chân người lữ khách tìm về một chặng đường xưa trong ngàn dặm nước non.
Vắt qua một trong những nhánh núi của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển, cung đèo kéo từ chân núi Đá Bia đến Đại Lãnh với chiều dài khoảng 12km, trong đó 9km thuộc địa phận Phú Yên và 3km thuộc địa phận Khánh Hòa. Như con trăn khổng lồ uốn lượn giữa mây ngàn gió núi, đường đèo tuy không quá dài nhưng đến trăm vòng cua, với những khúc cua có độ dốc “trật ót”, những đoạn quanh “tức ngực” hiểm nguy. “Đèo Cả/ Đèo Cả/ Núi cao ngút/ Mây trời Ai lao/ Sầu đại dương/ Dặm về heo hút/ Đá Bia mù sương” - ấy là mấy nét phác nhanh bằng ngôn từ trong bài thơ đèo Cả của Hữu Loan vào năm 1946. Để rồi đằng đẵng tháng năm qua, cho dù đã nới rộng, kê nền tráng nhựa, không còn heo hút, cung đèo vẫn uốn mình lượn lách giữa núi cao, mây trời vần vũ.
Đâu chỉ vậy, cung đèo ấy đã lừng lững đi vào những trang sử Việt từ thế kỷ XV. Năm 1471, khi mở rộng cương vực của Đại Việt, vua Lê Thánh Tông đã lấy núi Đá Bia sừng sững như cột chống trời làm ranh giới hai nước Việt - Chăm. Suốt gần 2 thế kỷ, con đường Nam tiến của Đại Việt đã bị chặn lại bởi hòa ước giữa 2 bên và phần nào đó là bởi sự hiểm trở của đèo. Mãi đến tháng Tư năm Quý Tỵ (1653), vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm phạm đất Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc đi đánh. Bà Tấm thua trận xin hàng, chúa Nguyễn tiếp nhận vùng đất từ mũi Đá Bia đến sông cái Phan Rang đặt dinh mới là Thái Khang (nay là tỉnh Khánh Hòa). Kể từ đó, tao nhân mặc khách nước Việt đã biết đến một danh thắng của trời Nam. Để rồi năm 1836, vua Minh Mạng đã cho khắc dãy Đại Lãnh vào Tuyên Đỉnh trong hệ thống Cửu Đỉnh đặt trước sân Thái Miếu ở hoàng thành Huế. Tiếp đến, cuối thế kỷ XIX, Phan Thanh Giản - vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ trên đường về kinh đô Huế, ngang qua đèo Cả từng có bài thơ vịnh Đá Bia với tựa đề: Nhất phiến sơn đầu thạch (Mảnh đá đầu non dựng).
Cung đèo này còn gắn liền với những trang sử bi hùng của dân tộc xuyên suốt gần 400 năm nhập vào Đại Việt (tính từ 1653). Nơi đây từng là chiến trường ác liệt giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh, cũng từng là nơi diễn ra nhiều trận đánh chống giặc ngoại xâm. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, những người lính Nam tiến đã chọn ngọn đèo “heo hút cồn mây súng ngửi trời này” để làm nơi trấn giữ, chặn bước chân giặc ra phía Bắc. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những người lính vệ quốc đã làm nên nhiều trận đánh vang dội như Hữu Loan đã tạc trong thơ: “Nhưng đèo Cả/ vẫn đứng vững/ Đèo Cả Nam/ máu giặc/ mấy/ lần/ nắng/ khô”, đoạn thơ rớt dòng liên tục như sự khúc khuỷu của ngọn đèo. Mạch trải về phía đông đèo là Vũng Rô lừng danh, nơi tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào bằng những chuyến tàu “không số” huyền thoại. Biết bao đau thương, mất mát đã đổ xuống mảnh đất nhoài mình ra biển này trong suốt chiều dài đấu tranh giành độc lập, bảo vệ sự thống nhất nước nhà...
Trải qua dặm dài lịch sử, cung đèo xưa vẫn ở đó như một chứng nhân, để rồi tháng 8/2017 viết tiếp một mốc son - dự án hầm đèo Cả chính thức thông xe. Đây là hầm ống đôi, mỗi ống dài gần 4km, cứ 500m lại đục thông hai ống hầm để tạo chỗ thoát hiểm. Một con số thuộc dạng kỷ lục trong các hầm đường bộ đã xây dựng ở Việt Nam. Từ trên đèo nhìn về phía bắc là cảng Vũng Rô, phía nam là khu Bắc Vân Phong, rồi đây vùng liền kề kinh tế trọng điểm ấy sẽ chuyển mình theo “công trình thế kỷ” hầm đường bộ đèo Cả. Còn lại phía trên, con đèo tự ngàn xưa với heo hút núi non giăng thành ẩn khuất giữa mù sương sẽ trở thành tuyến du lịch hấp dẫn cho những ai ưa khám phá.
Tuy hiểm trở, nhưng tuyến du lịch đèo Cả cũng rất hữu tình, khung cảnh mở ra như một bức tranh thủy mặc được vẽ nên bằng những gam màu sống động với sự pha trộn hài hòa của đất trời và biển cả bao la... thu hút bao lữ khách dừng chân thưởng ngoạn, để rồi xao xuyến trước vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của chốn này.
Đèo Cả uốn lượn quanh sườn núi
Đèo Cả trông ra Hòn Nưa
Đèo Cả ngoằn ngoèo khúc khuỷu
Đèo Cả - mây phủ đỉnh Đá Bia
Đèo Cả - Vũng Rô huyền thoại
Đèo Cả thông hầm đường bộ
Xem thêm
Đèo Cả
-
Hình ảnh Đèo Cả
-
Bản đồ đường đi Đèo Cả
Tin du lịch Đèo Cả
Nov
22
Đèo Cả, bổ sung trạm trung chuyển xe máy
Aug
21
Đèo Cả chính thức thông xe hầm đường bộ
Aug
30
Đèo Cả hồn thơ
Mục lục
Du lịch Phú Yên
-
Ghềnh Đá Đĩa
-
Bãi biển Tuy Hòa
-
Tháp Nhạn Tuy Hòa
-
Đèo Cả
-
Vũng Rô
-
Đầm Ô Loan
-
Đảo Nhất Tự Sơn
-
Bãi biển Long Thủy