Với tổng diện tích gần 33.700ha, trong đó vùng lõi hơn 15.000ha, vùng đệm hơn 18.600ha, Vườn quốc gia Xuân Sơn là một kho tàng thiên nhiên quý giá, với vẻ đẹp hiếm có và hệ động - thực vật phong phú luôn được bảo vệ nghiêm ngặt nhờ sự vào cuộc của đồng bào Dao, Mường và các dân tộc khác sống trong khu vực vùng lõi, vùng đệm. Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật cho thấy, Vườn có 180 họ, 680 chi và 1.218 loài thực vật, trong đó có 40 loài được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam. Vườn nằm trên địa phận xã Xuân Sơn và một phần của các xã khác là Xuân Ðài, Kim Thượng, Ðồng Sơn, Lai Ðồng và Tân Sơn, thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Vườn quốc gia Xuân Sơn đã dần trở thành khu du lịch sinh thái và du lịch văn hóa hấp dẫn. Du lịch càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao thì vườn quốc gia càng phát triển bền vững. Rừng Xuân Sơn còn là quê hương của gà chín cựa, đất sống của chuối cô đơn, có cánh rừng chò chỉ đẹp nhất nhì Tây Bắc. Vườn đã tiến hành thực hiện Dự án phát triển rau sắng do Australia tài trợ và Dự án trồng rau miền núi phía Bắc, gà nhiều cựa do Ðan Mạch tài trợ, tạo ra nhiều việc làm cho nhân dân. Đặc biệt, Xuân Sơn càng hấp dẫn du khách hơn bởi những món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc, như: Gà nhiều cựa, lợn lửng, lợn rừng, rau sắng, rau bò khai...
Hấp dẫn đặc sản gà chín cựa
Nổi tiếng nhất là đặc sản gà nhiều cựa - theo truyền thuyết đây là một trong những lễ vật giúp Sơn Tinh chiến thắng cuộc thi kén rể của Vua Hùng để cưới được nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Nơi nuôi nhiều gà nhiều cựa nhất là bản Cỏi - nằm sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Sơn. Bản người Dao có khoảng 100 nóc nhà đơn sơ được che chắn bởi núi cao và rừng già. Món thịt gà nhiều cựa của rừng Xuân Sơn được chế biến thành đủ các món như sào, hấp, nướng... thơm, ngon đậm đà, hơn hẳn các loại gà thông thường khác. Thưởng thức một miếng thịt gà nhiều cựa giữa rừng núi Xuân Sơn phải mất nhiều công sức nhưng bù lại cảm giác thật đã!
Mộc mạc rau sắng Xuân Sơn
Trong những năm qua, Phú Thọ đã khôi phục, bảo tồn và phát triển cây sắng góp phần đa dạng hóa sinh học của Vườn quốc gia Xuân Sơn. Rau sắng Xuân Sơn là loại rau quý hiếm và có giá trị. Cây sắng thuộc loài cây gỗ nhỏ, có cây cao tới hơn 10m, đường kính thân tới 20 - 30cm, vì vậy muốn hái lá non thường người ta phải trèo lên cây để hái. Rau sắng có hai loại sắng nếp và sắng tẻ. Do sinh trưởng trên những triền đá lạnh, nên rau sắng là loại rau rất sạch. Trong 100g phần ăn được của ngọn non và lá chứa 76,6g nước, 8,2g protein, 10g cácbohydrat, 3,4g chất xơ, 1,6mg croten, 115mg vitamin C... Vì dinh dưỡng cao, ngon ngọt đậm đà, rau sắng ăn rất bổ cho những phụ nữ mới sinh và người mới ốm dậy, được coi là một vị thuốc chữa bệnh đường ruột rất tốt. Rau sắng, bao gồm cả lá non và các đọt thân, thường được sử dụng để nấu canh. Canh rau sắng có thể nấu với một trong các nguyên liệu xương lợn, tôm nõn giã nhỏ, giò sống, thịt gà, cá rô, cá quả... mỗi thứ một vị, đều rất thơm ngon và bổ dưỡng.
Đặc sản lợn lửng, lợn rừng
Nhiều năm nay đồng bào các dân tộc ở Vườn quốc gia Xuân Sơn đã nuôi được giống lợn lửng đặc trưng và lợn rừng để chế biến các món ăn đặc sản. Đồng bào ở bản Bến Thân, xã Đồng Sơn có cách nuôi lợn rất độc đáo. Người Dao ở đây chỉ mua một đôi lợn giống thuộc dòng lợn ri màu đen tuyền, trán dô, mõm dài, tai chuột, tầm vóc nhỏ, một năm tuổi chỉ đạt 10-15kg rồi thả vào khu rừng gần nhà để chúng tự dũi đất, tha lá cây làm ổ, kiếm ăn, sinh đẻ. Thức ăn của lợn là các loại côn trùng như giun, dế, ốc; các loại lá cây, củ, quả. Bao quanh bản Bến Thân là những dãy núi đá vôi với nhiều loại cây dược liệu quý mọc tự nhiên nên khi lợn ăn các loại cây này, thịt của chúng thơm như thịt lợn rừng và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Giống lợn này ăn khỏe, lại sống hoang dã nên khả năng sinh sản cũng rất tốt, mỗi lứa đẻ từ 10 - 20 con. Mỗi khi lợn đẻ xong, đồng bào Dao lại tìm ổ bắt đàn lợn con về và tập cho ăn thức ăn trộn muối. Cách làm này nhằm mục đích để đàn lợn sau khi tự đi kiếm ăn sẽ không đi xa mà chỉ quanh quẩn gần ổ. Lợn lửng, lợn rừng là sản phẩm của hình thức chăn nuôi bán hoang dã nhưng lại có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế rất cao.
Việc kết hợp du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng và phát huy giá trị thiên nhiên, phong cảnh của Vườn quốc gia Xuân Sơn ở cả vùng lõi và vùng đệm, cùng với các sản vật địa phương sẽ ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
TTXT du lịch Phú Thọ