Địa điểm du lịch

Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ

Đền Mẫu Âu Cơ

Đền Mẫu Âu Cơ ở Phú Thọ tọa lạc tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Đây là một công trình lịch sử văn hóa đặc biệt, gắn liền với hình tượng Mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng trong một bọc trăm trứng, vốn đã ghi tạc trong tâm trí và tình cảm của các thế hệ người Việt.


Truyền thuyết Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ

Tục truyền, ngày nàng Âu Cơ chào đời ở động Lăng Xương (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) có mây lành che chở, hương thơm tỏa ngát. Lớn lên, nàng xinh đẹp, thông minh hơn người, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, lại tinh thông âm luật. Về sau kết duyên với Lạc Long Quân (con trai của Kinh Dương Vương), nàng Âu Cơ sinh hạ một bọc trứng, nở thành một trăm người con. Khi các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân nói với mẹ Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”. Nói xong, Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển.

Mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên non, đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, khai phá rừng hoang. Một ngày, đi qua vùng đất Hiền Lương, nơi có núi cao, sông dài, cảnh vật hữu tình, Mẹ liền cho khai hoang, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp đã tươi đẹp, Mẹ đi tiếp đến vùng đất mới. Sau này, Mẹ trở về Hiền Lương, gắn bó suốt phần đời còn lại với nơi này. Ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, Mẹ cùng các tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa dải yếm lụa. Tại đó, nhân dân trong vùng đã dựng lên Đền Mẫu Âu Cơ, đời đời tưởng nhớ công đức Mẹ Âu Cơ.

- Trong 50 người con theo Mẹ Âu Cơ, người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng và trị vì đất nước trong 2621 năm, trở thành tổ tiên của dân tộc Việt Nam.


Lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ

Trong lịch sử tồn tại mấy ngàn năm, đền thờ Mẫu Âu Cơ đã ba lần được các triều đại nhà nước Việt Nam sắc phong. Lần thứ nhất dưới triều vua Lê Thánh Tông, năm 1465 vua đã ra chiếu chỉ phong thần, cấp tiền, tôn tạo Đền Mẫu Mẹ Âu Cơ, giao cho nhân dân xã Hiền Lương thờ phụng. Thế kỷ 15, triều đình Hậu Lê đã phong sắc và trùng tu đền. Đến thế kỷ 19, nhà Nguyễn một lần nữa sắc phong Đền Thánh Mẫu Âu Cơ.

- Năm 1991, đền Mẫu Âu Cơ ở Hạ Hòa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.


Giới thiệu Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ

Ngôi đền nằm ẩn dưới gốc đa cổ thụ phủ tán xum xuê, mặt quay về hướng chính nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác đẹp như một án thư, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc. Tuy không đồ sộ nhưng Đền Quốc Mẫu Âu Cơ Phú Thọ có giá trị cao về mặt nghệ thuật kiến trúc.

- Đền gồm năm gian hình chữ nhất (-), cột gỗ lom, mái lợp ngói vẩy. Bên trong là pho tượng Quốc Mẫu Âu Cơ cao 0.93m đặt trên ngai vị, hai tay đặt lên đầu gối, chân đi hài cong, đầu đội mũ lấp lánh kim cương, dáng hình hiền hậu và thanh tú. Toàn bộ tượng và ngai được đặt trong một khám cao 1.82m, xung quanh trạm trổ tùng, cúc, mai và rồng chầu mặt nguyệt. Ngoài ra, các phần kiến trúc bằng gỗ trong Đền đều được chạm trổ cầu kỳ, tinh tế...


Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ

Mùa xuân cũng là lúc người dân Hiền Lương rục rịch tập tế nam, tế nữ, rước kiệu, chuẩn bị lễ vật... cho ngày “Tiên giáng”. Và du khách thập phương lại cùng nhau hành hương về đất Tổ, hòa mình vào không khí nhộn nhịp của lễ hội.

Ngày lễ chính là ngày “Tiên giáng” mùng 7 tháng Giêng hàng năm, và kéo dài trong ba ngày liên tiếp. Từ xưa, người dân trong vùng đã có câu ca lưu truyền: Mùng bảy trong tiết tháng Giêng, dân Hiền lễ tế trống chiêng vang trời...

- Khai hội Đền Mẫu Âu Cơ Hạ Hòa Phú Thọ là lễ tế Thành Hoàng ở đình, đội tế toàn nam giới. Sau đó, 8 cô gái mặc đồng phục sẽ uyển chuyển rước cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng theo nhịp trống từ đình vào đền. Đi đầu đám rước là những lá cờ thần, sau kiệu là những vị chức sắc mặc áo dài khăn xếp, rồi đến dòng người trẩy hội.

- Tiếp đến là lễ tế nữ do 12 cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn thực hiện. Các thiếu nữ đều mặc áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, riêng chủ tế mặc trang phục hoàn toàn màu đỏ. Lễ vật dâng lên Mẫu không quá cầu kỳ, đều là cỗ chay, ngũ quả, tiền giấy... Trong đó có bánh truyền thống của người Hiền Lương, làm từ bột nếp hảo hạng và mật ong, được cắt thành từng khoanh như đốt tre, với 100 cầu bánh ngọt tượng trưng cho lễ vật của 100 người con dâng lên mẹ.

- Trong các ngày diễn ra lễ hội, trước sân đền và tại đình làng còn có nhiều trò chơi dân gian như: đu tiên, cướp cờ, đánh phết, hát ghẹo, hát xoan... thu hút sự tham gia của người dân địa phương lẫn du khách hiếu kỳ. Đến ngày cuối là diễn ra lễ rước kiệu từ đền trở về đình, và kết thúc lễ hội.

Bên cạnh lễ chính “Tiên giáng”, lễ hội trong năm ở khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ còn có ngày “Tiên thăng” 25 tháng chạp, ngày 10-11 tháng hai, ngày 12 tháng ba, ngày 13 tháng tám âm lịch.
Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ - gian thờ
Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ - gian thờ
Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ - lễ hội
Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ - lễ hội
Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ - giếng Loan
Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ - giếng Loan

Mục lục

Du lịch Phú Thọ
          - Vườn quốc gia Xuân Sơn
          - Đầm Ao Châu
          - Đền Mẫu Âu Cơ
          - Đền Hùng Phú Thọ
Địa điểm du lịch
© 2012 - 2024 by Duy Lang