Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, có tính giáo dục môi trường, đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Chính vì vậy ở tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, du lịch sinh thái luôn gắn với các Vườn quốc gia hay là các khu bảo tồn thiên nhiên.
Vườn quốc gia Xuân Sơn có diện tích 15.048ha, thuộc địa bàn các xã Xuân Sơn, Đồng Sơn, Tân Sơn, Lai Đồng, Kim Thượng, Xuân Đài; có hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái điển hình của miền Bắc Việt Nam với kiểu rừng nhiệt đới và á nhiệt đới còn tồn tại khá nhiều loài động - thực vật quý hiếm đặc trưng cho vùng núi Bắc bộ, rất có giá trị nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và giáo dục môi trường. Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Xuân Sơn còn được coi là “lá phổi xanh” nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, có tác dụng to lớn trong việc điều hòa khí hậu, hấp thụ các bon và các khí thải công nghiệp. Đây còn là nơi phòng hộ đầu nguồn sông Bứa, nơi cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt của người dân sinh sống quanh khu vực.
Với nhiều cảnh quan thiên nhiên nổi bật như núi Voi, núi Ten, núi Cẩn; hệ thống các hang động thiên tạo như hang Lạng, Lun, Na, Thổ Thần, Cỏi và thác Chín Tầng, thác Ngọc. Những cảnh quan này đã tạo nên quần thể thắng cảnh kỳ vĩ, cùng với bản sắc văn hóa của các dân tộc Mường, Dao nên từ lâu Vườn quốc gia Xuân Sơn đã là nơi thăm quan, du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Mặt khác, với vị trí thuận lợi, nằm trong thế chân kiềng của tổng thể cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ Tam Đảo - Ba Vì - Xuân Sơn, trong trục tâm linh của truyền thuyết lịch sử Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu; Sơn Tinh - Thủy Tinh; Vua Hùng, gà chín cựa..., Vườn quốc gia Xuân Sơn có nhiều lợi thế trong việc phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tái tạo và chia sẻ lợi ích với cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn văn hóa lịch sử.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành đã chú trọng xây dựng được quy hoạch và định hướng phát triển Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Sơn và đã đầu tư được một số công trình, hạ tầng phục vụ du lịch và công tác bảo tồn như: Hệ thống đường tuần tra kết hợp du lịch sinh thái, Bảo tàng thiên nhiên, trung tâm du lịch, nhà khách, hạ tầng du lịch từ văn phòng Vườn quốc gia đến các hang động và thác nước... Từ đó, bước đầu đã hình thành một số tuyến điểm phục vụ khách tham quan, du lịch và khám phá thiên nhiên. Song song đó, Vườn quốc gia Xuân Sơn cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị tài nguyên thiên nhiên, những sản phẩm cây, con đặc trưng của khu vực thông qua mạng internet, Hội chợ du lịch 8 tỉnh phía Bắc và các phương tiện thông tin đại chúng khác để thu hút khách tham quan, du lịch.
Hiện tại, khách du lịch, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước tới Vườn quốc gia Xuân Sơn ước khoảng 200.000 lượt khách/năm, tập trung vào các ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, vì chưa có bộ phận chuyên trách để thực hiện việc quản lý, hướng dẫn, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, các hoạt động dịch vụ du lịch chưa được tổ chức theo chuỗi; các sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch còn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ. Vì vậy, khó giữ chân được du khách lưu trú, nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch hạn chế.
Với quan điểm của một cá nhân và với cương vị là cán bộ của Vườn quốc gia Xuân Sơn, tôi nhận thấy cần thiết phải có một bộ phận chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ trong công tác quản lý phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái nhằm mục tiêu bảo vệ giá trị tài nguyên động thực vật quý hiếm, phát huy được giá trị cảnh quan; bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, bản sắc dân tộc, xây dựng và khôi phục các ngành, nghề truyền thống của địa phương; nâng cao nhận thức cho người dân trong khu vực, khách tham quan du lịch đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; tạo công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập cho đời sống người dân địa phương thông qua các hoạt động dịch vụ, du lịch. Từ đó hướng đến công tác quản lý rừng, bảo vệ Vườn quốc gia Xuân Sơn một cách bền vững.
TTXT du lịch Phú Thọ