Thờ Mẫu là một trong những tập quán sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, và đã trở thành mỹ tục, nét văn hóa, nhân văn sâu sắc của người Việt. Tục thờ Mẫu, người Mẹ linh thiêng, huyền thoại của dân tộc Việt Nam đã sinh ra đồng bào ta trong bọc trăm trứng đã khởi thủy, hình thành và phát triển mỹ tục mang nét đẹp văn hóa của dân tộc. Để tưởng nhớ công lao và thể hiện lòng thành kính đối với Tổ Mẫu Âu Cơ, nhân dân Hiền Lương, huyện Hạ Hòa đã lập Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ và suy tôn “Thánh quốc mẫu” để thờ phụng, hương khói muôn đời.
Vào ngày 23/1/2017 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL, công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hạ Hòa nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung. Sau hơn một năm được vinh danh, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, huyện Hạ Hòa đã và đang triển khai nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Quốc gia.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại Đền Mẫu Âu Cơ, Hạ Hòa, Phú Thọ được biểu hiện và thực hành qua nhiều hình thức, trong đó, tập trung nhất vào việc tổ chức thờ cúng Mẫu Âu Cơ và các con, cháu của Mẫu. Mùng 7 tháng Giêng là ngày lễ chính tại đền. Mở đầu là lễ Đức Thánh Thành hoàng làng, do đội tế nam thực hiện. Ngay sau khi cúng lễ xong, đoàn rước kiệu Thánh từ đình ra đền Mẫu được khởi hành, trong khoảng giờ Thìn (từ 7 giờ đến 9 giờ), đoàn rước tề tựu tại đền. Cuộc tế lễ ở đền Mẫu được bắt đầu với nghi lễ dâng hương và dâng lễ vật. Tiếp đó là lễ tế của đội tế nữ diễn ra hết sức thiêng liêng. Tất thảy dân làng và người dự hội cùng hướng vào đền, bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ, ngưỡng vọng Thánh Mẫu. Sau đó, người dân Hiền Lương, Hạ Hòa và du khách thập phương về dự hội bắt đầu vào Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ làm lễ Mẫu. Cho đến chiều ngày thứ 3 (ngày mồng 9), sau khi tổ chức cuộc tế nữ, dân làng tổ chức rước kiệu đức Thánh về đình.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ có giá trị lịch sử, được ra đời và tồn tại trên vùng Đất Tổ, gắn liền và phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ và bọc trăm trứng, Tín ngưỡng thờ Mẫu là một sáng tạo văn hóa độc đáo nhằm ghi nhớ, khẳng định và tôn vinh lịch sử nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam. Hình tượng Mẹ Tiên là kết tinh của những cốt lõi lịch sử, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, là đặc trưng văn hóa thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam. Chính ý thức tự tôn dân tộc, tình yêu nước nồng nàn, luôn kề vai sát cánh, đoàn kết bên nhau với ý thức cùng chung nguồn cội trong nghĩa “đồng bào”, cần cù và sáng tạo trong công cuộc chế ngự thiên nhiên, anh dũng đấu tranh với mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ và xây đắp nên Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp của các thế hệ người Việt Nam, đã tạo nên sức sống lâu bền của Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ qua trường kỳ lịch sử. Những giá trị tinh thần được truyền đời qua các sinh hoạt tín ngưỡng này chắc chắn mãi còn tỏa rạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hôm nay và mai sau. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là một thành tố quan trọng trong hệ thống Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng Đất Tổ, góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm những hình thức tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên của nhân dân ta.
Nhiều thế kỷ đã đi qua, nhân dân Hiền Lương - Hạ Hòa cùng đồng bào cả nước, dù ở đâu cũng vẫn luôn nhớ về, thành tâm kính lễ Tổ Mẫu Âu Cơ. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thành tâm công đức của các tổ chức, cá nhân, khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ đã từng bước được tôn tạo, tu bổ để ngày thêm khang trang, tương xứng với công ơn của Tổ Mẫu, xứng danh là nơi hội tụ, tìm về cội nguồn của con Lạc, cháu Hồng. Việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ngày càng được tổ chức có nền nếp hơn, đảm bảo giữ gìn và phát huy tốt nhất những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng. Nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể cùng cộng đồng nhân dân địa phương về việc tổ chức thực hành tín ngưỡng ngày càng được nâng cao, thể hiện sinh động qua việc mọi người cùng chung tay tổ chức hay tham dự thực hành tín ngưỡng thật sự vui tươi, lành mạnh.
Công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị của khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ được triển khai tích cực và hiệu quả. Cùng với việc biên soạn, xuất bản và tái bản tập sách Khu di tích lịch sử đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Ban quản lý khu di tích còn thường xuyên phối hợp triển khai việc tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích và tín ngưỡng trên các báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương, địa phương; thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện tổ chức đưa nội dung giáo dục về truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương, trong đó có nội dung giáo dục về di tích đền Mẫu và Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ vào giáo dục học đường... Những hoạt động đó đã thực sự góp phần quảng bá ngày càng rộng rãi giá trị của khu di tích và tín ngưỡng này trong nhân dân địa phương cùng công chúng cả nước.
Nhằm phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa tiếp tục chỉ đạo Đảng bộ và chính quyền xã Hiền Lương, Ban Quản lý Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ Phú Thọ thường xuyên củng cố thực hiện chuyển giao nghi thức cúng tế, cách thức, bí quyết làm lễ vật dâng cúng, các diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ cho thế hệ trẻ, để các hoạt động diễn ra thường xuyên, tự nguyện trong cộng đồng; nâng cao vai trò chủ thể của cộng đồng dân làng Hiền Lương trong các hoạt động bảo tồn, quản lý, tổ chức Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ; chú trọng hơn nữa việc quản lý không gian thờ tự, quảng bá di sản để phát triển du lịch, phát huy nét đẹp truyền thống của tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm giữ gìn giá trị nhân văn của di sản. Đồng thời, chú trọng tới ý nghĩa giáo dục truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân gian, tạo điều kiện để người dân được tham gia sáng tạo và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân và du khách thập phương khi về lễ Mẫu.
TTXT du lịch Phú Thọ