Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Phú Thọ, khâu đột phá

25/11/2016 - 959 view
Du lịch Phú Thọ, khâu đột phá

Du lịch Phú Thọ được xem là khâu đột phá, tạo sự kích cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động du lịch ngày càng đi vào chiều sâu với các khu du lịch trọng điểm và sản phẩm du lịch đặc trưng. Doanh thu du lịch tăng trưởng khá, hàng năm thu hút 6 - 7 triệu lượt khách đến tham quan và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Để có sự tăng trưởng cả về chất và lượng, trong những năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ, việc xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch Phú Thọ thiết yếu được tích cực triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, từng bước đưa vào khai khác các dự án thành phần của 4 khu du lịch: Thành phố Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy. Tại các khu, điểm du lịch Phú Thọ, cơ sở hạ tầng được nâng cấp, hiện đại hóa cùng hệ thống khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, thiết chế văn hóa lớn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch, vui chơi giải trí của du khách. Trong đó, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch dịch vụ đảm bảo phục vụ từ 5 - 7 triệu lượt khách tham quan và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua ở huyện Thanh Thủy với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ được đầu tư tương đối đồng bộ sau khi đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần đưa Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy trở thành điểm nghỉ dưỡng cuối tuần hút khách.

Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch nội tỉnh cũng cơ bản được hoàn thiện, sau khi đưa vào khai thác, sử dụng đã có tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch Phú Thọ. Trên cơ sở các khu du lịch trọng điểm đã hình thành, đưa vào cung ứng các sản phẩm du lịch đặc trưng và phát triển tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh phục vụ du khách như: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Bảo tàng Hùng Vương - Vườn Quốc gia Xuân Sơn - Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa); các tuyến Việt Trì - Hạ Hòa - Thanh Thủy; Việt Trì - Thanh Sơn - Thanh Thủy; Việt Trì - Đoan Hùng...

Bên cạnh việc phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, nhiều công ty du lịch Phú Thọ, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, đưa vào khai thác các tuyến theo cung đường 8 tỉnh Tây Bắc, xây dựng tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, kết nối với các tỉnh trong cả nước và du lịch quốc tế đường sông... Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ cũng đã thành lập và xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo phát triển du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch Phú Thọ và Hiệp hội du lịch tỉnh, phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cội nguồn của vùng đất Tổ...

Bà Vũ Thị Hoài Phương - Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết: Những năm trước đây mặc dù gặp nhiều khó khăn về lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, năng lực của các đơn vị kinh doanh du lịch, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập so với nhu cầu phát triển hiện nay của đất nước nhưng được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể và toàn xã hội, ngành du lịch tỉnh nhà vẫn có những bước phát triển. Số lượt khách lưu trú, lượt khách quốc tế đến tỉnh hàng năm đạt mức khá cao. Trong đó, năm 2016 tỉnh Phú Thọ đón gần 500 nghìn lượt khách lưu trú và 5,7 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu về du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng đạt 2.166 tỷ đồng. Đến năm 2015, ngành du lịch đã thu hút được 11.600 lao động tham gia làm việc. Công tác đào tạo, nguồn nhân lực du lịch Phú Thọ đã được quan tâm chỉ đạo bước đầu đáp ứng cho nhu cầu phát triển du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường đại học, cao đẳng mở mã ngành đào tạo du lịch với tổng số gần 800 sinh viên đã và đang được đào tạo...

Từ thực tế có thể thấy, với lợi thế đất thiêng của cội nguồn dân tộc, nơi tồn tại và lưu giữ nhiều giá trị thiên nhiên và nhân văn phong phú, du lịch Phú Thọ có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển. Vì vậy, để phát huy những lợi thế vốn có, từng bước xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng và đủ điều kiện để đăng cai Năm Du lịch Quốc gia vào năm 2020, thời gian tới các cấp, các ngành của tỉnh cần tập trung khai thác tối đa các lợi thế: Nguồn tài nguyên phong phú sẵn có đặc biệt là 2 di sản văn hoá thế giới “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”; huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong đó ưu tiên đầu tư, phấn đấu xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, hình thành và khai thác hiệu quả tour, tuyến du lịch phục vụ khách, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, thông tin quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch Phú Thọ...

TTXT du lịch Phú Thọ

Mục lục

Du lịch Phú Thọ
          - Vườn quốc gia Xuân Sơn
          - Đầm Ao Châu
          - Đền Mẫu Âu Cơ
          - Đền Hùng Phú Thọ