Với 2 di sản văn hóa phi vật thể nhân loại được UNESCO công nhận và một khu di tích đặc biệt cấp Quốc gia, hoạt động du lịch Phú Thọ mang đặc trưng riêng phù hợp với xu thế chung của du lịch tâm linh Việt Nam là hướng về cội nguồn, về lịch sử dân tộc, thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh đó, Phú Thọ có một nền văn hóa đa dạng phong phú với nhiều nghề thủ công truyền thống có thể khai thác, đầu tư tạo sản phẩm du lịch thu hút khách quốc tế về du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm... Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 19/10/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015, hoạt động du lịch Phú Thọ dù đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng. Tiếp tục được xác định là một trong bốn khâu đột phá của nhiệm kỳ 2016-2120, mục tiêu của ngành du lịch cho đến cuối nhiệm kỳ là: Phấn đấu xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành Khu Du lịch Quốc gia được Chính phủ công nhận; phấn đấu xây dựng và công nhận ít nhất: 1 khu du lịch địa phương (khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy), 1 điểm du lịch địa phương (Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ, Hạ Hòa); phấn đấu đạt số lượng khách du lịch lưu trú là 680.000 lượt người, trong đó có 8.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.800 tỷ đồng; thu hút và tạo việc làm cho 14.000 lao động, trong đó có 4.000 lao động trực tiếp. Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp quyết liệt để hiện thực hóa những mục tiêu trên.
Để đạt mục tiêu đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tập trung huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tại các trung tâm du lịch để hình thành các khu, điểm du lịch quốc gia và địa phương, ngành đã chủ trương: Tập trung huy động tổng hợp các nguồn vốn để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và hạ tầng dịch vụ tại 2 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là Thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thủy làm cơ sở kích thích, thúc đẩy du lịch Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững. Trong đó sẽ tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư để xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam và xây dựng khu di tích lịch sử Đền Hùng là khu du lịch quốc gia. Theo đó sẽ có rất nhiều những hạng mục công trình mới được khởi động trong các quần thể du lịch được quy hoạch tại thành phố và Khu di tích lịch sử Đền Hùng như: Tổ hợp khách sạn Trung tâm thương mại phường Thanh Miếu; Nhà hát Lạc Hồng; khu du lịch Văn Lang... Bên cạnh đó, ngành cũng ưu tiên tập trung nguồn lực xây dựng Thanh Thủy thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh với hệ thống công trình mới được dự kiến: Xây dựng cảng tàu du lịch đường thủy; quy hoạch các khu vực chợ quê, chợ nông sản cuối tuần để thu hút khách và phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách; kêu gọi, thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp từ 4 - 5 sao, các khu resort nghỉ dưỡng, các trung tâm vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm mua sắm, thương mại cao cấp tại khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy. Ngoài việc ưu tiên đầu tư xây dựng 02 trọng điểm du lịch Phú Thọ nêu trên, sẽ tiếp tục kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư hợp pháp để đầu tư cho khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn) và khu đền mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa)
Cùng với việc áp dụng những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư chung của tỉnh, Sở du lịch Phú Thọ cũng nghiên cứu tham mưu cho tỉnh xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư, phát triển du lịch: Có chính sách ưu đãi về thuế, giải phóng mặt bằng, miễn tiền thuê đất có thời hạn, đổi đất lấy hạ tầng du lịch; hỗ trợ kinh phí về đào tạo lao động địa phương làm việc trong doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi tín dụng và huy động vốn; hỗ trợ kinh phí đầu tư cho cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia vào sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch và tạo ra sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng của du lịch Phú Thọ; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin điện tử của tỉnh và ngành du lịch; xây dựng chính sách phát triển khu, điểm du lịch của tỉnh: Xây dựng quy chế công nhận khu, điểm du lịch địa phương; xây dựng và ban hành các chính sách, đề án bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bằng nguồn trái phiếu chính phủ, ODA; xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ và ưu tiên sử dụng ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường du lịch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Một giải pháp quan trọng nữa là tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, hình thành và khai thác hiệu quả tour, tuyến phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế đến du lịch Phú Thọ. Trong đó đặc biệt chú trọng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh với lễ hội Đền Hùng làm trọng điểm cùng kế hoạch phát huy giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ gắn với phát triển du lịch; sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí: Tập trung khai thác giá trị của mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy để xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh như: Tắm khoáng, ngâm bùn, tắm thuốc bắc; sản phẩm du lịch sinh thái - danh thắng tập trung đầu tư và khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên tại khu vực vườn quốc gia Xuân Sơn, khu du lịch đầm Ao Châu.
Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, còn cần phải tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch dịch vụ; đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, thông tin quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường lành mạnh trong phát triển du lịch dịch vụ. Với những giải pháp đề ra nhưng trên hết cần có sự tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phát triển du lịch, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư du lịch... đồng thời khuyến khích, vận động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong hoạt động kinh doanh du lịch nhằm đảm bảo phát triển du lịch Phú Thọ bền vững, hiệu quả cao.
TTXT du lịch Phú Thọ