Địa điểm du lịch Kênh gym

Đền Hùng Phú Thọ, tín ngưỡng tỏa sáng

23/11/2016 - 951 view
Đền Hùng Phú Thọ, tín ngưỡng tỏa sáng

Đền Hùng Phú Thọ - trung tâm thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng đặc biệt, khác hẳn với những tín ngưỡng, tôn giáo của các nước trên thế giới. Đây là một tín ngưỡng bản địa mang đậm bản sắc của người Việt, được ra đời khá sớm và tồn tại song song cùng với đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng... Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Từ lòng biết ơn đến tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên gia đình dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng thờ một Tổ Tiên chung của toàn dân tộc: Các Vua Hùng" .

Trong cuộc đời của mỗi người Việt Nam, dù sống ở nơi đâu, ai cũng mong muốn có một lần được về thăm viếng Đền Hùng Phú Thọ để thắp một nén nhang thành kính tri ân công đức Tổ tiên. Tín ngưỡng thờ Tổ tiên không phải chỉ ở Việt Nam mới có, mà nó xuất hiện và tồn tại ở nhiều nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhưng việc thừa nhận, suy tôn và thờ cúng người có công dựng nước đầu tiên là Quốc Tổ chung của cả nước và cả dân tộc cùng có chung một ngày giỗ Tổ (ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch) thì chỉ ở Việt Nam mới có.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được khởi đầu từ vùng đất Phú Thọ, nơi mà các nhà khoa học đã chứng minh là vùng trung tâm của nước Văn Lang cổ đại. Nếu lấy Đền Hùng Phú Thọ làm tâm điểm và mở rộng ra xung quanh, chúng ta thấy sự tập trung dày đặc các giá trị văn hóa vật thể: Đó là kho tàng văn hóa dân gian với biết bao truyền thuyết lịch sử, với những tục hèm thờ cúng và nghi thức lễ hội... liên quan đến thời đại Hùng Vương được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Từ những huyền thoại lịch sử về cha Lạc Long Quân kết duyên cùng mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng là cội nguồn của dân tộc, đến những việc quốc gia đại sự như việc chọn đất đóng đô, cầu tướng tài đánh giặc cứu nước, cầu mưa nắng, chọn người kế nghiệp đến dạy dân cày cấy, dệt vải, làm bánh, nấu mật, ca hát giao duyên... Mỗi truyền thuyết ấy đều gắn với một địa danh, sông núi, ao hồ, đất đai cụ thể. Có thể nói, đi trên đất Phú Thọ, nghe kể chuyện thời các vua Hùng, xem các di vật khảo cổ có thể hình dung được cuộc sống, lao động, sản xuất, chiến đấu bảo vệ quê hương, vui chơi, ca hát và những phong tục tập quán của ông cha ta thời dựng nước.

Tương ứng với các giá trị văn hóa phi vật thể đó là các giá trị văn hóa vật thể với 57 địa điểm khảo cổ đã được khai quật và nghiên cứu, chứng minh rằng: Khu vực Đền Hùng Phú Thọ cách đây hàng nghìn năm trước liên tục có người Việt cổ đến tụ cư, lập nghiệp. Điều đó được thể hiện qua các dấu tích văn hóa khảo cổ để lại kế tiếp từ văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn, với đủ các loại hình di chỉ cư trú, mộ táng, công xưởng, kho tàng... Đặc biệt, ngay tại vùng ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì được coi là nơi "tụ thủy, tụ nhân" với di chỉ Làng Cả, mà theo sử cũ ghi chép là "kinh đô của nước Văn Lang cổ đại"; và khu mộ của người Việt cổ thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn ở Gò De - xã Thanh Đình - TP. Việt Trì đều thuộc văn hóa Đông Sơn vào loại lớn ở nước ta.

Tại những địa điểm khảo cổ học quanh Đền Hùng, đã tìm thấy những hiện vật đặc biệt đó là những chiếc Nha Chương đá, mà theo Giáo sư Hà Văn Tấn: "Là vật biểu trưng quyền uy tối thượng về mặt chính trị - xã hội của Tù trưởng trong những tù trưởng, của vua trong những vị vua"; hay như chiếc trống đồng Đền Hùng Phú Thọ được xếp vào loại I bảo vật Quốc gia, được coi là "vật thiêng tượng trương cho quyền uy và địa vị của những thủ lĩnh quân chủ" và còn nhiều hiện vật độc đáo khác như: Vuốt đồng, bộ khóa đai lưng bằng đồng có 8 con rùa, rìu, giáo, qua đồng... Đó là những hiện vật tiêu biểu của những thủ lĩnh đã dùng để thể hiện vai trò và vị trí của mình trước bộ tộc và bộ lạc. Qua những dấu tích văn hóa để lại, chúng ta có thể liên tưởng đến cuộc sống và việc thực hành các nghi lễ nông nghiệp cổ xưa của cư dân thời Hùng Vương tại khu vực Đền Hùng, như cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã nói: "Đền Hùng là Thánh Địa của cư dân Việt cổ".

Tại khu vực Đền Hùng Phú Thọ - tâm điểm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày nay vẫn còn bảo lưu nhiều dấu tích về thời kỳ dựng nước ấy. Tại Đền Thượng trên đỉnh núi Hùng được gọi là "Kính Thiên Lĩnh Điện" (tức là Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Theo truyền thuyết, đây là nơi các vua Hùng lên tế lễ trời đất cầu cho mưa nắng thuận hòa, mùa màng tốt tươi, muôn dân no ấm, hạnh phúc, cũng là nơi thờ thần Núi, thần Lúa. Trên đỉnh núi Trọc Lớn liền kề núi Hùng có Hòn đá cối xay (còn gọi là đá ông, đá bà) gắn với nghi thức cầu sinh thực khí. Tại khu vực đền Trung theo truyền thuyết là nơi các Vua Hùng họp bàn việc nước, cũng là nơi Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh giầy trong cuộc thi tài chọn người kế nghiệp thời Hùng Vương thứ 6. Khu vực đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra bọc 100 trứng, sau nở thành 100 người con là nguồn gốc của cộng đồng người Việt. Đền Giếng là nơi công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa con gái vua Hùng thứ 18 đến soi gương, chải tóc...

Sự ra đời của các ngôi đền - nơi thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương trên núi Hùng như ngày nay được gắn liền với quá trình phát triển của các làng, xã (Công xã nông thôn) từ thời dựng nước, được trải qua các thời kỳ phong kiến sau này và ngày càng lan tỏa, phát triển rộng khắp. Theo ông Nguyễn Ngọc Chương trong bài viết "Về tình hình phân bố các di tích lịch sử thuộc thời các Vua Hùng" từ năm 1973 đã thống kê trên vùng đất Phú Thọ có 432 di tích thờ Hùng Vương và vợ con tướng lĩnh. Trong đó đình, đền, miếu thờ Hùng Vương là 40 nơi, vợ con các vua Hùng là 77 nơi, thờ Cao Sơn, Tản Viên và các tướng lĩnh là 288 nơi, còn lại 87 di tích có liên quan đến các sự kiện lịch sử thời các Vua Hùng.

Dưới thời quốc gia độc lập tự chủ, các triều đại phong kiến đã đặc biệt quan tâm đến Đền Hùng Phú Thọ và việc tổ chức thờ cúng Hùng Vương. Nhiều phế tích khảo cổ được khai quật trên núi Hùng có niên đại thế kỷ XII - XIV đã chứng minh sự ra đời của Tín ngưỡng thờ Thần núi và thờ các vua Hùng diễn ra trên núi Nghĩa Lĩnh. Khởi nguyên là tín ngưỡng thờ thần núi rất cổ xưa của cư dân vùng cao và suy tôn các vua Hùng - người có công cao như núi, mà sau này các triều đại phong kiến đã truy phong thành các mỹ tự hiện ghi trong các bài vị ở đền Hạ, đền Trung, đền Thượng.

Theo dòng chảy thời gian, đến nay Đền Hùng Phú Thọ và ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã được Nhà nước ta tôn vinh ở một tầm cao mới. Giờ đây, việc thờ cúng các Vua Hùng không chỉ ở một vùng, một miền mà đã lan rộng ra cả nước trở thành một nghi lễ quốc gia, dân tộc. Theo Bộ VHTTDL thống kê từ năm 2005 đã có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời Hùng Vương trong cả nước. Hiện nay, nhiều di tích thờ Hùng Vương đang tiếp tục được tôn tạo, xây dựng. Những thực thể Đền Hùng ấy đã tạo nên một không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một sự hồi quang của lịch sử, với sức sống, sự sáng tạo văn hóa và sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, kết thành ý thức "nguồn cội", nghĩa "đồng bào" và trở thành yếu tố nội lực tạo nên sức mạnh của dân tộc ta trong mọi giai đoạn lịch sử.

TTXT du lịch Phú Thọ

Mục lục

Du lịch Phú Thọ
          - Vườn quốc gia Xuân Sơn
          - Đầm Ao Châu
          - Đền Mẫu Âu Cơ
          - Đền Hùng Phú Thọ