Di tích động Người Xưa nằm trong Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) chính là nơi cư trú và mộ táng của người tiền sử, một di sản quý giá trong lịch sử phát triển của nhân loại, trở thành điểm tham quan hấp dẫn.
Thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa với tổng diện tích là 22.408 ha, thuyết minh về Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết đây là vườn quốc gia đầu tiên và là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. Là rừng nguyên sinh với hai dãy núi đá sừng sững chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam khép kín, tạo thành các lối chắn ngang với nhiều hang động đẹp như động Trăng Khuyết, hang con Moong, động Thanh Minh, động Người Xưa... Đến thăm động Người Xưa, du khách đi từ cửa rừng quốc gia Cúc Phương khoảng 4km, đi bộ trên cây cầu dài hơn 100m đến chân dãy núi đá vôi và leo lên tới độ cao khoảng 50m, vượt qua trên 200 bậc đá. Động có 3 ngăn, rộng và thoáng. Trong động có nhiều nhũ đá, khi gõ vào phát ra những âm thanh như tiếng cồng, tiếng chiêng của người Mường.
Năm 1966, được sự giúp đỡ của các chuyên gia người Đức, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương tiến hành khai quật hang động này. Qua khai quật cho thấy tại đây có một tầng văn hóa rất phong phú, đa dạng gồm có ốc suối, ốc núi, xương răng động vật như vượn, khỉ, gấu, lợn rừng, hươu, nai... Bên cạnh đó còn phát hiện được những công cụ lao động như rìu đá, dao cắt bằng đá và than tro dày gần 2m. Có thể thấy nguồn sống của người nguyên thủy ở đây chủ yếu là săn bắt và hái lượm. Họ đã biết chế tạo ra những dụng cụ sinh hoạt và công cụ lao động thô sơ bằng đá để tồn tại. Ngoài ra, đoàn khảo sát còn phát hiện ra những hiện vật bằng đất nung như đồ đựng, nồi vò được nặn bằng tay và chế tạo bằng bàn xoay được trang trí hoa văn vặn thừng, văn ấn vết lõm hình trăng khuyết.
Điều đặc biệt ở đây, hang động này không chỉ là nơi cú trú mà còn là khu mộ táng của người nguyên thủy. Đoàn khảo cổ và Vườn quốc gia Cúc Phương đã khai quật được 3 ngôi mộ cổ chôn theo tư thế nằm co, ngồi xổm với các bộ xương người đã hóa thạch còn khá nguyên vẹn. Bằng phương pháp phân tích các-bon phóng xạ C14, các nhà khảo cổ đã xác định bộ xương cách chúng ta ngày nay khoảng 7.500 năm. Thi hài người nguyên thủy được chôn xung quanh kè đá hộc, đáy rải đá răm và có mộ được rắc thổ hoàng và hầu hết các mộ này đều được quàn gần bếp lửa. Có lẽ người xưa đã có ý niệm về thế giới bên kia, họ đã chôn theo người chết một số công cụ sinh hoạt và đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể. Đây là lối cấu trúc mộ cổ đầu tiên được phát hiện trong các di chỉ thuộc nền văn hóa Hòa Bình và cũng là ý niệm sơ khai về tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy.
Động Người Xưa trong Vườn quốc gia Cúc Phương là một hang động khô mang đặc trưng của núi đá vôi, không khí rất mát mẻ, thoáng đãng, vì có một cửa hang ở trên đỉnh núi hút gió vào toàn bộ hang nên không khí ở đây rất dễ chịu. Có lẽ đây cũng là lý do tại sao những người tiền sử sống cách chúng ta hàng ngàn năm đã chọn hang động này làm nơi sinh sống. Động Người Xưa còn có một ngăn giữa hẹp, tối và ẩm thấp, không thấy dấu tích của người xưa nhưng đặc biệt ở đây có rất nhiều dơi, chính vì vậy hang động này còn có một tên khác nữa là hang Đắng. Qua điều tra, các nhà khoa học đã nhận định đây là hang động có số lượng loài dơi sinh sống nhiều nhất trên thế giới với 19 loài. Ngăn trong của động cũng tối và ẩm, có rất nhiều nhũ đá đẹp được người dân địa phương tưởng tượng hình mẹ bồng con, buồng cô dâu, hình muông thú... Ở ngăn này còn có nhóm nhũ đá được ví như một bộ đàn đá.
Đến thăm Vườn quốc gia Cúc Phương, du khách không chỉ có cơ hội được tham quan du lịch, nghỉ dưỡng, được khám phá cuộc sống phong phú của các loài động thực vật, mà còn được nghiên cứu, tìm hiểu những điều lý thú, bí ẩn, những di tích khảo cổ ở động Người Xưa. Đây là một trong những di tích lịch sử để minh chứng cho sự phát triển của loài người, là dấu ấn sự sống thuở sơ khai của nhân loại, một di sản vô giá trong khu rừng Cúc Phương cần được bảo vệ.
TTXT du lịch Ninh Bình