Thế kỷ X có nhiều biến động lịch sử và đây chính là giai đoạn bản lề đánh dấu sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đô hộ suốt hơn 1000 năm lịch sử. Các triều đại phong kiến non trẻ Việt Nam từ Ngô, Đinh, Tiền Lê tiếp nối nhau khẳng định nền độc lập dân tộc bằng những chiến thắng oai hùng trước giặc ngoại xâm và cả những thế lực cát cứ địa phương để thống nhất đất nước. Trong bối cảnh lịch sử đó, vùng đất Cố đô Hoa Lư đã được các triều đại phong kiến Việt Nam vừa mới hình thành chọn làm nơi đóng quốc đô của đất nước.
Trong số những vấn đề về Khu di tích Cố đô Hoa Lư thì việc tìm hiểu về các công trình kiến trúc đã được sử sách ghi chép (cung điện, tường thành, đền miếu, dinh thự...) là đặc biệt quan trọng. Bởi chỉ có hiểu biết thấu đáo về các công trình kiến trúc thì mới có thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của khu di tích trong giai đoạn hiện nay. Việc nghiên cứu hệ thống di vật, các loại hình vật liệu kiến trúc ở trung tâm di tích Cố đô Hoa Lư là rất cần thiết.
Những năm qua, Cố đô Hoa Lư đã được chú trọng nghiên cứu, đặc biệt nhiều cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành đã góp thêm nhiều tư liệu quý giá làm sáng tỏ hơn những thông tin đã được ghi trong các bộ chính sử phong kiến trước đây. Hệ thống những loại vật liệu kiến trúc tham gia vào xây dựng kiến trúc ở kinh đô Hoa Lư thế kỷ X bao gồm các loại chất liệu gạch, ngói, đất nung, đá và gỗ.
Trong tất cả các loại vật liệu kiến trúc, gạch là loại hình hiện vật có số lượng nhiều nhất, tham gia vào nhiều vị trí kiến trúc từ chân móng thành, tường thành, tường bao kiến trúc, lát nền hoặc lát thềm sân. Gạch có nhiều loại: gạch hình khối chữ nhật xây tường có chữ hoặc không có chữ, gạch hình múi bưởi, gạch lát nền hình khối vuông có trang trí. Gạch hình chữ nhật có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” với một số khác biệt nhỏ trong khuôn in là loại hình chủ yếu, vài viên có chữ “Giang Tây quân”, cá biệt có viên có in chữ “Bình” ở mặt sau. Gạch lát nền hình khối chữ nhật có hai dạng mô típ trang trí chính là trang trí hoa sen và trang trí hình đôi phượng vờn nhau.
Ngói có số lượng nhiều thứ hai trong số hiện vật phát hiện được ở Cố đô Hoa Lư. Bao gồm các loại: ngói bò nóc, ngói ống, ngói mũi. Trong đó nhóm ngói ống có chức năng lợp diềm mái phần đầu có trang trí các mô típ hoa văn hình cánh sen đẹp, tinh tế. Đồ đất nung và đồ đá có số lượng ít. Đồ đất nung chủ yếu là vật liệu trang trí kiến trúc, đều vỡ mảnh. Đồ đá đa phần là đá tự nhiên tham gia vào các vị trí kè móng tường thành hoặc gia cố chân cột. Cũng tìm thấy một số hiện vật có liên quan đến kết cấu kiến trúc của các cung điện ở Cố đô Hoa Lư xưa như bệ đá, chân tảng... Vật liệu kiến trúc bằng gỗ chỉ tìm thấy ở những vị trí gia cố móng tường; móng nền nhưng qua những dấu vết kỹ thuật còn lại có thể thấy đây là những cấu kiện kiến trúc bị hỏng được người xưa tận dụng vào việc khác.
Những vật liệu kiến trúc đã trình bày, cùng những dấu tích hiện còn ở Cố đô Hoa Lư thấy được qua các đợt khai quật, điều tra khảo cổ, cho biết Hoa Lư xưa đã có những công trình kiến trúc quy mô, bề thế. Đặc trưng của vật liệu kiến trúc ở Hoa Lư là sự xuất hiện phổ biến của nhóm hiện vật gạch, ngói có chất liệu đồng nhất là đất nung màu nâu đỏ, chất liệu khá mịn, chắc, nhưng độ nung không cao nên khi nằm lâu trong lòng đất, thường bị mềm, bở và rất dễ bị mủn nát.
Vật liệu kiến trúc ở Cố đô Hoa Lư, đặc biệt là nhóm gạch ngói, mặc dù người Việt học hỏi kỹ thuật của người Hoa nhưng đã hoàn toàn sản xuất theo tiêu chuẩn riêng của mình. Những mô típ trang trí sen, phượng khô cứng cũng được người Việt điều chỉnh làm mềm mại, phù hợp hơn với văn hóa Việt. Những vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc mới nhanh chóng được người Việt hòa cùng phong cách kiến trúc tre gỗ truyền thống, từ đó tạo nên phong cách kiến trúc và trang trí kiến trúc riêng, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc.
Những vật liệu kiến trúc ở Hoa Lư góp thêm tư liệu khẳng định Khu di tích Cố đô Hoa Lư được xây dựng vào thời Đinh - Lê. Tất cả hệ thống di tích, di vật tìm được ở Hoa Lư đa phần đều nằm trong niên đại khoảng thế kỷ X. Niên đại này có lẽ nằm vào nửa cuối thế kỷ X - đầu thế kỷ XI như trong thư tịch cổ đã ghi chép. Có thể ghi nhận rằng, ở thế kỷ X, với niềm tự hào giành được độc lập dân tộc, thoát khỏi ách đô hộ Bắc thuộc gần nghìn năm, người Việt đã tiếp thu những tinh hoa của kỹ thuật làm vật liệu kiến trúc mới kết hợp với những hiểu biết riêng của mình để làm phong phú thêm những loại vật liệu phục vụ xây dựng những công trình kiến trúc mới ở thế kỷ X với phong cách kiến trúc rất riêng biệt không lẫn với bất kỳ thời kỳ nào trước và sau đó, tạo đà cho sự thăng hoa trong việc xây dựng và trang trí kiến trúc ở các giai đoạn sau này.
Qua vật liệu kiến trúc ở Hoa Lư ghi nhận kỹ thuật xây dựng ở Cố đô Hoa Lư vào thế kỷ X có những khác biệt nhất định so với thời kỳ trước đó. Người Việt bên cạnh việc tiếp thu những kỹ thuật kiến trúc mới từ Trung Quốc đã biến nó thành những kỹ thuật riêng của mình để từ những phong cách kiến trúc và trang trí kiến trúc dù mang phương thức chung giống các nước láng giềng như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản nhưng lại tô đậm dấu ấn văn hóa, mỹ thuật của người Việt, văn hóa Việt.
Qua nghiên cứu vật liệu kiến trúc ở Cố đô Hoa Lư ghi nhận cách xây dựng thành tận dụng địa thế tự nhiên hiểm trở, kết hợp hài hòa với những tuyến thành nhân tạo, cách tận dụng những tuyến đường thủy như sông Sào Khê làm hào, cộng với kỹ thuật xây thành, xây cung điện có dùng đến cây họ cỏ, cây thân gỗ để chống lún, gia cố móng tường thành, công trình kiến trúc trong môi cảnh thung lũng Hoa Lư lầy lội thể hiện cách thích ứng, cách sử dụng những lợi thế đặc điểm địa hình tự nhiên của nhân loại ở một tầm cao mới trên cơ sở kế thừa truyền thống sử dụng vùng núi và thung lũng.
Qua nghiên cứu vật liệu kiến trúc Cố đô Hoa Lư ở thế kỷ X có thể nhận thấy sự vươn lên làm chủ kỹ thuật sản xuất vật liệu kiến trúc và nắm bắt nghệ thuật kiến trúc của người Việt. Đó là một quá trình vừa duy trì và phát triển truyền thống kiến trúc cổ truyền, vừa tiếp thu những tinh hoa kỹ thuật mới và hòa tan nó vào truyền thống kiến trúc cổ Việt Nam, từ đó tạo nên một phong cách kiến trúc riêng của Việt Nam ở thế kỷ X. Một lần nữa khẳng định niên đại của kinh đô Hoa Lư thế kỷ X, khẳng định về sự độc lập, tự chủ của nước Việt, khẳng định là nền tảng của văn minh Đại Việt thời Lý - Trần.
TTXT du lịch Ninh Bình