Địa điểm du lịch
Kênh gym
Lang Da Non Nuoc Da Nang
Làng đá Non Nước - Đà Nẵng
Làng đá Non Nước Ngũ Hành Sơn nổi danh với nghề truyền thống gần 400 năm tuổi. Nơi đây là cái nôi đã cho ra đời vô số những tác phẩm nghệ thuật chế tác từ đá, được bạn bè trong và ngoài nước đón nhận và đánh giá cao.
Giới thiệu làng đá Non Nước
Làng nghề đá Non Nước ở Đà Nẵng hình thành từ thế kỷ XVII - XVIII. Dựa vào phổ ý ở đền thờ Thạch Nghệ Tổ sư dưới chân ngọn Mộc Sơn, thì tổ nghề của làng đá là người khắc bia chùa Phổ Khánh (chùa làng Ái Nghĩa, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) năm Mậu Ngọ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3, đời Lê Hy Tông (1678) là một người họ “Huỳnh”, quê tại “Quán Khái xã”. Hàng năm, vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, người dân vẫn đều đặn tổ chức ngày giỗ Thạch Nghệ Tổ sư nhằm tưởng nhớ bậc tiền bối đã có công khai phá và tạo dựng làng điêu khắc đá Non Nước.
Buổi đầu, người thợ làng đá Ngũ Hành Sơn chỉ khai thác đá tại chỗ để dùng trong xây dựng và tạo ra một số dụng cụ lao động đơn giản như: cối xay, cối giã, đá buộc neo thuyền, đá buộc chài dụ cá... Về sau dần mở rộng thêm các sản phẩm điêu khắc bia mộ, các tác phẩm nghệ thuật trang trí, tượng thờ trong các chùa miếu, lăng tẩm, cung đình... Từ năm 1980, để bảo vệ di tích và cảnh quan khu danh thắng, nguồn đá thay thế chủ yếu được mua từ các tỉnh phía bắc như Thanh Hóa, Nghệ An... đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng gia tăng của làng đá Non Nước.
Đến nay, làng đá mỹ nghệ Non Nước đã phát triển vượt bậc với hàng trăm cơ sở sản xuất, hàng nghìn lao động thường xuyên, sản phẩm đá mỹ nghệ chất lượng cao đã vượt ra khỏi quốc gia vươn mình ra thế giới, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Có thể nói trên đất nước Việt Nam, không ở đâu có những tác phẩm đá mỹ nghệ được công chúng đánh giá cao như sản phẩm làng đá Non Nước, cũng không đâu có nhiều nghệ nhân chế tác đá được vinh danh, đạt nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế như những người con sinh ra trên mảnh đất này.
Càng tự hào hơn khi qua bao thăng trầm lịch sử, làng đá Non Nước vẫn vững vàng và đầy sức hút với nhiều thế hệ. Đặc biệt vào năm 2014, làng nghề đá Non Nước Đà Nẵng đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và là cấu phần không thể tách rời của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Du lịch làng đá Non Nước
Đến với làng chạm khắc đá Non Nước, du khách có thể dạo chơi mua sắm tại các cửa hàng nhỏ và vừa ở đường Huyền Trân Công Chúa, nằm ngay dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Hay đến Phố chuyên doanh đá mỹ nghệ trên đường Trường Sa, với các cơ sở quy mô lớn, có không gian rộng, bài trí đẹp, giá cả cũng được niêm yết rõ ràng... Còn muốn quan sát cận cảnh quá trình chế tác đá thì khu sản xuất tập trung ở đường Mai Đăng Chơn sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách. Cả 3 khu vực này đều thuộc phường Hòa Hải và cách nhau chỉ chừng 1-2km.
Chọn thăm một cơ sở của làng đá Non Nước, du khách không khỏi trầm trồ trước sự phong phú và sinh động của các mặt hàng. Với kích cỡ lớn và những nét biểu cảm chân thực như người thật, các pho tượng Phật, tượng Thánh, danh nhân... thường được trưng bày phía trước. Kề sau là các bức tượng thú, đèn vườn, bình hoa... với kích cỡ nhỏ hơn nhưng không kém phần trau chuốt. Trên quầy kệ là những sản phẩm lưu niệm đa dạng như: bi lăn tay, ly uống rượu, thuyền trên sông, cầu Sông Hàn, núi Ngũ Hành Sơn, đĩa đá thiên nhiên có biểu tượng Đà Nẵng..., cùng các loại trang sức, mặt đá dây chuyền điêu khắc tượng Quan Âm, Phật Di Lặc, cá chép... được tạo tác cầu kỳ, khéo léo.
Theo tài liệu thuyết minh về làng đá Non Nước, để tạo nên một tác phẩm mỹ nghệ, người thợ phải cắt đá thành hình khối tùy theo từng chủ đề, rồi mường tượng về sản phẩm trước để căn chỉnh và phác họa những đường nét cơ bản nhất. Tiếp đó, người thợ dùng đục để tạo ra bản lề của sản phẩm. Sau công đoạn đục thô là quá trình mài, gọt, tạo dáng sản phẩm. Lúc này, người thợ lần lượt sử dụng các mũi dao khác nhau để tỉa gọt thành hình. Tay trái luôn cầm một ống dẫn nước nhỏ để làm mềm đá vừa giảm lượng bột đá bay ra, không gây cản trở trong khi chế tác. Tay thuận cầm máy tỉa, gọt liên tục đưa những đường ngọt lịm, dứt khoát lên bề mặt đá. Tuy nhiên, để khối đá vô tri dần toát lên vẻ đẹp của cuộc sống, mang tâm hồn của con người với những nét uốn lượn đẹp mắt, người thợ phải ghì máy bào thật chắc, tì mạnh tay vào đá cứng, liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày để hoàn thành sản phẩm.
Tham quan làng đá Non Nước mới thấy, mỗi tác phẩm mỹ nghệ ở đây đều được đẻo gọt kỳ công, chạm trổ tinh xảo, thể hiện nét tài hoa, tinh túy của các nghệ nhân - những người am hiểu từng thế đá và thổi hồn vào đá bằng cả tài năng, tâm huyết của mình, tạo nên ấn tượng mạnh với du khách và dễ khiến nhiều người mê mẩn.
Làng đá Non Nước - bậc thầy
Làng đá Non Nước - thợ trẻ nối nghề
Làng đá Non Nước - phố chuyên doanh
Làng đá Non Nước - đánh bóng tác phẩm
Làng đá Non Nước thu hút du khách
Làng đá Non Nước - bộ bàn ghế bằng đá
Xem thêm
Làng đá Non Nước
-
Hình ảnh Làng đá Non Nước
-
Bản đồ đường đi Làng đá Non Nước
Tin du lịch làng đá Non Nước
Apr
14
Làng đá Non Nước phát huy giá trị truyền thống
Jan
23
Làng đá Non Nước, tâm huyết với nghề
Mar
25
Làng đá Non Nước tiếp đà phát triển
Sep
26
Làng đá Non Nước, tài hoa người thợ
Jan
14
Làng đá Non Nước có phố chuyên doanh
Mục lục
Du lịch Đà Nẵng
-
Bãi biển Mỹ Khê
-
Bán đảo Sơn Trà
-
Khu du lịch Bà Nà Hills
-
Ngũ Hành Sơn
-
Làng đá Non Nước
-
Bãi biển Non Nước
-
Bảo tàng điêu khắc Chăm
-
Đèo Hải Vân
-
Bãi biển Xuân Thiều
-
Bãi biển Thanh Bình
-
Làng cổ Túy Loan
-
Làng cổ Phong Nam