Địa điểm du lịch Kênh gym

Phố Hiến, ký ức một thời

27/04/2017 - 2260 view
Phố Hiến, ký ức một thời

Thật kỳ diệu thay những con sông, dòng chảy ngày đêm ấy, uốn lượn đến đâu, lở - bồi nơi nào để mang theo một câu chuyện của riêng mình. Và câu chuyện tôi muốn kể hôm nay là khi cả nghìn năm về trước, nơi ngã ba sông Hồng - sông Luộc (nối sông Hồng và sông Thái Bình) gặp nhau, giao hòa dòng chảy, vun đắp lên “vùng phù sa Phố Hiến Hưng Yên”.

Biết bao làng xã Việt Nam hình thành cạnh bến sông, ngay cả các đô thị thời cổ cũng nằm bên sông, điều này không có gì lạ khi xưa kia giao thông thủy vốn là huyết mạch của sự phát triển. Thế nên “Thứ nhất Kinh kỳ” là kinh đô của các dòng sông, “Thứ nhì Phố Hiến” của chúng ta cũng là một đô thị thương cảng ven sông. Các nhà nghiên cứu về lịch sử, địa lý cả trong và ngoài nước đã phác địa hình rằng: Cách đây nghìn năm, sông Hồng có một nhánh chảy từ Đằng Châu, qua Hiến Nam, vào cửa Càn, xuống cống Vân Tiêu, đổ ra ngã ba sông Luộc. Phố Hiến khi đó mới là một bãi bồi ở giữa sông. Ôi chao, một mảnh đất phù sa màu mỡ, sông nước bao quanh, thuyền bè xuôi ngược, chỉ tưởng tượng thôi cũng đã xúc động trước vẻ đẹp trời ban ấy. Không chỉ quy tụ mỡ màu của những con sông lớn để cây cối đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái, vạn vật sinh sôi, làng mạc trù phú, mà nơi đó còn quy tụ thương nhân, lữ khách Á - Âu về cập bến, buôn bán làm nên thương cảng của một thời.

Lật những trang vàng son của lịch sử Phố Hiến, mảnh đất vang danh bắt đầu từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI với dấu mốc “Nơi đặt dinh tự của ty Hiến sát sứ”. Từ đây được biết đến với những địa danh khắc ghi trên bia đá: “Thượng chí Tam Đằng - Hạ chí Tam Hoa” (Tam Đằng gồm: Đằng Châu, Xích Đằng, Đằng Man; Tam Hoa gồm: Hoa Dương, Hoa Cái, Hoa Điền). Từ một nơi đặt cơ quan công quyền của Nhà nước thời bấy giờ, những dòng sông đã dẫn lối để thuyền bè bốn phương tụ hội, lên kinh đô; xây dựng phố chợ sầm uất với mấy chục phường, lại hình thành thương điếm của nhiều quốc gia nổi tiếng về hàng hải như: Anh, Hà Lan... Có một khoảng thời gian mấy mươi năm, thương nhân nước ngoài muốn lên kinh thành phải ghé thăm Phố Hiến, còn phải lưu trú tại đây để được Tuần ty cấp giấy thông hành, sau đó mới được vận chuyển hàng hóa lên kinh.

Có thương nhân ắt có hàng hóa, có hàng hóa ắt có bán buôn. Người dân nơi đây cũng hòa vào vòng xoay thương mại ấy, góp công hình thành nên các phường thủ công, buôn bán với người nước ngoài. Nào hàng Thuộc Da, hàng Nón, hàng Cá, hàng Thịt... nghe vừa dân dã, vừa thuần Việt lại rất có tính thị trường! Tôi thường tưởng tượng ra cảnh người xưa với chiếc nón lá, chiếc khăn mỏ quạ, chiếc đòn gánh, sánh vai với những thương nhân Trung Hoa kiểu cách, thương nhân phương Tây cao lớn, cùng bán bán, buôn buôn, nói nói, cười cười thật sinh động.

Nếu để nói một câu tả về thời kỳ hưng thịnh, tôi muốn tự hào xem mảnh đất này là nơi quy tụ của văn hóa, một vùng phù sa đa sắc màu. Chính sự quy tụ của đông đảo thương nhân đa quốc gia đã tạo nên vẻ độc đáo, dựng lên nhiều công trình đặc trưng: Nhà thờ, đền, chùa... đưa kiến trúc Phố Hiến trở thành một trong những địa chỉ hàng đầu cả nước về sự phong phú của các công trình văn hóa, tâm linh. Những lồng đèn rực đỏ của người Hoa, những đường nét cổ kính theo lối Gô-tích của nhà thờ Thiên chúa giáo, Đông Đô Quảng Hội tấp nập người, những ngôi chùa đặc trưng của người Việt ngan ngát khói hương...

Một ngày nọ, đi trên con đê bao quanh hồ Bán Nguyệt, tình cờ tôi bắt chuyện được với một cụ ông tuổi đã ngoài tám mươi, mái tóc bạc, thong dong tản bộ bên hồ. Cụ là một trong những người gốc Phố Hiến xưa đang cư trú tại phường Hồng Châu. Ánh mắt lấp lánh, cụ Nguyễn Văn Khuê cho biết: “Qua lời kể chuyện của các cụ trong gia đình, đã dần vẽ lên trong tuổi thơ tôi một thời Phố Hiến hoa lệ và tấp nập. Có cụ cố trong họ nhà tôi đã từng làm tiểu thương, từng buôn bán với người Tây, người Trung Quốc, đến nay gia đình còn giữ được một số đồ thủ công, mỹ nghệ nho nhỏ làm kỷ niệm trong nhà. Được sống trên nền đất xưa văn hiến, tôi lúc nào cũng thấy tự hào, và chắc chắn, niềm tự hào này sẽ được các thế hệ trong gia đình tôi truyền lại cho con cháu mãi về sau”.

Có lẽ, khách du lịch sẽ chẳng phải mất cả ngày để đi tham quan Phố Hiến nhỏ xinh của chúng tôi, nhưng sẽ cần rất nhiều thời gian để hiểu và để yêu từng điều tuyệt vời ở nơi đây, khi qua từng con phố còn đậm hơi hướng xa xưa, qua từng công trình đã in màu thời gian, phủ lớp rêu phong nhưng vẫn được người nay trân trọng và giữ gìn. Xin kết lại câu chuyện nhỏ của tôi bằng một lời hát ngọt ngào, như tâm tình của cô gái Phố Hiến có đôi mắt đen láy tựa hạt nhãn lồng: “Mời anh về thăm quê tôi, nơi dòng sông Hồng phù sa đỏ mịn/ Rặng nhãn, bờ đê tắm mình trong nắng, nghe vang nhịp chèo câu hát à ơi”...

TTXT du lịch Hưng Yên

Mục lục

Du lịch Hưng Yên
          - Phố Hiến
                    - Văn miếu Xích Đằng
                    - Chùa Chuông
                    - Đền Trần
                    - Đền Mẫu
                    - Chùa Hiến
                    - Chùa Nễ Châu
          - Đền Chử Đồng Tử