Địa điểm du lịch Kênh gym

Chợ tình Khâu Vai lắng đọng lời ru

13/05/2018 - 2705 view
Chợ tình Khâu Vai lắng đọng lời ru

Vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm, đến hẹn lại lên, các chàng trai, cô gái xúng xính trong trang phục dân tộc truyền thống cùng nhau hẹn về chợ tình Khâu Vai Hà Giang. Giữa dòng người tấp nập, không khó để bắt gặp những ánh mắt vời vợi nhìn về nơi xa mong ngóng người... tới phiên chợ, có những cặp đôi tìm lại được nhau, họ dành cho nhau phút giây trải lòng sau một năm xa cách.

Ngay từ sáng sớm ngày 26/3 âm lịch, khi mặt trời chưa kịp “tỉnh giấc”, mảnh đất Khâu Vai yên bình vẫn chìm trong màn sương mỏng, các chàng trai, cô gái trong vùng đã nô nức về tham gia phiên chợ. Trên các nẻo đường vượt qua những dãy núi đá chập trùng, vòng qua những nương ngô xanh ngát đang thì con gái, mỗi bước chân như muốn nhanh hơn để không lỡ lời hẹn năm trước. Có người đến chợ tình Khâu Vai nhiều lần, cũng có người mới lần đầu tiên, nhưng tất cả đều có mong muốn được hòa mình với thiên nhiên thơ mộng, muốn được đắm say trong điệu khèn Mông, trong tiếng sáo gọi bạn.

Dù đã trải qua 99 năm hình thành, nhưng chợ tình Khâu Vai vẫn giữ riêng cho mình vẻ đẹp vốn có. Vẻ đẹp ấy thể hiện ở tính nhân văn sâu sắc trong câu chuyện tình yêu huyền thoại giữa Chàng Ba và Nàng Út. Để rồi, tình yêu cao đẹp đã lay động lòng người; trở thành nỗi niềm mong mỏi của bao đôi lứa yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Trong những ánh mắt ngóng về nơi xa, Hầu Thị Mai ở thôn Sủng Trà, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) nói nhỏ với tôi rằng, đã đến Chợ tình từ sáng sớm. Kể từ khi bén duyên cùng chàng trai khác xã trong một lần đi chơi Tết, Mai đã luôn thầm yêu, trộm nhớ nhưng vì không thể nên duyên chồng vợ, Mai đã cùng hứa với chàng trai sẽ gặp lại nhau trong phiên Chợ tình. Vậy nên hôm nay, Mai mặc bộ quần áo đẹp nhất để tìm về phiên chợ mong gặp lại người cũ.

Giữa cuộc sống bộn bề, đôi khi có những phút giây khiến lòng ta chợt nhớ lại ký ức một thời. Ai cũng có một thời trai trẻ, thanh xuân và rung động đầu đời. Trong tình yêu, hai chữ “duyên phận” đã làm nên bao nụ cười hạnh phúc và cả những giọt nước mắt rơi, bởi có những đôi yêu nhau nên duyên chồng vợ, nhưng có người yêu nhau lại không thể đến được với nhau. Rồi trong một khoảnh khắc không gian, thời gian bất chợt, họ nhớ về những kỷ niệm đẹp của tình yêu. Đến với chợ tình Khâu Vai là tìm về những phút giây trải lòng, sẻ chia, không ghen tuông, giận hờn. Vì thế, nơi đây có nhiều đôi vợ chồng cùng đi Chợ tình. Đến nơi, mỗi người đều đi tìm bạn của mình; họ tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của nhau. Chỉ một đêm, những đôi bạn tình cầm tay nhau, trải nỗi lòng mình. Những phút giây “ngoài chồng, ngoài vợ” ấy chỉ diễn ra duy nhất trong một ngày, rồi sau đó “cửa lòng” được đóng lại để trở về với cuộc sống gia đình thực tại, không mang theo vương vấn.

Đến với chợ tình Khâu Vai không chỉ tìm về bến đợi tình yêu mà còn đến với nét đẹp trong phong tục truyền thống của người dân nơi đây. Đã thành thông lệ, chiều 26/3 âm lịch, các hộ dân trong thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai sắm sửa lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà, tỏ lòng tưởng nhớ về câu chuyện tình yêu cảm động của Chàng Ba và Nàng Út. Lễ dâng hương gồm nhiều đồ lễ do người dân tự tay làm; mang đậm giá trị văn hóa của cư dân vùng Cao nguyên đá; thể hiện tình yêu và sự đoàn kết giữa các dân tộc. Tham gia Lễ dâng hương, người dân và du khách thập phương cầu mong sự bình an trong cuộc sống; cầu mong cho tình yêu đôi lứa luôn bền chặt. Trong số các du khách về dự Lễ dâng hương, bà Đặng Thị Mai - du khách đến từ TP Hải Phòng lần đầu tiên đến với Chợ tình, cho biết: “Đây thật sự là một phiên Chợ tình độc đáo, giữ gìn được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Nét đẹp ấy không chỉ nhắn nhủ cho chúng ta về cách nhìn nhận tình yêu, về cách sống mà còn cho chúng ta thêm động lực để vượt qua khó khăn”.

Sau khi trải nghiệm các hoạt động văn hóa, chắc hẳn du khách đến với chợ tình Khâu Vai còn ấn tượng bởi chương trình khai mạc Lễ hội có chủ đề “Ru tình Khâu Vai” với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, tái hiện truyền thuyết về tình yêu giữa chàng Ba và nàng Út - nguồn cội của phiên Chợ tình “có một không hai”. Để tạo ấn tượng đẹp khi du khách đến với Chợ tình, huyện Mèo Vạc đã tạo ra những điểm nhấn như: Tạo cảnh quan trong “Mê cung đá”, “Cung đường tình yêu”, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống... Xuyên suốt các chuỗi sự kiện trong lễ hội là các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian với sự tham gia của đông đảo nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Qua đây, nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao như: Hát đối giao duyên, thi địu nước, rót nước vào chai, hát múa, thổi khèn Mông đã được tái hiện sinh động. Du khách còn được hóa thân thành các chàng trai, cô gái người dân tộc địa phương cưỡi ngựa về Chợ tình tìm bạn; trải nghiệm nét sinh hoạt văn hóa của dân tộc Giáy; tham gia Lễ hội Cầu mưa của dân tộc Lô Lô; chụp ảnh hoa Tam giác mạch, giao lưu ẩm thực và tham quan các gian hàng sản phẩm truyền thống địa phương. Các hoạt động đã phản ánh nét tinh túy trong văn hóa của đồng bào vùng cao và phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc. Qua đó, góp phần quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Mèo Vạc nói riêng và Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung.

Chợ tình Khâu Vai là thế! Không ồn ào, náo nhiệt mà lắng đọng những giây phút sẻ chia. Có lẽ, mỗi người đến đây đều có những lý do và cảm nhận riêng. Có người đi tìm “một nửa” của mình khi đã lỡ hẹn duyên tình và có cả các bạn trẻ đi tìm người yêu để hẹn hò, kết duyên chồng vợ; có người muốn trút bầu tâm sự về cuộc sống, qua những chén rượu nồng bên nồi thắng cố. Lễ hội chợ tình Khâu Vai 2018 đã khép lại nhưng những dư âm của lời “Ru tình Khâu Vai” sẽ vẫn còn đọng mãi trong lòng du khách gần xa.

Chợ tình Khâu Vai lắng đọng lời ru 2

Chợ tình Khâu Vai lắng đọng lời ru 3

Chợ tình Khâu Vai lắng đọng lời ru 4

Chợ tình Khâu Vai lắng đọng lời ru 5


TTXT du lịch Hà Giang

Mục lục

Du lịch Hà Giang
          - Núi đôi Quản Bạ
          - Dinh họ Vương
          - Cao nguyên đá Đồng Văn
          - Cột cờ Lũng Cú
          - Đèo Mã Pí Lèng
          - Chợ tình Khâu Vai
          - Thôn Tha