Loại hình thể thao gắn với du lịch Hà Giang được tỉnh xác định là hướng đi mới, tích cực, sẽ mang lại nhiều giá trị kép nếu biết phát huy và tổ chức hợp lý. Từ thành công của giải đua xe đạp, bán Marathon trên cung đường Hạnh phúc, tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tổ chức nhiều hoạt động thể thao gắn du lịch nhằm tăng cường quảng bá, thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Từ thành công của giải bán Marathon
Giải bán Marathon Hà Giang lần thứ I đã qua, nhưng dư âm tốt đẹp vẫn còn đọng lại trong tâm trí người dân vùng cao, khách đi du lịch Hà Giang tháng 4 vào dịp nghỉ lễ 4 ngày vừa qua. Đặc biệt, đối với những vận động viên (VĐV) trực tiếp trải nghiệm sức mình, chạy bằng đôi chân trên cung đường đệ nhất hùng quan nơi ải bắc Tổ quốc thì giải bán Marathon đã tiếp cho họ nhiều nghị lực mãnh liệt. Trong số những VĐV tham dự giải, nhiều người từng đến các điểm du lịch Hà Giang, đã trải qua các cung bậc cảm xúc trước cảnh vật, con người sinh sống trên vùng Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhưng trước đây, họ khám phá mảnh đất này bằng các phương tiện của cuộc sống hiện đại như ô tô, xe máy, những đèo cao, núi non dễ vượt qua, còn lần này trực tiếp chạy hơn 20km, vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng, dốc núi cao vời vợi nối Đồng Văn - Mèo Vạc, thực sự là quãng thời gian trải nghiệm khó quên.
Lần đầu tiên tổ chức, lại hạn chế về kinh phí nên các hoạt động quảng bá, tuyên truyền chưa được tiến hành một cách chuyên nghiệp, bài bản, nhưng không vì thế giải bán Marathon kém đi sức hút, giảm độ hấp dẫn. Bằng chứng là một số du khách nước ngoài, khi tiếp cận nguồn thông tin hiếm hoi bằng tiếng Việt, đã cố gắng liên lạc với Ban tổ chức (BTC), đăng ký tham gia. Nhiều VĐV trong nước, khi nghe giới thiệu về cung đường chạy của giải sẽ vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng huyền thoại, nơi cách đây mấy mươi năm về trước, hàng trăm công nhân treo mình trên vách núi, đục đá, mở đường nên đã quyết tâm vượt hàng trăm km đến với Hà Giang... Điều đó chứng tỏ, loại hình thể thao du lịch rất được coi trọng, hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế - bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết.
Việc quy tụ được 445 VĐV, đến từ 32 đoàn ở 18 tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, tranh tài 2 nội dung thi đấu gồm: Chạy bán Marathon cự ly 21 km nam, nữ từ thị trấn Đồng Văn qua Mã Pì Lèng, đến thị trấn Mèo Vạc; chạy phong trào, cự ly 5 km đối với nam, 3 km đối với nữ tại trung tâm huyện Mèo Vạc, đã khẳng định nỗ lực lớn của BTC. Đồng thời, BTC cũng tạo mọi điều kiện để người dân bản địa giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, sản vật địa phương đến các VĐV và khách du lịch Hà Giang tháng 5. Mặc dù cung đường di chuyển từ các địa phương đến địa điểm tổ chức giải khá dài, vất vả, nhưng các VĐV rất háo hức, nhập cuộc đầy hứng khởi và tạo ra hình ảnh đẹp, để lại nhiều ấn tượng đối với người dân, du khách được chứng kiến.
Anh Nguyễn Đức Minh, đại diện Công ty Thiên Thảo - doanh nghiệp tài trợ 4 chuyến xe đưa VĐV từ Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh lên Đồng Văn cho biết đã tham gia một số lịch trình du lịch Hà Giang, nhưng bây giờ mới có cơ hội khám phá, chinh phục những thử thách trên cung đường vùng cao. Quãng đường di chuyển bằng xe ô tô khá dài và mệt đã vượt qua, anh đặt ra quyết tâm, vượt lên chính mình bằng cách thử sức chạy trên cung đường huyền thoại cùng các VĐV chuyên nghiệp. VĐV Trịnh Hiến Thành, đoàn Hà Nội chia sẻ, chạy trên cung đường Hạnh Phúc thực sự là một trải nghiệm thú vị, những dư âm của nó sẽ đọng lại mãi trong mỗi người.
Đúng như kỳ vọng của BTC, giải chạy nhằm giới thiệu, quảng bá tới bạn bè trong nước, quốc tế hình ảnh Hà Giang, CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch, thúc đẩy phong trào tập luyện, phát triển môn chạy bán Marathon trong cả nước, tuyển chọn VĐV xuất sắc, tạo điều kiện cho các VĐV được thi đấu, cọ sát, giao lưu học tập, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, nâng cao ý thức cộng đồng về giữ gìn, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Và cao hơn nữa, những hoạt động này sẽ dần thúc đẩy, hình thành loại hình du lịch thể thao gắn với các địa danh, thắng cảnh trên bản đồ du lịch Hà Giang.
Đề xuất nhiều hoạt động thể thao du lịch
Thể thao gắn du lịch - nhìn rộng ra cả nước và các quốc gia láng giềng, loại hình này khá phổ biến, mang lại giá trị kinh tế lớn, nhưng đối với Hà Giang, khái niệm này lần đầu được đề cập. Vậy, làm thế nào để khai thác được lợi thế vùng miền, đưa các loại hình thể thao gắn với du lịch, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, điều này cần có sự nghiên cứu, tính toán hợp lý cả về không gian, thời gian và địa điểm tổ chức. Trước giải bán Marathon, năm 2015, khi kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành con đường Hạnh phúc, tỉnh cũng tổ chức giải đua xe đạp mở rộng lần thứ I. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn T.Ư, Công ty tổ chức sự kiện Atreval, 70 huấn luyện viên, VĐV câu lạc bộ xe đạp đến từ các tỉnh, thành như Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Nghệ An... đã thực hiện thành công chặng đua dài 166 km, đi qua 4 huyện vùng CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Nhiều doanh nghiệp lữ hành chia sẻ, khách đi tour du lịch Hà Giang luôn choáng ngợp bởi cảnh vật kỳ vĩ, nét độc đáo của thiên nhiên, con người. Và khi được trải nghiệm, khám phá những nét độc đáo về văn hóa, tập quán, tìm hiểu về lịch sử mảnh đất sẽ rất yêu, quý, trân trọng, mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé, giúp người dân vùng biên ải vơi bớt nhọc nhằn.
Cung đường Hạnh phúc được khởi công ngày 10/9/1959, đến ngày 20/3/1965 hoàn thành. Bằng ý chí kiên cường, lòng quả cảm của tuổi trẻ, trên 1.200 dân công với sự giúp đỡ của trên 1 nghìn Thanh niên xung phong các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hải Dương và Nam Định, đường Hạnh phúc - tuyến giao thông huyết mạch nối thành phố Hà Giang với 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc được khơi thông, đem lại cuộc sống mới cho hàng vạn đồng bào vùng cao, vùng sâu và xa của tỉnh. Từ cung đường huyền thoại này, tỉnh đã biết khơi dậy, phát huy những giá trị du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh và khi tổ chức các hoạt động thể thao du lịch Hà Giang, khai thác giá trị trên những cung đường, mảnh đất luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Thể thao gắn du lịch sẽ mang lại giá trị kép, người dân bản địa được trực tiếp tham gia vào chuỗi các hoạt động phục vụ thể thao, còn mỗi VĐV sẽ trở thành tuyên truyền viên hữu ích, đưa hình ảnh Hà Giang xích lại gần bạn bè năm châu. Qua đó, sẽ có tác động mạnh đến việc xây dựng hình ảnh, thu hút đầu tư, tăng thu nhập cho người dân, từng bước XĐGN một cách bền vững.
Từ thành công của những giải thể thao trên cung đường Hạnh phúc, Sở du lịch Hà Giang đang tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, tiến hành khảo sát, đề xuất với tỉnh tổ chức thường niên các giải thể thao như chạy Marathon, đua xe đạp, dù lượn... Có như vậy, loại hình thể thao du lịch mới thực phát triển, trở thành hướng đi tích cực trong ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh, đưa hình ảnh mảnh đất, con người Hà Giang đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
TTXT du lịch Hà Giang