Trên địa bàn huyện Hòa Vang, một số làng nghề bánh quê vẫn giữ được hương vị truyền thống và “đứng” được trên thị trường, trong đó phải kể đến làng cổ Túy Loan nức tiếng với nghề làm bánh tráng, nhất là trong dịp Tết cổ truyền.
Làng cổ Túy Loan Đà Nẵng (xã Hòa Phong) lâu nay đã nức tiếng xa gần với nghề làm bánh tráng truyền thống. Ngày thường, cả làng Túy Loan chỉ vài ba hộ đỏ lửa nhưng cứ đến Tết là gần hai chục hộ ngày đêm tráng bánh cũng không kịp giao cho khách. Thời điểm chộn rộn nhất là từ đầu tháng 11 âm lịch trở đi. Khi đó, từ làng trên xóm dưới thoang thoảng mùi gạo mới, mùi mè trắng, mùi gừng... trộn lẫn mùi khói bếp tạo cho người ta cảm giác nôn nao, trông ngóng Tết. Cũng lạ, dù trên thị trường có biết bao loại bánh tráng nổi tiếng, giá thành lại “mềm” hơn nhưng người Đà Nẵng vẫn cứ thích dùng bánh tráng Túy Loan mỗi độ xuân về. Trên bàn thờ gia tiên phải là thứ bánh tráng được tráng bằng gạo xuyệc mà nhà nông đã tranh thủ gieo sạ, thu hoạch kịp trước Tết. Thứ bánh tráng mà khi đã tàn tuần hương, đem xuống bẻ ra vẫn nghe tiếng rôm rốp giòn tan, dậy mùi gừng thơm lừng xua tan đi cái khí lạnh của đất trời vào xuân.
Nghe người làng cổ Túy Loan truyền lại, sở dĩ bánh tráng Túy Loan nổi tiếng là nhờ con cháu nối nghiệp bí quyết gia truyền của ông bà. Bí quyết ấy không được giữ khư khư mà truyền tụng rộng rãi, không chỉ cho con cháu trong nhà mà bất kỳ người Túy Loan nào muốn theo nghề cũng làm được.
Bánh tráng Túy Loan được làm kỳ công, nguyên liệu thơm ngon, bổ dưỡng nên giá thành khá cao, trung bình từ 120.000 đồng - 130.000 đồng/chục. Bà Mười Túy (một trong những hộ làm bánh tráng quanh năm, nổi tiếng của làng cổ Túy Loan), chia sẻ: Để làm ra được chiếc bánh thơm ngon, đều tay, đòi hỏi người thợ phải kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu, pha chế nguyên liệu đến khâu tráng bánh. Cũng thứ gạo, mè, tỏi, gừng ấy nhưng nếu không tỉ mỉ thì mẻ bánh sẽ không ngon. Riêng gừng là phải băm bằng tay chứ không xay bằng máy. Nếu xay thì gừng sẽ mất mùi thơm. Nước mắm cũng phải chọn nước mắm thật ngon chứ không mua nước mắm công nghiệp trên thị trường. Ngày thường, tôi tráng 4-5 ngày mỗi tháng. Hai tháng cận Tết là ngày nào cũng tráng. Từ 3 giờ sáng đã lục đục củi lửa, luôn tay mãi cho đến 3-4 giờ chiều. Mỗi mùa Tết tôi bán ra từ 8.000 - 9.000 chiếc bánh.
Ông Ngô Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết: “Bánh tráng Túy Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà nó còn theo chân du khách, bạn bè bốn phương và trở thành một đặc sản của Đà Nẵng. Ngày thường, cả xã chỉ có khoảng 4-5 hộ tráng bánh nhưng mỗi dịp Tết là gần 20 hộ đỏ lửa ngày đêm. UBND xã cũng đã hỗ trợ, đầu tư cho hai hộ làng cổ Túy Loan duy trì sản xuất thường xuyên. Dẫu vậy, do bánh có giá thành cao nên ngày thường khó bán. Chỉ mỗi dịp lễ, Tết thì nhu cầu sử dụng mới cao”.
TTXT du lịch Đà Nẵng