Địa điểm du lịch Kênh gym

Đèo Hải Vân, xây dựng môi trường thân thiện

18/04/2018 - 2521 view
Đèo Hải Vân, xây dựng môi trường thân thiện

Trước và sau khi đỉnh đèo Hải Vân quan được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công nhận Di tích cấp quốc gia, cơ quan chức năng, các cấp chính quyền khu vực nỗ lực giữ gìn môi trường, cảnh quan cho điểm du lịch có một không hai này.

Hết cảnh chèo kéo, đeo bám khách

Những năm trước đây, tình trạng buôn bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch ở khu vực đỉnh đèo Hải Vân quan xảy ra thường xuyên. Để xử lý, ngăn chặn triệt để tình trạng này, UBND quận Liên Chiểu chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND phường Hòa Hiệp Bắc vào cuộc quyết liệt.

Theo ông Bùi Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, với hơn 10 hộ kinh doanh trên đỉnh đèo Hải Vân, UBND phường yêu cầu ký cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, bán hàng đúng giá, tuyệt đối không “chặt chém”, không chèo kéo khách du lịch. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của phường, quận, Đồn Biên phòng 244... hằng ngày túc trực quản lý tình hình an ninh trật tự, xử lý kịp thời nếu có tình huống bất thường xảy ra. Nhờ đó, du khách đến Hải Vân quan được bảo vệ tốt, không xảy ra tình trạng đánh nhau, trộm cắp...

Lần đầu đến thăm di tích cấp quốc gia Hải Vân quan, chị Nguyễn Thị Thanh (thường trú thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) không ngớt lời khen ngợi nơi đây. Theo chị Thanh, người dân buôn bán trên đỉnh đèo Hải Vân thân thiện, không “chặt chém” hay chèo kéo khách; môi trường du lịch trong lành, sạch đẹp. “Nếu có dịp đến Đà Nẵng lần nữa, nhất định tôi sẽ ghé thăm nơi này”, chị Thanh bày tỏ.

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài khách du lịch trong nước, các đoàn du khách nước ngoài lên đỉnh đèo Hải Vân ngày một nhiều để ngắm cảnh, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử. Trong những ngày nắng nóng này, lượng du khách đến Hải Vân quan rất đông; họ ngắm cảnh, khám phá di tích đến chiều muộn mới trở về.

Xây dựng môi trường thân thiện

Sau khi Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch công nhận đỉnh đèo Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia, việc quản lý di tích này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và UBND thành phố Đà Nẵng giao cho quận Liên Chiểu lập ban quản lý. Theo đó, hai cơ quan này có cơ chế quản lý, bảo vệ di tích.

Ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Liên Chiểu cho biết, lâu nay việc quản lý di tích đỉnh đèo Hải Vân quan được thực hiện thường xuyên. Để bảo vệ cảnh quan, môi trường cho di tích, ngoài việc cắm biển cấm, cử lực lượng chức năng túc trực thường xuyên, UBND quận Liên Chiểu làm việc với Xí nghiệp Môi trường Liên Chiểu yêu cầu thu gom rác thải hằng ngày ở khu vực di tích, tránh tình trạng rác dồn đống gây ô nhiễm, mất mỹ quan.

Ngoài ra, ít nhất mỗi tháng 2 lần, các cơ quan chức năng của quận, UBND phường Hòa Hiệp Bắc tổ chức tổng dọn vệ sinh khu vực đỉnh đèo Hải Vân. “Để công tác quản lý di tích đi vào nền nếp hơn nữa, sắp đến UBND quận Liên Chiểu thành lập Ban quản lý di tích Hải Vân quan. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nỗ lực hết mình để xây dựng cảnh quan, môi trường du lịch thân thiện cho nơi này”, ông Hiếu nói thêm.

Hải Vân quan tọa lạc trên núi Hải Vân thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Đây là cửa ải quan trọng trấn giữ đường thiên lý Bắc - Nam có từ thời Lê. Ngày 24/5/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lễ công bố và đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia Hải Vân quan (Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017 của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch); đồng thời ký biên bản ghi nhớ về phối hợp quản lý di tích này. Đỉnh đèo Hải Vân được cho là mắt xích quan trọng nối kết hai vùng du lịch Bắc và Nam Trung Bộ.

TTXT du lịch Đà Nẵng